Gần đây, số lượng bệnh nhân bị đột quỵ được đưa đến điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước có xu hướng gia tăng đáng kể. Đáng chú ý, không chỉ những người lớn tuổi mới bị đột quỵ.
Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cung cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức; thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy, thậm chí là tử vong. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm...
Tùy theo tình trạng thiếu máu ở não mà người ta chia ra các hình thái lâm sàng như thiếu máu não thoáng qua, nhồi máu não và xuất huyết não. Triệu chứng lâm sàng và tiên lượng nặng nhẹ của bệnh cũng tùy thuộc vào các hình thái lâm sàng của đột quỵ và thời gian bệnh nhân được tiếp cận với điều trị đặc hiệu (giờ vàng).
Nhân viên y tế hướng dẫn một bệnh nhân tập phục hồi chức năng sau đột quỵ. Ảnh: YÊN LAN |
Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Tuy nhiên, người già có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Kể từ sau tuổi 55, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng lên gấp đôi. Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ. Người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường.
Các yếu tố bệnh lý làm nguy cơ gia tăng đột quỵ là: tiền sử đột quỵ, đái tháo đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp, thừa cân - béo phì, hút thuốc. Ăn uống không điều độ, không cân bằng đầy đủ các loại dưỡng chất, lười vận động cũng là hai trong số những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Ngoài ra, đột quỵ cũng được cho là có liên quan đến việc sử dụng các chất kích thích, uống quá nhiều rượu...
Trung bình trên thế giới cứ 3 phút lại có một ca tử vong do đột quỵ. Các thống kê gần đây cho thấy số bệnh nhân bị đột quỵ tăng khoảng 2% mỗi năm. Chỉ sau một tháng đi vào hoạt động, Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị hơn 1.000 ca bệnh, đáng lưu ý trong đó 10% là người trẻ tuổi; trường hợp trẻ nhất là 14 tuổi.
Người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức; thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy, thậm chí là tử vong. |
Dấu hiệu đột quỵ
Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm: Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó; cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể.
Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc; khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể thực hiện phép thử bằng cách nói những câu đơn giản và yêu cầu người bệnh nhắc lại, nếu không thể nhắc lại được thì người bệnh đó đang có những dấu hiệu đột quỵ.
Người bệnh cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động; thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ; đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn. Khi phát hiện có dấu hiệu đột quỵ, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được chẩn đoán, điều trị.
Thời gian vàng cho bệnh đột quỵ là 60 phút, mỗi phút qua đi, mức độ tổn thương của hệ thần kinh càng nghiêm trọng.
Các nghiên cứu cho thấy nhồi máu não chiếm khoảng 80% số ca đột quỵ, 20% còn lại là chảy máu não, chảy máu dưới màng nhện. Hiện có hai phương pháp điều trị nhồi máu não là tiêm thuốc tiêu sợi huyết (thuốc làm tan cục máu đông gây tắc dòng chảy trong lòng mạch máu não, gây ra nhồi máu não) và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.
Sau khi cử 4 bác sĩ và 6 điều dưỡng đi đào tạo tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), thành lập Đội Đột quỵ thuộc Đơn nguyên Nội thần kinh - Nội tiết và bị cơ sở vật chất, từ cuối năm 2019, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên triển khai kỹ thuật điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết.
Một số trường hợp nhồi máu não được phát hiện sớm, đưa đến bệnh viện trong thời gian vàng, hình ảnh CT sọ cho thấy không có nhồi máu não lớn đã được điều trị hiệu quả, bệnh nhân đi lại được, giao tiếp tốt.
Để phòng chống đột quỵ cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là những người có các yếu tố nguy cơ cao, những người bị các bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa như tăng lipides máu, tăng cholesterol máu, đái tháo đường...
Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý: ăn uống cân đối các chất dinh dưỡng như năng lượng, protides, lipides và các vitamin, nên giảm ăn mỡ động vật, tăng lượng dầu thực vật, ăn nhiều chất xơ như rau, củ quả vì các chất xơ có tác dụng như chiếc chổi quét sạch lượng mỡ thừa không cho bám vào thành mạch. Đặc biệt chế độ ăn nên hạn chế lượng muối, nên ăn không quá 6g muối mỗi ngày.
Bên cạnh đó, cần vận động thể lực hợp lý, vì vận động thể lực giúp điều hòa hoạt động của các cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể, giúp máu lưu thông tốt hơn, các mô của cơ thể được tưới máu tốt hơn, từ đó tế bào có lượng oxy nhiều hơn để hoạt động. Hơn nữa, vận động thể lực còn làm cho tâm lý sảng khoái, từ đó kích thích hệ miễn dịch của cơ thể.
Nên ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày, đây là điều hết sức quan trọng. Nhiều người do thức khuya, sinh hoạt không điều độ dẫn đến đột quỵ. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như bia, rượu...; không hút thuốc lá vì thuốc lá là nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý, đặc biệt là các bệnh về tim mạch, và là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ khá cao.
BS NGUYỄN VINH QUANG