Thứ Ba, 23/04/2024 20:29 CH
Sự nguy hiểm của phản vệ
Thứ Hai, 11/01/2021 16:00 CH

Theo các nghiên cứu, khoảng 1-2% dân số thế giới có ít nhất một lần bị phản vệ; tỉ lệ tử vong do phản vệ ước tính khoảng 1%.

 

Phản vệ là một phản ứng dị ứng có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên (các yếu tố lạ khi tiếp xúc có khả năng gây phản ứng dị ứng cho cơ thể bao gồm thức ăn, thuốc và các yếu tố khác) gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng. Mức độ nặng nhất của phản vệ là sốc phản vệ, do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản, có thể gây tử vong trong vòng một vài phút. Đáng chú ý, phản vệ do thuốc chiếm 37/100.000 trường hợp dùng thuốc; tỉ lệ tử vong phản vệ do thuốc tăng 3 lần trong thập kỷ qua.

 

Tranh minh họa sốc phản vệ. Nguồn: THAYTHUOCVIETNAM

 

Báo Phú Yên phỏng vấn PGS.TS-BS Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Trưởng bộ môn Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Trường đại học Y Hà Nội, về phản vệ.

 

* Thưa phó giáo sư, ông nhận xét gì về thực trạng phản vệ do thuốc hiện nay?

 

- Phản vệ là một phản ứng nguy hiểm, xảy ra đột ngột và có thể gây tử vong. Thống kê của Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR) và của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy phản ứng phản vệ ngày càng gia tăng với nhiều biểu hiện lâm sàng phức tạp hơn, tỉ lệ tử vong cũng đáng kể.

 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến phản vệ. Tại Việt Nam, theo các nghiên cứu, nguyên nhân chủ yếu là do thuốc. Tại Hoa Kỳ hoặc một số nước ở châu Âu, nguyên nhân phản vệ chủ yếu là do thức ăn - đặc biệt là những thực phẩm như đậu phộng, rau quả, và do nọc côn trùng.

 

Thuốc gây ra những phản ứng phản vệ chủ yếu là nhóm thuốc kháng sinh, sau đó là thuốc giảm đau kháng viêm không-steroid, các thuốc chống co giật, thuốc điều trị bệnh ở khớp như điều trị bệnh gout và một số bệnh khác; các thuốc giãn cơ, các thuốc về thần kinh - tâm thần, các vitamin và cả những thuốc chống dị ứng cũng có thể gây ra phản vệ, như corticoid.

 

* Số ca phản vệ tăng trong những năm gần đây có phải do việc lạm dụng kháng sinh, thưa phó giáo sư?

 

- Hoàn toàn đúng như vậy. Các nghiên cứu cho thấy, khi thuốc ngày càng được sử dụng nhiều thì nguy cơ phản vệ ngày càng tăng. Có nhiều cơ chế gây ra phản ứng phản vệ, trong đó có cơ chế giải phóng các hóa chất trung gian sau khi sử dụng thuốc, sau khi tiếp cận dị nguyên và nhiều cơ chế phức tạp khác. Vì vậy, khi sử dụng càng nhiều thuốc, càng lạm dụng thuốc thì phản ứng phản vệ cũng gia tăng theo.

 

* Bác sĩ có thể cho biết, trong chẩn đoán và xử trí phản vệ, đâu là vấn đề mấu chốt?

 

- Trong chẩn đoán và xử trí phản vệ, vấn đề mấu chốt là thầy thuốc hoặc những người chăm sóc sức khỏe người bệnh phát hiện được các dấu hiệu đầu tiên sau khi dùng thuốc hoặc tiếp xúc với dị nguyên và ngừng ngay việc tiếp xúc với thuốc hoặc dị nguyên. Đối với những trường hợp phản vệ từ độ II trở lên, bác sĩ - nếu bác sĩ vắng mặt thì điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh… đều có thể sử dụng thuốc adrenalin để tiêm bắp cho bệnh nhân, giải quyết phản vệ ngay lập tức. Thuốc quan trọng bậc nhất, không thay thế được là adrenalin để cấp cứu ban đầu, xử trí phản vệ.

 

* Xin cảm ơn phó giáo sư!

 

Theo Hướng dẫn chẩn đoán phản vệ của Bộ Y tế, phản vệ được phân thành 4 mức độ:

 

1. Nhẹ (độ I): Chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.

 

2. Nặng (độ II): Có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan:

 

- Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh.

- Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi.

- Đau bụng, nôn, tiêu chảy.

- Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.

 

3. Nguy kịch (độ III): Biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như sau:

 

- Đường thở: Tiếng rít thanh quản, phù thanh quản.

- Thở: Thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở.

- Rối loạn ý thức: Vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn.

- Tuần hoàn: Sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.

 

4. Ngừng tuần hoàn (độ IV): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek