Thứ Bảy, 30/11/2024 00:33 SA
“Bảo tàng” nơi cửa phật
Chủ Nhật, 26/02/2012 18:00 CH

Những bộ cồng chiêng của người Lạch, người Chil… hằn dấu tháng năm. Những chiếc cơi trầu, bình đựng nước cúng thời nhà Nguyễn. Chiếc nồi đồng hình chữ nhật, chiếc xe đạp dành cho trẻ con hoàn toàn bằng sắt… Được thượng tọa Thích Viên Thanh sưu tầm trong hơn 30 năm qua, hàng ngàn hiện vật được trưng bày bên trong Cổ Hương Viên như bước ra từ trăm năm, tái hiện muôn mặt đời thường của Đà Lạt thời quá vãng.

Thuong-toa120226.jpg

Thượng tọa Thích Viên Thanh và bộ sưu tập cồng chiêng - Nguồn: giacngo.vn

DẤU XƯA TRONG “VƯỜN CỔ”

TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) có nhiều ngôi chùa độc đáo. Nếu như Thiền viện Trúc Lâm nổi tiếng bởi không gian đẹp và “bộ sưu tập” hoa muôn sắc màu, Thanh Quang được biết đến như một ngôi chùa của công nghệ với phòng nuôi cấy mô hiện đại, chùa Linh Phước với những bức phù điêu, hàng cột hình rồng được ghép từ nghìn mảnh sứ… thì Thiền viện Vạn Hạnh ở phường 8 được biết đến với một “bảo tàng” thu nhỏ về Đà Lạt xưa.

“Bảo tàng” ấy nằm bên trong Cổ Hương Viên. Ấn tượng đầu tiên của du khách khi bước vào khu vườn này là những chiếc cối đá. Lớn nhỏ, cao thấp khác nhau, hàng trăm chiếc cối đá - có chiếc hơn 300 tuổi - từ những làng quê, thôn xóm được thượng tọa Thích Viên Thanh cùng các nhà sư ở đây sưu tầm. Chúng không chỉ tạo nên nét độc đáo cho Cổ Hương Viên mà còn gợi lên bao hoài niệm với những ai từng sống ở vùng nông thôn thuở trước.

Đi qua Cổ Hương Viên, du khách bước vào một “bảo tàng” Đà Lạt xưa. Gọi là bảo tàng cũng không ngoa, bởi nơi đây trưng bày gần 3.000 hiện vật, từ những hiện vật gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng đến các hiện vật từng làm bạn với người Đà Lạt xưa trong cuộc sống hàng ngày. Những pho tượng Phật. Những chiếc chuông, bộ lư đèn cũ kỹ. Bình đựng nước

cúng thời nhà Nguyễn, ra đời cách đây khoảng 200 năm. Trong vô số hiện vật liên quan đến tín ngưỡng đã sưu tầm được, thượng tọa Thích Viên Thanh rất thích thú với cái đẩu - một vật hình tròn, bằng kim loại, có thể cầm gọn bằng một bàn tay kèm theo một chiếc que tre để gõ. Xưa kia, người dân các tỉnh Nam - Ngãi - Bình - Phú dùng cái đẩu để gõ khi cúng. Theo những cuộc di cư, cái đẩu “đến” cao nguyên Langbian, góp mặt trong đời sống tâm linh của cư dân Đà Lạt một thời.

 

Trong “bảo tàng nhỏ” ở Thiền viện Vạn Hạnh có một chiếc bình phun bằng đồng, được sản xuất từ thời Pháp. Chiếc bình phun này từng gắn bó với một gia đình trồng rau, trồng hoa ở Đà Lạt. Đó có thể là một trong số mấy chục gia đình từ làng hoa Ngọc Hà hoặc Nghi Tàm, Quảng Bá, Hà Đông… vượt nghìn cây số đến vùng đất xinh đẹp trên cao nguyên Langbian, mang theo hạt giống rau, hoa cùng kinh nghiệm trồng trọt. Từ các gia đình người Bắc di cư đó, những làng hoa nổi tiếng được hình thành trên thành phố ngàn thông.

