5 năm là Bộ đội Cụ Hồ và gần 40 năm công tác trong ngành Công an, đến nay đã 88 tuổi đời, 67 tuổi Đảng, đại tá Phan Đắc Tổng, nguyên Giám đốc Công an Phú Yên vẫn còn minh mẫn và nhớ như in những trận đánh hào hùng đập tan chiến dịch Át-lăng của thực dân Pháp mà ông tham gia cùng Tiểu đoàn 375 (Tiểu đoàn Lá mít) trên chiến trường Phú Yên năm xưa.
Ông cũng nhớ và tự hào khi nhiều lần tham gia bảo vệ Bác Hồ trong thời gian tập kết ở miền Bắc, khi Bác về thăm và làm việc tại Quảng Ninh.
Liên tiếp chống càn
Sinh ra ở xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa), khi đang là học sinh Trường Lương Văn Chánh, chàng trai Phan Đắc Tổng đã gác bút nghiên vào bộ đội, trở thành chiến sĩ Đại đội 389. Khi có quyết định thành lập Tiểu đoàn 375, đơn vị chủ lực của Tỉnh đội Phú Yên, ông được biên chế về Đại đội 3 của tiểu đoàn này. Ông Tổng cho biết: Vừa mới thành lập, Tiểu đoàn 375 đã ra quân phục kích đánh thắng một đại đội lính Âu - Phi tại đoạn qua xóm Bầu Vườn, xã Xuân Sơn (huyện Đồng Xuân). Quân ta đã phá hủy toàn bộ xe và bắt sống nhiều tên địch. Đây là trận thắng lớn mở màn cho những trận tiếp theo của Tiểu đoàn 375 đánh bại chiến dịch Át-lăng của thực dân Pháp. Sau đó, hai cánh quân địch, một từ Sông Cầu vượt đèo Cù Mông, một từ La Hai theo đường số 6 đánh ra Bình Định. Tiểu đoàn 375 phối hợp cùng bộ đội địa phương huyện Đồng Xuân phục kích đánh nhiều chặng, địch mất 2 ngày mới hợp quân được tại Diêu Trì. Trên đà thắng lợi, Tiểu đoàn 375 phối hợp với lực lượng địa phương tiếp tục phục kích đánh thắng hàng loạt trận như: Đèo Quán Cau, Suối Cối, Đồng Tròn, An Lĩnh…
Ông Tổng nhớ nhất trận đánh chống càn tại xã Hòa Kiến. Theo kế hoạch, quân Pháp sẽ mở chiến dịch quy mô lớn càn lên tấn công vào khu căn cứ Tỉnh ủy nhằm bao vây bắt sống các lãnh đạo của ta. Tiểu đoàn 375 đã nhận lệnh tập hợp lực lượng tinh nhuệ nhất phối hợp với du kích địa phương 3 xã Hòa Kiến, Hòa Quang, Hòa Trị phục kích đánh tan cuộc càn quét của địch. Sau khi họp bàn kế hoạch tác chiến, đúng 23 giờ ngày 27/5/1954, bộ đội vào vị trí đào công sự, chiến hào. Đại đội 3 mang 100 quả mìn, lựu đạn gài ở các thôn Tường Quang, Quan Quang cách trận địa 200m. Các đơn vị khác tập trung vào vị trí chiến đấu. Còn một số đơn vị làm nhiệm vụ đào hầm, sơ tán tài sản và đưa người dân đến nơi an toàn.
Vào 8 giờ sáng 28/5/1954, cánh quân số 1 gồm một tiểu đoàn, một đại đội tăng cường do tên Nguyễn Khánh, trung đoàn trưởng (sau này là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa) chỉ huy, từ TX Tuy Hòa tấn công lên xã Hòa Kiến, băng qua thôn Minh Đức. Khoảng 9 giờ, cánh quân số 2 xuất phát từ núi Sầm tiến dọc lên xã Hòa Quang theo kênh số 1 bao vây các thôn Tường Quang, Quan Quang, Thọ Vức. Đến 9 giờ 30, cánh quân chủ lực số 3 có 2 tiểu đoàn do tên phó trung đoàn trưởng chỉ huy từ nhà thờ đạo, sân bay Tuy Hòa tấn công qua cánh đồng giáp ranh xã Hòa Kiến và Hòa Trị, có cả máy bay, pháo binh hỗ trợ.
Khi địch xuất hiện trước trận địa, có hiệu lệnh, các đơn vị của ta vùng dậy, hàng loạt đạn bắn vào quân địch như mãnh hổ. Đến 14 giờ, quân ta đã tiêu diệt đội quân càn quét hùng mạnh của địch, thu nhiều vũ khí đạn dược và bắt sống 200 tên địch, trong đó có tên Nguyễn Khánh. “Trong trận này, tôi bị thương ở vùng mắt và đầu. Sau đó, tôi được đưa về bệnh xá để phẫu thuật. Đang phẫu thuật giữa chừng thì thuốc mê không còn tác dụng, tôi phải cắn răng, gồng mình chịu đau để bác sĩ gắp mảnh đạn ra. Mỗi mũi khâu đau xé tim gan nhưng tôi không dám la vì xấu hổ với mọi người và sợ rằng không xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, ông Tổng nhớ lại.
