Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết đã hoàn thành Dự thảo Nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, các nghệ sĩ ăn mặc phản cảm không chỉ bị xử phạt hành chính, mà có thể còn bị đình chỉ hoạt động nghệ thuật. Sự quyết liệt này như một cách chuẩn bị cho những chuyển biến tích cực của đời sống văn hóa năm 2012.
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà - người đã được bình chọn là “Nghệ sĩ ăn mặc mốt nhất năm - Nguồn: vnexpress
Một nền nghệ thuật khi đã vận động theo xu hướng thị trường thì không dễ điều tiết ngày một ngày hai. Không lẽ phải tăng cường đội ngũ thanh tra văn hóa để túc trực theo dõi và xử lý hành chính với từng sản phẩm, từng chương trình, từng cá nhân? Một show diễn vài chục triệu, nếu có bị nộp phạt vài trăm nghìn đồng thì cũng không có gì đáng để những nghệ sĩ đầy hãnh tiến phải đắn đo. Thậm chí, tin tức về chuyện nộp phạt càng giúp nhân vật ấy trở thành tâm điểm truyền thông. Bên cạnh đó, cái lằn ranh mong manh giữa khái niệm đột phá và khái niệm phản cảm, rất khó tránh khỏi sự đôi co dai dẳng và triền miên.
Vì sao cả biện pháp hành chính và biện pháp dư luận đều chưa đạt được kết quả như mong muốn? Có hai nguyên nhân cần được suy tư hợp lý. Thứ nhất, hệ thống pháp luật cho lĩnh vực biểu diễn còn nhiều bất cập. Các nghị định chỉ cấm tác phẩm độc hại chứ chưa cấm tác phẩm tào lao đâu. Các thông tư chỉ cấm hành vi kích động bạo lực và hành vi kích động thù hận chứ chưa cấm hành vi rẻ rúng và hành vi nhố nhăng. Thứ hai, không khí hội nhập quốc tế đã loại những nghệ sĩ quen với bao cấp ra khỏi sàn diễn sôi động, một thế hệ cùng theo đuổi danh lợi thì “cá mè một lứa” thôi. Phần lớn nghệ sĩ đều tranh thủ giai đoạn xuân sắc để thu hút khán giả, chứ có ai mơ ước hoặc phấn đấu đạt đẳng cấp thế giới. Cái thời thưa vắng tài năng thì khoe ngực khủng hoặc lộ nội y sẽ tồn tại như “chuyện thường ngày ở huyện”.
Thủy Tiên ngày càng làm cho khán giả “nóng mắt” (Ảnh chỉ có tính minh họa) - Nguồn: eva.vn
Làm sao để nâng cao tính thẩm mỹ trong hoạt động biểu diễn? Câu hỏi cực khó cho bối cảnh hiện tại. Đối với lĩnh vực nhạy cảm như nghệ thuật, không phải “thượng tầng kiến trúc” quyết định “hạ tầng cơ sở”, mà hai phía soi rọi vào nhau, chi phối lẫn nhau qua mỗi hành trình phát triển. Nếu “hạ tầng cơ sở” đạt chuẩn diễn viên Chương Tử Di thì “thượng tầng kiến trúc” phải có tầm… đạo diễn Trần Khải Ca. Hiện nay, chúng ta đã có nghệ sĩ với tài sản hàng tỉ đồng và có lượng fan hàng triệu, thì cách thiết lập giá trị nghệ thuật cũng cần thay đổi linh hoạt. Chúng ta động viên những nghệ sĩ đích thực như thế nào? Một bài hát hay, một vở diễn thăng hoa, một liveshow ấn tượng, được “khen” và được “thưởng” như thế nào? Hãy thật sòng phẳng rằng, khi chúng ta không có những bậc lừng lẫy để ban phát lời khen đáng ngàn vàng cho những nghệ sĩ chân chính, thì đành chắt chiu thưởng ngàn vàng cho họ. Có nghệ sĩ nào đủ can đảm quanh năm suốt tháng lặng lẽ cống hiến để nhận lại vài câu tán dương ngọt lạt không? Đừng xem thường thước đo tài chính khi nhà nhà làm giàu, người người làm giàu. Thử hình dung, nếu Cục Nghệ thuật biểu diễn đều đặn bình chọn gương mặt ưu tú và long trọng trao tặng giải thưởng hàng trăm triệu đồng để đền đáp lao động nhọc nhằn của họ, thì sự nghiêm túc sáng tạo sẽ lần lượt xuất hiện thôi!
TÂM HUYỀN