Thứ Bảy, 30/11/2024 04:36 SA
Nhạc sĩ Thế Bảo:
Lời hứa quan trọng lắm!
Chủ Nhật, 19/02/2012 18:00 CH

Nhắc đến Phó giáo sư - tiến sĩ - nhạc sĩ Thế Bảo, những người trong giới nghĩ ngay đến giao hưởng thơ Rừng Sác, giao hưởng Thăng Long 990, concerto cho piano và dàn nhạc giao hưởng Trở lại Trường Sơn…, nhiều tác phẩm thính phòng cùng hàng trăm ca khúc đầy ắp tình yêu quê hương đất nước.

 

Nhac-si-The-Bao120219.jpg

Nhạc sĩ Thế Bảo chơi đàn và hát tại Khu du lịch sinh thái Sao Việt - Ảnh: N.PHƯƠNG

Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn chương ở Bình Sơn (Quảng Ngãi), là em trai nhà thơ Tế Hanh, có năng khiếu văn chương song Thế Bảo đã rẽ sang một con đường khác - con đường bay bổng giai điệu, lời ca. Tập kết ra Bắc, ông học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), sau đó trở thành giảng viên của trường. Nhạc sĩ sinh năm 1937 này đã tham gia đào tạo nhiều thế hệ sinh viên sáng tác, nghiên cứu âm nhạc bằng tất cả niềm say mê, tâm huyết.

 

* Ông nhận xét gì về hoạt động sáng tác âm nhạc ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên trong thời gian qua?

 

- Nam Trung Bộ là khu vực có nhiều người tài năng, Tây Nguyên cũng vậy, song những người sáng tác ở đây chịu thiệt thòi vì công chúng ít, tác phẩm đưa ra cũng khó hơn. Thời buổi bây giờ, tôi nghĩ, cần phải có sự chuyển động của bản thân những người sáng tác. Lớp trẻ bây giờ tự phối khí và biểu diễn nên tác phẩm của họ được giới thiệu rất nhanh. Và bây giờ là thời của công nghệ thông tin, thành ra nếu không theo kịp thì cơ hội giới thiệu tác phẩm sẽ ít đi. Mọi thứ đi quá nhanh nên tác phẩm phải rất “động”, phải hay thì mới đọng lại được, còn không thì sự đào thải cũng rất nhanh.

 

Khi cuộc sống “sang” lên, tôi nghĩ người ta sẽ không treo tranh phiên bản nữa mà treo “tranh thật”, nghe nhạc cũng nghe âm thanh thật. Ví dụ, đàn sa-mi-sen của Nhật Bản, như đàn nguyệt của người Việt mình, họ sử dụng dây tơ để chơi, phòng nghe nhạc chỉ có ba, bốn mươi người. Nghe âm thanh thật chứ không phải nghe qua mô-bi; đàn bầu cũng vậy. Bây giờ nhiều thứ giả quá. Cứ dùng đồ giả mãi thành thói quen. Uống cà phê giả hoài, cứ tưởng là ngon; tác phẩm giả cứ tưởng là hay. Tôi nghĩ đến một giai đoạn nào đó, người ta sẽ có nhu cầu cao hơn về thưởng thức âm nhạc.

 

* Có những người sáng tác nhạc không qua trường lớp nhưng tác phẩm của họ vẫn được công chúng đón nhận, yêu thích. Ở góc độ của một phó giáo sư, ông nghĩ như thế nào về điều này?

 

- Nhiều người đến với Hội Nhạc sĩ Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, có những người được đào tạo bài bản, có người tự học. Những người tự học mà có tác phẩm hay là rất giỏi đấy. Nhưng bao giờ cũng sẽ có những lỗ hổng. Và sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ những người đi trước, được đào tạo về chuyên môn là rất có ích đối với những người tự học.

 

* Ngoài khí nhạc, ông còn sáng tác nhiều ca khúc về quê hương đất nước, trong khi những bài hát được ưa chuộng hiện nay hầu hết nói về tình yêu, nhưng là tình yêu rất hời hợt. Ông có chạnh lòng không?

 

- Bây giờ, tôi cho rằng tinh thần trách nhiệm của những người sáng tác, trong một chừng mực nào đó, có vẻ hơi nhẹ. Thế hệ chúng tôi trách nhiệm cao lắm, lời hứa quan trọng lắm! Lời hứa với cuộc đời, với bạn bè. Người nghệ sĩ khi đưa ra một tác phẩm thì phải có trách nhiệm với cuộc đời. Sự vô cảm, thiếu trách nhiệm làm người ta có thể tung ra những sản phẩm độc hại.

 

* Ông quan niệm thế nào về sáng tác?

 

- Đấy là một công việc mà mình đau đáu. Và tôi cũng viết về tình yêu. (Hát) “Đảo xa ấy đâu chỉ trùng dương sóng vỗ/ Gió nghiêng cành bàng lay gốc phong ba/ Đảo xa ấy những con người dũng cảm/ Bám biển quê hương canh hải phận nước nhà/ Đảo xa ấy có em người con gái/ Môi san hô tóc rong biển mộng mơ/ Và tiếng hát say mê chàng thủy thủ/ Quên bão giông và quên bến quên bờ/ Cho anh yêu một tình yêu biển lớn/ Bầu trời xanh ngan ngát ánh sao xa/ Cho anh hát bài ca nàng tiên cá/ Gởi nụ hôn bông hồng nhỏ đảo xa”.

 

* Xin cảm ơn nhạc sĩ!

 

Năm 18 tuổi, Thế Bảo thi đậu Trường Âm nhạc Việt Nam, học đàn contrebasse với nhạc sư Nguyễn Xuân Khoát. Chính người thầy đầu tiên này đã dạy dỗ chàng thanh niên Thế Bảo yêu thích âm nhạc giao hưởng thính phòng và biết trân trọng vốn quý âm nhạc truyền thống dân tộc.

 

21 tuổi, Thế Bảo được giữ lại giảng dạy ở Trường Âm nhạc Việt Nam. Sau đó Thế Bảo học thêm sáng tác và đi tu nghiệp sau đại học ở Nhạc viện Liszt Ferenz, Budapest Hungarie.

 

Năm 1990, Thế Bảo bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ “Lòng bản yếu tố mô hình trong âm nhạc truyền thống Việt Nam”. Năm 1991, ông được Nhà nước phong tặng học hàm Phó giáo sư.

 

Nhạc sĩ Thế Bảo là người đa tài và cũng đa mang. Ông đã giảng dạy hơn nửa thế kỷ ở Nhạc viện Hà Nội và Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, đào tạo nhiều thế hệ nhạc sĩ khắp miền đất nước. Năm 1995, ông tham gia Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam với chức danh Trưởng ban Lý luận và Phó tổng biên tập tạp chí Âm nhạc Việt Nam cho đến năm 2010.

 

(Nguồn: vnmusic.com.vn)

 

NAM PHƯƠNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Dấu ấn trở lại của Madonna
Chủ Nhật, 19/02/2012 14:00 CH
Khai hội Lễ hội Lê Thành Phương
Chủ Nhật, 19/02/2012 07:30 SA
Tổng kết công tác năm 2011
Thứ Sáu, 17/02/2012 18:00 CH
Khắc chế nghệ sĩ ăn mặc hở hang
Thứ Sáu, 17/02/2012 18:00 CH
Ngọc viễn đông tỏa sáng
Thứ Sáu, 17/02/2012 08:00 SA
Đưa tiếng hát đến người dân vùng xa
Thứ Năm, 16/02/2012 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek