60 hiện vật, trong đó có hơn 40 hiện vật gốm Quảng Đức mà nhà báo - nhà sưu tầm Trần Thanh Hưng dày công sưu tập đang được giới thiệu với công chúng tại Bảo tàng Phú Yên, bên cạnh những bộ sưu tập gốm Việt, đồ gỗ, đồ đồng… của thành viên CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên.
Các hiện vật thu hút sự chú ý của những ai quan tâm đến gốm Việt, và người Phú Yên cảm thấy tự hào về một dòng gốm ra đời bên bờ sông Cái (Tuy An), thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của người thợ gốm xa xưa khi biến hóa đất sét An Định, sò huyết Ô Loan trong lửa đỏ củi mằng lăng để tạo nên những sản phẩm giản dị mà độc đáo.
* Sau hai lần trưng bày, triển lãm gốm Quảng Đức trong và ngoài tỉnh, lần trưng bày này có ý nghĩa thế nào đối với một nhà sưu tập như anh?
Nhà báo - nhà sưu tầm cổ vật Trần Thanh Hưng - Ảnh: M.NGUYỆT
- Lần này, gốm Quảng Đức ra mắt công chúng Phú Yên trong một khu trưng bày của Bảo tàng Phú Yên - một công trình văn hóa rất độc đáo, theo đánh giá của nhiều người. Việc trưng bày các hiện vật lần này là niềm vui lớn đối với anh em trong CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên. Tôi giới thiệu 5 sưu tập nhỏ trong bộ sưu tập gốm Quảng Đức gồm 10 chiếc chóe khác nhau về hình dáng và màu sắc, bình, hũ lớn hũ nhỏ, bình vôi và nậm rượu. Cùng với các hiện vật gốm được trưng bày trong khu vực này của anh Đoàn Phước Thuận, Trần Đắc Lực, tôi hy vọng người xem sẽ cảm nhận được phần nào tính đa dạng và sự phong phú của gốm Quảng Đức.
* Trong 60 hiện vật mà anh trưng bày ở Bảo tàng Phú Yên, có những hiện vật nào cho thấy tính đa dạng và sự phong phú của gốm Quảng Đức?
- Lần trưng bày này, tôi lựa chọn, giới thiệu với công chúng một số hiện vật độc đáo, như cái vò gốm Quảng Đức có bốn chữ “Liên Thành công ty”. Liên Thành là công ty được thành lập vào năm 1904 và cụ Phan Chu Trinh là một trong bốn sáng lập viên. Đây là cái vò thứ hai tôi phát hiện ở Phú Yên. Trên cái vò mà tôi tìm thấy trước đó, người ta dùng mực xạ viết bốn chữ “Liên Thành công ty” chứ không đắp nổi như cái vò này, tôi đã giới thiệu trong triển lãm Con đường đất nung năm 2009.
Cái vò là sản phẩm được làm theo đơn đặt hàng của Công ty Liên Thành, dùng để đựng nước mắm và chắc chắn đó là nước mắm Phan Thiết, vì công ty được thành lập ở Phan Thiết. Nước mắm Phan Thiết lúc bấy giờ đã được xuất khẩu sang các nước trong khu vực châu Á nên “bao bì” rất đẹp. Trong một lần đến Phú Yên, nhìn thấy cái vò này, nhà sử học Dương Trung Quốc rất thích. Ông cho rằng đây là một trong những thương hiệu đầu tiên của người Việt.
Hiện vật thứ hai là cái vò có hoa văn rồng và các trang trí hổ phù chung quanh, được phát hiện ở Hòa Xuân, huyện Đông Hòa và một số bình gốm Chăm được phát hiện trên vùng đất Phú Yên, như cái kendy - một loại bình đựng rượu không có quai - mà tôi sưu tầm được ở Thành Hồ. Hay như cái bình vôi lớn bằng đất nung mà tôi tìm thấy ở chùa Hồ Sơn, rất độc đáo bởi những đường nét trang trí rất giống đồ gốm của người Chăm. Đặc biệt là hai tua quai hai bên giống như tua quai trên chiếc mũ của ông sư cả của người Chăm ở Bình Thuận; hay cái bình cắm hoa mà cố giáo sư Trần Quốc Vượng gọi là đồ bán sành bán sứ: ba mặt sau của hiện vật cũng có hoa văn đắp nổi giống như mặt trước nhưng không màu sắc. Hiện vật này, tôi phát hiện ở làng Minh Hương bên vũng Lắm, Sông Cầu.
