Thứ Sáu, 29/11/2024 22:29 CH
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hồng Linh:
Khi sáng tạo, hãy quên kinh nghiệm đi!
Chủ Nhật, 04/03/2012 18:00 CH

Nổi tiếng với bức ảnh đen trắng đầy ấn tượng, với “bộ sưu tập” hơn 400 giải thưởng quốc tế, Lê Hồng Linh là nghệ sĩ nhiếp ảnh hàng đầu ở Việt Nam.

 

Trong một lần đến Phú Yên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hồng Linh - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - đã chia sẻ những suy nghĩ và kinh nghiệm của anh để có thể thành công với nghệ thuật chơi ánh sáng.

 

Hong-Linh-120304.jpg

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hồng Linh - Nguồn: TT&VH

* Một số nhà nhiếp ảnh khuyên rằng, một người cầm máy nên theo đuổi một đề tài nhất định và dành thời gian, tâm huyết cho đề tài đó thì mới thành công. Với quan niệm “buông lỏng cảm xúc khi chụp ảnh”, anh nghĩ sao về điều này?

 

- Tôi nghĩ khi mới vào nghề, phải chụp nhiều thứ để trải nghiệm và để thăm dò, tìm ra sở trường của mình. Nếu anh chỉ theo đuổi một đề tài ngay từ đầu, có khi đó chưa phải thế mạnh. Do đó nên chụp nhiều thứ. Qua một thời gian mới phát hiện đâu là thế mạnh, đâu là sự độc đáo của mình, đâu là điều mà mình yêu thích. Và mình bắt đầu sắm máy móc cho phù hợp. Ví dụ anh muốn chụp chân dung thì sắm ống kính theo kiểu chụp chân dung, muốn chụp thể thao thì sắm ống kính khác… Lúc đó anh mới có sự chuyên biệt. Con đường phát triển tất yếu mà triết học đã chỉ ra là gì? Đầu tiên anh phải tồn tại như bao nhiêu người khác, sau đó anh mới đủ sức tồn tại như chính mình. Lúc đó anh mới tạo ra sự khác biệt của riêng mình. Anh theo đuổi một mảng đề tài chuyên sâu và tạo ra dấu ấn riêng.

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hồng Linh quê ở Bình Sơn (Quảng Ngãi), sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Trong 22 năm cầm máy, Lê Hồng Linh đã đoạt hơn 400 giải thưởng quốc tế - một kỷ lục mà chưa nghệ sĩ nhiếp ảnh nào ở Việt Nam vượt qua. Anh đã được Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) trao tước hiệu MFIAP (Master Photographer of FIAP, tạm dịch: Nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy).

* Nhiều năm qua, ảnh nghệ thuật của Việt Nam thường xuyên đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi quốc tế, trong khi ảnh báo chí của chúng ta vẫn ở một vị trí khá khiêm nhường. Liệu có phải những người cầm máy nói chung quan tâm nhiều hơn, mải mê hơn với việc tìm kiếm cái đẹp trong cuộc sống mà chưa có sự đầu tư thích đáng cho những tác phẩm phản ánh những vấn đề nóng của xã hội?

 

- Tôn chỉ của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam là sáng tạo ảnh nghệ thuật chứ không phải làm ảnh báo chí. Ngoài ra, Hội còn tổ chức các phong trào, đồng hành với những người làm ảnh báo chí. Ví dụ, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đồng tổ chức giải “Khoảnh khắc vàng” hàng năm của Thông tấn xã Việt Nam, cử một số nghệ sĩ nhiếp ảnh làm giám khảo các cuộc thi ảnh do các địa phương tổ chức. Nhiều nghệ sĩ của Hội tổ chức triển lãm ảnh về đề tài xã hội, như anh Nguyễn Á với triển lãm Họ đã sống như thế, kể bằng hình ảnh câu chuyện những người vượt lên nghịch cảnh, tạo hiệu ứng xã hội rất lớn; anh Trần Thế Phong tổ chức triển lãm ảnh về bão Chanchu. Gần đây, Hội cũng tổ chức triển lãm ảnh về nỗi đau do những cơn bão gây ra, tại các địa phương chịu nhiều thiệt hại do bão để huy động sự đóng góp, khắc phục hậu quả. Như vậy, rõ ràng Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cũng quan tâm đến ảnh báo chí. Và có một điều chúng ta chia sẻ với nhau là, nếu ảnh báo chí mà trở thành ảnh nghệ thuật thì tuyệt vời! Bởi vì ảnh báo chí gắn liền với đời sống, mang hơi thở của cuộc sống, gắn liền với những sự kiện của đất nước và hiệu ứng xã hội rất cao, phục vụ “sát sườn” đời sống.

 

Lop-hoc-vung-cao120304.jpg

“Lớp học vùng cao” - một trong những tác phẩm nổi tiếng của NSNA Lê Hồng Linh.

* Anh có hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh và thành công của anh là đỉnh cao mà nhiều nghệ sĩ khác khó vượt qua. Theo anh, điều gì là cần nhất đối với một nghệ sĩ nhiếp ảnh?

 

- Đối với nghệ sĩ, điều quan trọng hàng đầu là năng khiếu. Năng khiếu do trời cho chứ không phải muốn là có. Năng khiếu như hạt giống tốt, như viên ngọc. Nhưng có ngọc mà không mài thì nó cũng chả sáng. Vì vậy, anh cần phải có những kiến thức về nghề, phải được đào tạo. Và phải biết học hỏi từ những nghệ sĩ đi trước, điều đó giúp anh bớt gặp rủi ro trên đường đi.

 

Kiến thức ở đây không chỉ là kiến thức nhiếp ảnh mà là kiến thức rộng lớn. Muốn chụp một ca mổ thì phải có kiến thức về phẫu thuật, muốn chụp múa ba-lê thì phải hiểu múa ba-lê, biết được lúc nào động tác của diễn viên múa là điển hình, là cao trào. Do đó phải học, học rất nhiều. Một người làm nghệ thuật phải phấn đấu trở thành một nhà văn hóa thì tác phẩm của anh mới có chiều sâu.

 

Bên cạnh kiến thức phải có kỹ năng. Phải trải nghiệm, phải bấm máy. Phải lên rừng xuống biển để trang bị kỹ năng. Nếu kỹ năng yếu thì cũng không thể diễn tả được nội dung tư tưởng của tác phẩm. Mình nghĩ những điều lớn lao nhưng tay nghề lại yếu thì cũng không thể làm được.

 

Tiếp theo là tích lũy kinh nghiệm. Đó là cái cần thiết giúp chúng ta đốt cháy giai đoạn, tránh rủi ro. Ví dụ, nhìn trời biết hôm nay mưa thì không đi chụp, nếu như không muốn chụp mưa. Tuy nhiên, làm nghệ thuật là luôn luôn tìm ra sự mới lạ, khát khao sáng tạo. Vì vậy cũng đừng quá dựa vào kinh nghiệm, bởi kinh nghiệm là những cái đã biết rồi, không có gì mới. Hãy quên kinh nghiệm đi khi sáng tạo thì mới sáng tạo được!

 

* Xin cảm ơn anh!

  

NAM PHƯƠNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek