Tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út của thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung trở thành đại diện của văn học Việt Nam vừa nhận Giải thưởng Văn học Asean 2011 tại Thái Lan. Năm nay, chủ trì Lễ trao giải do công chúa Sirivannavari Nariratana, con Hoàng thái tử Maha Vajiralongkorn đã trao thưởng cho tám tác giả của các nước trong khối Asean gồm: Brunei Darusalam, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam với các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ…
Nhà văn Nguyễn Chí Trung - Nguồn: TT-VH
Tiếng khóc của nàng Út là tiểu thuyết đầu tay của thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung (NXB Quân đội nhân dân - 2007). Cuốn sách với bối cảnh lịch sử những năm 1954-1959 ở miền đất gai góc của Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng mà gian khó mà nhà văn là người trực tiếp chiến đấu và trải nghiệm. Tác phẩm này đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng năm 2008.
Phát biểu tại buổi lễ trao giải, nhà văn Nguyễn Chí Trung cho rằng nghệ thuật và văn chương thể hiện xuất sắc tinh thần của mỗi nước, là biểu hiện đẹp đẽ bản sắc của mỗi dân tộc. Các dân tộc đến với nhau cũng từ bản sắc của mỗi dân tộc. Nhà văn Nguyễn Chí Trung nói: “Việc Nhà vua và Hoàng hậu trao cho tôi Giải thưởng Văn học Đông Nam Á 2011, một giải thưởng rất cao quý, là biểu hiện đẹp đẽ tinh thần hòa bình, hữu nghị giữa các nước Asean; là sự quý trọng của Nhà vua, Hoàng hậu, Hoàng thái tử, Công chúa và của các bạn đối với sự đóng góp của văn học Việt Nam trong tiến trình phát triển của Asean vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung sinh ngày 15/2/1930 tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng). Ông tham gia cách mạng từ tháng 10/1945, làm liên lạc, tuyên truyền. Nhập ngũ năm 1946, đến năm 1961 ông vào hoạt động ở chiến trường Trung Trung Bộ và đã chiến đấu ở nhiều chiến trường trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ và bảo vệ Tổ quốc. Ông từng là thư ký tòa soạn báo Vệ quốc quân, thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ giải phóng quân, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ nhiệm chính trị Cơ quan đại diện Cơ quan Bộ Quốc phòng hướng Tây Nam, Trợ lý Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu…
Nhà văn đã có lần tâm sự, viết văn giống như một sự trả nợ kỷ niệm, trả nợ nhân dân, trả nợ những câu chuyện thần kỳ về sự quật khởi vĩ đại của nhân dân trong suốt những năm kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Chí Trung có thể kể đến: Đà Nẵng (bút ký, 1950), Bức thư làng Mực (truyện ngắn, 1964), Hương Cau (truyện ngắn, 1975), Khi dòng sông ra đến cửa (truyện ngắn, bút ký, 1981), Tiếng khóc của nàng Út (tiểu thuyết, 2007), Đối thoại trong đêm (tiểu thuyết, 2011)...
Giải thưởng Văn học Asean (SEA Writers Awards) do Hoàng gia Thái Lan thành lập năm 1979 theo sáng kiến của Hiệp hội Nhà văn Thái Lan, Hội Bút nghiệp và Hàng không Thái Lan... Giải được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh các nhà văn, nhà thơ có sáng tác tiêu biểu trong khu vực Ðông Nam Á. Năm 2011, do trận lụt lịch sử nên việc trao giải thưởng đã phải hoãn sang năm 2012.
VÂN ANH (tổng hợp)
Năm 1996, Tố Hữu là nhà thơ Việt Nam đầu tiên được vinh danh ở giải thưởng này. Tiếp đó, lần lượt là 15 tác giả Việt Nam được vinh danh tại Giải thưởng Văn học ASEAN: Tố Hữu (1996), Ma Văn Kháng (1998), Hữu Thỉnh (1999), Nguyễn Khải (2000), Nguyễn Đức Mậu (2001), Nguyễn Kiên (2002), Bằng Việt (2003), Đỗ Chu (2004), Phú Trạm (2005), Lê Văn Thảo (2006), Trần Văn Tuấn (2007), Nguyễn Ngọc Tư (2008), Cao Duy Sơn (2009), Nguyễn Nhật Ánh (2010) và Nguyễn Chí Trung (2011).