* Anh là nhà báo, đi nhiều, gặp gỡ tiếp xúc nhiều nên có những thuận lợi trong việc sưu tầm đồ gốm. Tuy nhiên, công việc này mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Điều gì khiến anh say mê gốm Quảng Đức như vậy?
- Khi bắt đầu chơi cổ vật, tôi cũng như nhiều anh em khác, thấy cái gì cũng sưu tầm, từ đồ sứ đến đồ đồng, đồ gỗ. Sau một thời gian, mỗi người có một đam mê riêng. Anh Đoàn Phước Thuận mê đồ sứ men lam của Trung Hoa. Còn tôi, lần đầu tiên phát hiện một chiếc chóe ở Sơn Hòa và thấy nó rất độc đáo. Khi tìm hiểu thêm về gốm Quảng Đức ở Tuy An và các dòng gốm ở các vùng, tôi nhận ra một điều là dòng chảy của gốm gần như song hành với dòng chảy văn hóa, lịch sử của dân tộc. Từ ngoài Bắc với gốm Bát Tràng, theo con đường mở đất vào trong Nam, hầu như người Việt đi đến đâu thì có một nghề song hành với quá trình Nam tiến, đó là nghề gốm. Đây là nghề cổ xưa và gắn bó với các cộng đồng dân cư, từ người Chăm đến người Việt, người Hoa.
Gốm Quảng Đức do Trần Thanh Hưng sưu tầm được trưng bày tại Bảo tàng Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT
* Sau nhiều năm dày công sưu tầm, nghiên cứu, đằng sau những hiện vật có được trong các bộ sưu tập, anh còn được gì?
- Cái được lớn nhất là kiến thức nền. Kiến thức về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và về những làng nghề của nông thôn Việt ngày xưa. Ví dụ, tại sao Bình Định có nhiều làng nghề, sản phẩm từ các làng nghề đều tinh xảo và nổi tiếng? Tìm hiểu, tôi mới biết xưa kia, đây là vùng đất ba vua, quy tụ rất nhiều nghệ nhân về đó và làm ra những sản phẩm tinh xảo.
Phú Yên là vùng đất trù phú với vựa lúa Tuy Hòa. Trên bản đồ gốm cổ Việt Nam, Phú Yên có hai lò gốm là Quảng Đức và Mỹ Thạnh Tây - chủ yếu là gốm Chăm, bây giờ không còn nữa. Phú Yên góp vào bản đồ gốm cổ Việt Nam bằng một địa chỉ như Quảng Đức, đó là niềm tự hào.
Tôi mong muốn việc quảng bá gốm cổ Quảng Đức sẽ giúp các nhà nghiên cứu ở nước ngoài minh định nơi sản xuất dòng gốm này. Lâu nay, thông tin trên các website nước ngoài đều ghi một cách chung chung là gốm Quảng Đức tại Tuy Hòa, miền Trung Việt Nam.
* Không thể nào khôi phục làng nghề gốm Quảng Đức nhộn nhịp như xưa, song nếu để những gì thuộc về gốm Quảng Đức vĩnh viễn biến mất - ngoại trừ hiện vật trong các bộ sưu tập - thì sẽ có lỗi với thế hệ sau. Theo anh, cần phải làm gì để giữ gìn những gì còn lại của gốm Quảng Đức?
- Mấy năm gần đây, việc sưu tập cũng đã khó rồi, vì hiện vật không còn. Thậm chí ở con phố Lê Công Kiều, khu mua bán đồ cổ tại TP Hồ Chí Minh, đã xuất hiện gốm Quảng Đức giả. Điều đó cũng cho thấy sự quan tâm của giới nghiên cứu và những người sưu tầm đối với gốm Quảng Đức.
Theo tôi, trước hết chúng ta phải làm sao cho người dân, nhất là người dân ở Tuy An, nơi sản sinh dòng gốm này, hiểu rõ giá trị của những sản phẩm do ông bà để lại và gìn giữ các hiện vật còn sót lại. Theo đề xuất của Quỹ Ford, có lẽ trong năm nay, tôi và anh Dương Thái Nhơn sẽ thực hiện dự án truyền dạy nghề gốm Quảng Đức, may ra giữ được những kiến thức, kinh nghiệm làm gốm từ nghệ nhân cuối cùng là cụ Nguyễn Thịnh. Đó là giải pháp cuối cùng để bảo tồn dòng gốm Quảng Đức. Nếu không, sau khi cụ Thịnh ra đi, kỹ thuật làm gốm chỉ còn lưu lại trong ghi chép của những người sưu tầm, nghiên cứu về gốm Quảng Đức mà thôi.
* Xin cảm ơn anh!
NAM PHƯƠNG (thực hiện)