Những năm gần đây, nhiếp ảnh Phú Yên liên tục gặt hái nhiều giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Nhân kỷ niệm 59 năm Ngày truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953-15/3/2012), Báo Phú Yên xin giới thiệu 3 “tay máy” tiêu biểu của nhiếp ảnh.
NSNA DƯƠNG THANH XUÂN, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tại Phú Yên: Khó có sự phân biệt rạch ròi giữa các thể loại ảnh
Đến với nhiếp ảnh từ năm 1985, nhưng động lực “tiếp lửa” đam mê cho Dương Thanh Xuân đi theo con đường này là nhờ những lần dẫn các nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước đến gành Đá Dĩa sáng tác. Từ những lần học lóm nghề của nhiều người giỏi, anh đã dần lên tay máy. Năm 2000, bức ảnh Bè cói trên đầm Ô Loan của anh là tác phẩm đầu tiên của Phú Yên được triển lãm tại cuộc thi ảnh toàn quốc. Thắng lợi liên tục với nhiều giải thưởng khác, anh được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và là người đầu tiên ở Phú Yên được kết nạp vào Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP).
Nghề làm báo đã dẫn dắt Dương Thanh Xuân đến một ngã rẽ khác của nghề ảnh: ảnh báo chí. Ba năm liền anh đã đạt liên tục nhiều giải cao ở các cuộc thi ảnh báo chí: Giải đặc biệt cuộc thi ảnh 100 điểm đến thú vị của Báo Tuổi trẻ (2008), Giải C giải Báo chí Quốc gia (2009), Giải đồng hạng cuộc thi ảnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - 2009”, giải nhất thể loại ảnh bộ cuộc thi ảnh Khoảnh khắc vàng 2010… Anh quan niệm, không có sự phân biệt rạch ròi giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. Những bức ảnh báo chí giàu cảm xúc, làm rung động lòng người cũng là những tác phẩm ảnh nghệ thuật có giá trị cao. Hiện, anh đang phấn đấu để ảnh của mình vừa đủ thông tin (ảnh báo chí), vừa sâu lắng cảm xúc (ảnh nghệ thuật).
NSNA LÊ CHÂU ĐẠO, Hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế FIAP, tước hiệu AFIAP: Đời thường là trọng tâm của các tác phẩm ảnh dự thi quốc tế
Lê Châu Đạo đến với nhiếp ảnh dịch vụ từ 13 năm trước. Năm 1999, anh có tác phẩm đầu tiên được trưng bày tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nhận thấy ảnh nghệ thuật là một niềm đam mê, có thể mang lại nhiều danh dự, nên anh chuyên sâu sáng tác theo con đường này. Năm 2004, anh được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Con đường nhiếp ảnh quốc tế mở ra cho nghệ sĩ người Tuy An này vào năm 2005, khi anh được người bạn ở Đắk Lắk gợi ý tham gia cuộc thi ảnh quốc tế FIAP và đoạt bằng danh dự. Từ năm 2006, Lê Châu Đạo mạnh dạn “đem chuông đi đánh xứ người” và đoạt được HCV FIAP tại Hồng Kông. Đến nay anh đã tham gia hàng trăm cuộc thi trong nước và quốc tế, đoạt 121 giải thưởng, trong đó có 14 HCV, 8HCB, 15HCĐ, 52 bằng danh dự quốc tế… Nhiều tác phẩm của anh liên tiếp đoạt các giải cao tại các liên hoan ảnh khu vực và quốc tế như: Tác phẩm Buổi sáng trên sông 4 của anh đã đoạt 26 giải thưởng; tác phẩm Cái nhìn đoạt 19 giải thưởng; tác phẩm Lo sợ 1 đoạt 10 giải thưởng… Lê Châu Đạo tâm sự: “Nhiếp ảnh quốc tế là một sân chơi rộng, nên các nghệ sĩ nhiếp ảnh có thể tự do sáng tạo và bức phá. Các bức ảnh đoạt giải của tôi đều hướng vào vấn đề đời thường, gần gũi và dân dã. Tôi thường định hình ý tưởng trước, sau đó sắp xếp bố cục và bấm máy. Nhiếp ảnh muốn thành công cần phải có sự kiên trì và sáng tạo. Có khi để chụp một bức ảnh đẹp, tôi mất đến ba năm và phải sáng tác ở địa điểm đó rất nhiều chuyến”.
Hiện nay, Lê Châu Đạo đang ấp ủ tổ chức một triển lãm ảnh cá nhân và sáng tác được nhiều ảnh dự thi quốc tế. Anh mong muốn tác phẩm của mình sẽ được trưng bày ở tất cả các quốc gia lớn.
NSNA LÊ MINH, Chi hội phó Chi hội Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên: Góp phần làm đẹp cho quê hương qua những bức ảnh
Biết bấm máy từ khá sớm, nhưng mãi đến năm 2000, Lê Minh mới đến với nhiếp ảnh nghệ thuật. Gần 30 năm bấm máy, Lê Minh đã có nhiều tác phẩm để lại ấn tượng đẹp cho người xem. Anh có trên 30 tác phẩm về thanh niên tình nguyện đoạt các giải thưởng trong nước và quốc tế như Giữa dòng nước lớn, giải nhất cuộc thi Dấu chân tình nguyện năm 2003, Huy chương vàng quốc tế ICS tại Mỹ do FIAP bảo trợ năm 2011; Trái tim Tình nguyện, triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 2004 do Bộ VH-TT-DL tổ chức, giải nhì ảnh báo chí năm 2007 do TW Đoàn tổ chức; Trên dòng suối Mơ giải nhất cuộc thi Mùa hè xanh mãi trong tôi năm 2005 do Báo Tuổi Trẻ tổ chức; Tình yêu và nghĩa vụ Huy chương vàng khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2005… Nhưng thành công nhất của anh là thể loại ảnh phong cảnh. Bộ ảnh Gành Đá Dĩa quê tôi của anh đoạt giải nhất cuộc thi Quê hương trong mắt tôi năm 2005 do Tạp chí Thế giới Văn hóa tổ chức năm 2005. Lê Minh đã có ba triển lãm cá nhân do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức, gồm Trái tim tình nguyện năm 2003, Phú Yên quê hương tôi năm 2006, Hương sắc Phú Yên năm 2011 nhân kỷ niệm 400 năm Phú Yên. Năm 2011, anh ra mắt Abum ảnh Hương sắc Phú Yên và Abum ảnh Đông Hòa vẻ đẹp hoang sơ. Lê Minh cho biết: “Thể loại ảnh phong cảnh đã nuôi sống được nghề và tạo được sự yêu mến của công chúng. Có lẽ vì nó đã phục vụ được nhu cầu thưởng lãm văn hóa nghệ thuật của cuộc sống nên tôi thường chụp nhiều về đề tài này. Tôi rất hạnh phúc vì đã có 1.458 ảnh phong cảnh Phú Yên được treo ở nhiều nơi, riêng CenDeluxe Hotel đã treo 250 ảnh”.
HÀ MY