Qua đợt chống càn này, bộ đội Tiểu đoàn 375 ai cũng được trang bị vũ khí. “Mục đích chủ trương của ta là quyết tâm đánh thắng âm mưu càn quét của địch để bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy, thứ hai là giữ chân địch ở lại để cho Tây Nguyên giải phóng Kon Tum, thứ ba là thu vũ khí để trang bị cho mình”, ông Tổng cho biết. Trước những thất bại liên tiếp của địch trên khắp chiến trường Phú Yên nói riêng, toàn quốc nói chung, quân Pháp hoang mang, bị động, chúng co cụm cố phòng thủ các điểm xung yếu có tính chiến lược để có cơ sở đàm phán với ta tại Hội nghị Giơnevơ.
Ông Tổng (thứ 5 từ phải qua) cùng với lãnh đạo bộ tại Lăng Bác năm 1976. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nhiều lần tham gia bảo vệ Bác Hồ
Năm 1955, ông Tổng tập kết ra Bắc, vì vết thương trở nặng nên phải vào Bệnh viện 108 điều trị. Sau đó, ông được tuyển vào đơn vị công an ở khu Hồng Quảng. Khu Hồng Quảng được thành lập tháng 2/1955, có 4 thị xã: Hồng Gai, Cẩm Phả, Cát Bà, Quảng Yên và 5 huyện: Cát Hải, Cẩm Phả, Đông Triều, Hoành Bồ, Yên Hưng. Thủ phủ là TX Hồng Gai (hay Hòn Gai, nay là TP Hạ Long). Đến năm 1963, khu Hồng Quảng hợp nhất với tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh. Năm 1964, ông được đưa đi học nghiệp vụ rồi về làm Đội trưởng Đội Trinh sát bảo vệ chính trị, Phòng Công an quận Cẩm Phả với nhiệm vụ trinh sát đấu tranh chống gián điệp, phản động.
Thời gian này, địch bắn phá miền Bắc, đặc biệt cảng khu Hồng Quảng là nơi tiếp nhận vũ khí, đạn dược, dầu từ các nước bạn về nên chúng ra sức đánh phá, thả bom rất ác liệt. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, ông còn tham gia lực lượng bảo vệ chữa cháy bến cảng. Sau đó, ông chuyển về công tác tại bộ phận tổng hợp tham mưu của Phòng Cảnh sát tỉnh Quảng Ninh. Với nhiệm vụ mới, ông thường xuyên đi công tác đến các vùng xung yếu, có thời gian ở Móng Cái tới 3 năm. Khi ở Công an tỉnh Quảng Ninh, ông nhiều lần vinh dự được bổ sung vào đội bảo vệ Bác Hồ khi Bác về thăm và làm việc tại Quảng Ninh. Ông Tổng nhớ lại lần đầu tiên được gặp Bác: “Hôm ấy, tôi theo đoàn cán bộ tham dự cuộc nói chuyện giữa Bác với hội phụ nữ ở sân vận động Bãi Cháy, TP Hạ Long. Đồng chí Phương, bí thư hội phụ nữ nhìn thấy một chiếc tất Bác đang mang bị rách nên cho người mua đôi tất mới. Nhưng Bác không cho rồi cởi ra mang lại và đưa chỗ rách vào bên trong. Hình ảnh mộc mạc, tiết kiệm của Bác in đậm mãi trong tâm trí của tôi cho đến tận bây giờ”.
Ông Tổng tự hào: “Mỗi lần nhận nhiệm vụ đi bảo vệ Bác và các cán bộ của Đảng, Chính phủ trên những cung đường, tại nhiều địa điểm khác nhau, tôi coi đây là nhiệm vụ thiêng liêng. Tôi cố gắng canh gác trên phần đường của mình phụ trách đảm bảo an toàn cho Bác đi qua”.
Sau ngày giải phóng Phú Yên, ông Tổng được bổ nhiệm làm Phó phòng Ty An ninh tỉnh Phú Yên, rồi Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp Công an tỉnh Phú Khánh. Sau đó, ông được điều về làm Trưởng Công an huyện Ninh Khánh một thời gian. Được cử đi học nghiệp vụ ở Trường Công an Trung ương phía Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách an ninh Công an tỉnh Phú Khánh. Ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Yên được tái lập, ông làm Giám đốc Công an tỉnh cho đến năm 1995 nghỉ hưu.
Trải qua năm tháng chiến tranh, đặc biệt là qua nhiều lần được tham gia bảo vệ Bác từ xa, những hình ảnh, lời dạy và câu chuyện về Bác tôi đều chiêm nghiệm và rút ra bài học cho bản thân. Tôi luôn nhắc nhở mình, cả cuộc đời phải sống sao cho xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ và người cán bộ công an hết lòng phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Đại tá Phan Đắc Tổng |
KHÔI NGUYÊN