Âm nhạc của Trịnh Công Sơn được viết bằng tiếng Việt nhưng không chỉ dành cho khán giả Việt Nam. Thế giới công nhận âm nhạc của ông bằng những giải thưởng âm nhạc vì hòa bình của nhân loại. Còn ở Việt Nam, kể từ ngày Trịnh Công Sơn công bố bài hát Ướt mi năm 1959, nhạc Trịnh đã khơi mở biết bao tâm hồn quay về với những giá trị chân - thiện - mỹ.
Hằng ngày, ai cũng dễ dàng nghe nhạc Trịnh vang lên từ quán cà phê, phòng trà… Có thể nói, độ “phủ sóng” của nhạc Trịnh gần như rộng khắp bởi mỗi bài hát của Trịnh Công Sơn là mỗi một bản tình ca chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc chạm đến trái tim của hầu hết mọi người.
Nhiều người nghe nhạc chỉ để giải trí; một số người tìm kiếm cho mình một sự đồng điệu giữa cảm xúc âm nhạc và cảm xúc tâm hồn mình. Và họ đã tìm thấy điều đó ở nhạc Trịnh.
Chị Mỹ Hạnh một người yêu nhạc ở TP Hồ Chí Minh, nói: “Âm nhạc của Trịnh Công Sơn thấm đẫm chất thiền của giáo lý nhà Phật. Từ âm nhạc của ông, tôi nhận ra rằng cuộc sống con người nằm trong vòng luân chuyển vô thường. Và bài hát Đóa hoa vô thường thể hiện rõ nhất triết lý này. Mỗi lần nghe bài hát vang lên, tôi không còn thấy thiếu thốn, trống trải, khắc khoải cô đơn nữa và như thế tâm tôi không bị bế tắc”.
Những bản tình ca của Trịnh Công Sơn không bao giờ thiếu vắng hình bóng một người con gái. Hàng trăm bản tình ca: Diễm xưa, Mưa hồng, Hạ trắng, Nắng thủy tinh, Biển nhớ… đã làm say lòng biết bao nhiêu trái tim với mối tình không trọn vẹn.
Hà Anh, sinh viên Khoa Báo chí Trường đại học KHXH và Nhân Văn TP Hồ Chí Minh trải lòng: “Khi chia tay mối tình đầu, tôi cảm thấy mình như sụp đổ. Một người bạn đã gợi ý cho tôi nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Câu hát “Làm sao em biết bia đá không đau…” trong bài hát Diễm xưa như nước mát tưới vào trái tim xác xơ trong tôi. Khi nghe nhạc Trịnh, tôi nhận ra những bản tình ca ấy phơi bày một sự mất mát lớn lao trong trái tim của kẻ tình si. Người nghe nhạc buộc phải lắng lòng để âm nhạc Trịnh Công Sơn chảy sâu vào tâm hồn, để rồi họ nhận ra rằng sự đớn đau, mất mát chỉ là một phần phải có trong cuộc sống này và như thế tôi và bạn sẽ tiếp nhận nó một cách bình yên nhất”.
Ngôn ngữ khác thường, cảm xúc mạnh mẽ, triết lý nhà Phật sâu sắc. Âm nhạc Trịnh Công Sơn đã tạo ra nhiều bậc thang cảm xúc đối với người thưởng thức.
Và một điều hết sức thú vị khác, đó là mỗi bản nhạc Trịnh đã là một bức tranh được tạo ra trong tâm thức người nghe.
Đã hơn 50 năm qua, âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn là một nguồn năng lượng vô tận tạo cảm hứng cho bao nhiêu thế hệ người hát, người viết, người nghe. Âm nhạc của ông không bị “mắc kẹt” vào thời gian, không gian mà chạm đến chiều sâu tâm thức của mỗi người.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28/2/1939, mất ngày 1/4/2001, là một trong những nhạc sĩ tân nhạc lớn của Việt Nam. Ông đã để lại cho đời khoảng 600 ca khúc, phần lớn là tình ca. Hằng năm, đến sinh nhật ông, người hâm mộ trong cả nước tổ chức những đêm nhạc Trịnh, tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa đã để lại cho đời một tài sản vô giá - những bản tình ca bất hủ.
TUYẾT DIỆU