 

Và còn nhiều, rất nhiều hiện vật khác, như bước ra từ cuộc sống của người Đà Lạt xưa, rì rầm những câu chuyện đã chìm vào quá vãng. Những bộ cồng chiêng của người Lạch, người Chil… hằn dấu tháng năm. Những chiếc mâm đồng, nồi đồng gợi nhớ bữa cơm đầm ấm trong những gia đình nhiều thế hệ, trong đó có một cái nồi đồng hình chữ nhật rất lạ. Rồi những chiếc điện thoại, máy ảnh, máy quạt thời xa xưa, chiếc máy hát sử dụng đĩa than, chiếc xe đạp nhỏ xinh dành cho trẻ em hoàn toàn bằng sắt… Những hiện vật bước ra từ trăm năm, tái hiện muôn mặt đời thường của người Đà Lạt cách đây hàng thế kỷ.

 

NHÀ SƯU TẬP NƠI CỬA THIỀN

Để có một bảo tàng thu nhỏ bên trong Cổ Hương Viên, thượng tọa Thích Viên Thanh, Viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh, đã trải qua hơn 30 năm lặn lội, sưu tầm. Hành trình tìm kiếm, lưu giữ những hình ảnh, kỷ niệm về Đà Lạt xưa của nhà sư này bắt đầu từ năm 1980. Trong một lần đi làm từ thiện ở huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), nhìn thấy một chiếc cối đá nằm lăn lóc nơi góc vườn, nhà sư này bèn xin mang về làm kỷ niệm. Chiếc cối đá ấy đã nhóm lên trong ông niềm đam mê sưu tầm những đồ vật xưa cũ. Đến nay, thượng tọa Thích Viên Thanh cùng các nhà sư ở Thiền viện Vạn Hạnh đã sưu tầm được hơn 200 chiếc cối đá trưng bày tại Cổ Hương Viên.

Hơn 30 năm. Thượng tọa Thích Viên Thanh đã đi qua không biết bao nhiêu xóm thôn, ngõ ngách ở Lâm Đồng để sưu tầm hiện vật. “Tôi muốn giữ lại những hiện vật của người Đà Lạt xưa để lớp trẻ sau này biết cha ông đã sống như thế nào” - nhà sưu tập nơi cửa thiền nói một cách giản dị.

Gốc gác ở Quảng Ngãi song thượng tọa Thích Viên Thanh đã sống ở Đà Lạt gần 60 năm. Từng ấy thời gian hít thở khí trời nơi thành phố ngàn hoa, thượng tọa Thích Viên Thanh nghiễm nhiên là người Đà Lạt. Ông yêu thành phố này, yêu cuộc sống của người dân nơi đây và minh chứng cho tình yêu đó chính là hành trình sưu tầm không mệt mỏi những hiện vật đã thuộc về quá vãng.

Năm 2010, nhân đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thượng tọa Thích Viên Thanh đưa một số hiện vật gắn liền với cuộc sống của người Đà Lạt xưa trưng bày tại Hà Nội, để người thủ đô phần nào hiểu được những gì đã đồng hành với cư dân trên cao nguyên Langbian xinh đẹp - nơi đã trở thành quê hương thứ hai của rất nhiều người miền Bắc nói chung, người Hà Nội nói riêng.

Không chỉ sưu tầm ở Lâm Đồng, những khi có dịp, thượng tọa Thích Viên Thanh còn “mở rộng địa bàn” đến Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị… Vì vậy, trong bộ sưu tập khá đồ sộ của nhà sư này có không ít hiện vật từng đồng hành với cư dân miền Trung.

Ở tuổi 60, bên cạnh công việc hoằng pháp, thượng tọa Thích Viên Thanh vẫn say sưa sưu tầm, gìn giữ kỷ niệm về Đà Lạt. Ông nói rằng sẽ tiếp tục công việc này đến khi nào có thể. Không phải cho ông mà cho thế hệ con cháu sau này.

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek