Dường như khá lâu rồi, Mai Thu Huyền không xuất hiện trong các bộ phim, nếu có thì cũng không tạo nên “cơn sốt” như khi chị tham gia Những ngọn nến trong đêm. Hóa ra “cô Trúc” ngày nào đã chuyển từ chỗ đứng trước ống kính máy quay sang đứng đằng sau các bộ phim. Và ở vị trí của nhà sản xuất, Mai Thu Huyền thẳng thắn chia sẻ những suy nghĩ của chị về “cuộc chơi” cực kỳ tốn kém.
Diễn viên Mai Thu Huyền -Ảnh: D.T.XUÂN
* Khi nói về các diễn viên trẻ, không ít “cây đa cây đề” ưu tư rằng lớp trẻ bây giờ có quá nhiều mối quan tâm nên bị chi phối nhiều, không toàn tâm toàn ý với điện ảnh và trau dồi nghề nghiệp. Chị nghĩ gì trước những ưu tư đó?
- Thực ra điều đó cũng có phần đúng, nhưng không phải là tất cả. Bây giờ, nhiều bạn trẻ ở các lĩnh vực khác cũng đóng phim. Có thể là ca sĩ, người mẫu hay một người nào đó bất kỳ, vì các đạo diễn cũng thích tìm những gương mặt trẻ, họ thậm chí còn mời những bạn đang đi học ở các trường để vào vai. Chính vì vậy, không thể “bắt” diễn viên toàn tâm toàn ý với phim ảnh, vì đó không phải là công việc chính của họ.
Rõ ràng là lực lượng diễn viên bây giờ phong phú hơn rất nhiều vì được bổ sung từ sàn diễn thời trang, ca nhạc… Tôi thấy nhiều ca sĩ đóng phim cũng rất hay, tất nhiên họ không thể diễn xuất hay như hát. Ở vị trí của khán giả, tôi nghĩ sẽ rất nhàm chán nếu quanh đi quẩn lại chỉ nhìn thấy từng ấy gương mặt.
Nhưng các cô chú lo như vậy cũng đúng thôi, vì diễn xuất là nghề của các cô chú và họ dồn hết tâm huyết, sống chết với nghề. Thế nhưng bây giờ không còn giống như giai đoạn đầu của điện ảnh Việt Nam, khi phim ảnh được nhà nước bao cấp, có bộ phim làm mấy năm mới hoàn thành. Đến giai đoạn thứ hai, ý tôi là giai đoạn của các cô chú tốt nghiệp khóa hai, là họ đã không sống được với nghề, vì đâu có nhiều phim để các cô chú chỉ làm mỗi công việc diễn xuất. Và các cô chú có doanh nghiệp riêng, có những công việc khác để “nuôi” nghệ thuật. Điều đáng mừng là điện ảnh ngày càng phát triển và diễn viên, nếu giỏi, đắt sô thì sống được với nghề. Hoặc có thể họ cũng tham gia vào những ngành nghề khác, hỗ trợ niềm đam mê nghệ thuật.
* Vậy theo chị, thế hệ trước đã quá lo xa?
- Thật sự là cũng hơi lo, vì có nhiều bạn chạy theo sự nổi tiếng và nhận một lúc rất nhiều phim, không toàn tâm toàn ý cho vai diễn. Và tiến độ làm phim bây giờ nhanh lắm. Nhà sản xuất đầu tư, không thể nào “kéo” một bộ phim qua ba, bốn năm trời, vì người ta phải thu lại vốn. Tôi cũng là nhà sản xuất nên rất hiểu điều đấy. Và mình không thể trách diễn viên, vì nếu chỉ đóng phim thì họ không sống được nên phải làm công việc này công việc khác hỗ trợ nghề diễn. Ví dụ, một ca sĩ có rất nhiều fan, một người mẫu được nhiều người yêu thích, khi họ đóng phim đương nhiên sẽ thu hút một lượng khán giả đến rạp - những người đã hâm mộ họ. Và như thế, nhà sản xuất mới có tiền để tái đầu tư.
Tất nhiên, nếu “ngôi sao” không hợp vai thì cũng không nên mời. Có những người lần đầu tiên đóng phim nhưng đóng rất hay. Tất nhiên tùy từng vai diễn, tùy từng phim và tùy từng đặc thù.
Bây giờ có hai dòng phim: dòng phim “cúng cụ” và dòng phim giải trí. Nhưng dù “cúng cụ” hay giải trí thì tôi nghĩ, mục tiêu cuối cùng là chất lượng, hấp dẫn để thu hút khán giả.
Có những phim “cúng cụ” nhưng rất hay, người ta rất thích xem. Và đó là những dấu ấn của điện ảnh Việt Nam. Còn phim giải trí, mọi người đừng nghĩ phim giải trí chỉ chạy theo thị trường. Có những bộ phim giải trí được làm rất nghiêm túc. Đạo diễn giỏi ở chỗ nắm bắt được nhu cầu của khán giả.
Tất nhiên lo thì cũng lo, nhưng mà vẫn còn nhiều người yêu nghề lắm.
** Lỗi trực tiếp là do đạo diễn, nhưng lỗi gián tiếp thuộc về… khán giả. Vì khán giả chỉ cần diễn viên như vậy. Khán giả không cần diễn viên nhập vai, thể hiện nội tâm sâu sắc mà chỉ cần họ đẹp, đi tới đi lui trong khuôn hình. Rồi khi phim quá tệ, mọi người lại kêu ầm lên.
- Tôi cùng quan điểm với chị. Việt Nam có những diễn viên tài năng. Tất nhiên bên cạnh người diễn hay thì cũng có những người diễn dở. Cũng như ca sĩ, có người hát hay và có người hát dở. Khi đi học, có học sinh giỏi có học sinh kém. Đấy là chuyện rất bình thường ở bất kỳ lĩnh vực nào. Chất lượng bộ phim phụ thuộc từ nội dung, hình ảnh đến âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, diễn xuất của diễn viên… Từng ấy thứ mới tạo nên một bộ phim hay. Đừng thấy phim dở là đổ tội cho diễn viên. Có những diễn viên đóng vai này cực hay nhưng khi vào vai khác lại rất dở. Đấy là do đạo diễn không đặt họ đúng chỗ. Thứ hai, có những diễn viên hãy còn bỡ ngỡ, đạo diễn giỏi là người biết khơi gợi cảm xúc cho diễn viên. Chưa kể, nếu có nhiều diễn viên giỏi, phim chưa chắc đã hay. Cũng như một đội bóng toàn ngôi sao chưa chắc đã chiến thắng.
Yếu tố thứ hai, như chị nói, chính là công chúng. Công chúng cứ tung hô người này người kia. Nhiều khi, đạo diễn và nhà sản xuất cũng bị áp lực bởi điều đấy, phải có người đấy đóng thì phim của tôi mới có nhiều người xem. Không có gương mặt hot, chưa chắc đã kéo được khán giả đến rạp. Thế là lỗ. Đấy hoàn toàn là tiền của tư nhân. Điện ảnh là cuộc chơi cực kỳ tốn kém.
* Xin cảm ơn chị!
LÂM VY (thực hiện)