Vào những ngày đầu xuân Nhâm Thìn, khắp nơi trong tỉnh tưng bừng tổ chức các lễ hội. Không chỉ mang lại không khí vui tươi đầu năm mới, các lễ hội này còn góp phần phát huy bản sắc văn hóa vùng miền.
Các lễ hội sông nước thu hút hàng ngàn người tham gia, cổ vũ - Ảnh: K.MY
PHONG PHÚ CÁC HOẠT ĐỘNG
Khai màn cho mùa lễ hội ở Phú Yên năm nay là hội bài chòi diễn ra hằng đêm ở Trung tâm Văn hóa huyện Tuy An từ mùng 4-12 tháng Giêng, thu hút hàng trăm người đến tham gia. Đây là hoạt động vui xuân cổ truyền của địa phương đã bị mai một theo thời gian, vừa được khôi phục nhằm bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc. Hội bài chòi xuân Nhâm Thìn có 11 chiếc chòi tre hình chữ V dựng cao, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi trung tâm ở giữa. Trên mỗi chòi đều có thanh la, mõ và trống. Người chơi ngồi trên các chòi tre nghe các nghệ nhân hát làn điệu bài chòi và xướng tên các quân bài theo lối chơi lô tô, nhưng tên các quân bài được đặt theo lối dân gian rất ngộ nghĩnh như: ba gà, ông Ầm, đổ ruột… Mọi người thích thú theo dõi, ai có đủ số quân bài phù hợp với thẻ mình đang cầm thì được thưởng.
Ông Phan Đình Phùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên cho biết: “Các hoạt động vui xuân năm nay tập trung hướng về cơ sở với mục đích giảm bớt sự chênh lệch trong hưởng thụ văn hóa ngày tết giữa các vùng, miền trong tỉnh và gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tổ chức ít nhất một điểm vui chơi, giải trí lành mạnh cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên tại mỗi xã, phường”.
Diễn ra tưng bừng và đặc sắc nhất trong các hoạt động vui xuân vẫn là lễ hội sông nước được tổ chức ở các nơi. Sáng mùng 4 tháng Giêng, người dân Đồng Xuân đã hào hứng theo những vòng giao tranh quyết liệt trong giải bơi - đua sõng câu được tổ chức ở Bầu Sen (khu phố Long Thăng, thị trấn La Hai). Trong hai ngày mùng 5 và 6 tháng Giêng, hàng vạn người dân xứ dừa Sông Cầu đã được sống trong không khí lễ hội sông nước Tam Giang với các hội thi: Người đan lưới giỏi, Người đẹp xứ dừa, các trò chơi dân gian… Một sân khấu được dựng trên mặt nước biểu diễn các trích đoạn tuồng độc đáo, hàng trăm hoa đăng lung linh ánh nến được thả xuống nước, làm cho dòng sông Tam Giang trở nên huyền ảo và rực rỡ sắc màu trong đêm.
Phố núi Hai Riêng (huyện Sông Hinh) cũng không kém sôi động với Hội đua thuyền truyền thống lần thứ 14 được tổ chức vào mùng 6 tết tại hồ trung tâm thị trấn. Trong khí trời se lạnh, từ 6g sáng đã có khá đông người đổ dồn về nơi tổ chức lễ hội. Trong tiếng trống hội liên hồi, từng ghe đua quyết liệt tranh tài, áp sát đối phương, tranh đua từng gang tấc. Cổ vũ cho các tay đua, khán giả trên bờ vỗ tay, té nước, hò reo: “Cố lên!”, “Cố lên!”... càng làm không khí của lễ hội sôi động. Những chiếc thuyền hình rồng được trang trí nhiều hoa văn, màu sơn sặc sỡ dũng mãnh xé nước lao vun vút như tên bắn đã làm thỏa mãn niềm mong đợi của hàng nghìn bà con các dân tộc thiểu số. Cùng ngày, huyện Sơn Hòa cũng náo nức với hội đua thuyền và bơi lội truyền thống được tổ chức ở hồ suối Bùn (thị trấn Củng Sơn), thu hút sự tham gia của hàng ngàn người.
Lễ hội sông nước càng trở nên tưng bừng hơn với lễ hội đua thuyền truyền thống đầm Ô Loan lần thứ 36 ở xã An Cư (huyện Tuy An) và lễ hội đua thuyền rồng sông Đà Rằng lần thứ 16 ở TP Tuy Hòa đều vào mùng 7 tháng Giêng; lễ hội sông nước Đà Nông ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) và lễ hội đập Đồng Cam ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) đều vào mùng 8 tháng Giêng. Đây là những lễ hội truyền thống với mong muốn cầu cho một năm trời yên, sóng lặng, khai thác được nhiều hải sản.
Đặc biệt, trong tiết trời mang đậm dấu ấn miền núi: khá lạnh, dày sương và gió nhẹ, những tiếng vó ngựa trong Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng (huyện Tuy An) vào mùng 9 tháng Giêng cùng những tiếng reo hò, cổ vũ của khán giả miền ngược như xé tan sự tĩnh lặng của đất trời An Xuân.
Sắp tới, người dân sẽ còn được sống trong không khí lễ hội với các hoạt động: lễ hội chùa Từ Quang (11 tháng Giêng), lễ hội Đền Lê Thành Phương (27-28 tháng Giêng), lễ hội Đền Lương Văn Chánh (mùng 5-6 tháng hai)…
Người dân vùng biển Sông Cầu hào hứng tham gia Hội thi Người đan lưới giỏi - Ảnh: K.MY
HƯƠNG SẮC NGÀY XUÂN
Các lễ hội được tổ chức vào đầu năm mới không chỉ tạo một sân chơi lành mạnh, lý thú cho người dân mà còn góp phần làm cho các hoạt động vui xuân thêm thi vị, đậm đà, thu hút một lượng lớn VĐV ở các xã, phường tham gia. Hội đua thuyền rồng truyền thống sông Đà Rằng do Phòng VH-TT TP Tuy Hòa tổ chức thu hút hơn 700 VĐV của 25 đội đến từ 17 phường, xã, cơ quan; lễ hội sông nước Đà Nông quy tụ hơn 500 VĐV đến từ 15 đơn vị của huyện Đông Hòa… Chị Huỳnh Thị Hạnh ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) bộc bạch: “Năm nay, gia đình tôi có ba người tham gia lễ hội sông nước Đà Nông. Tôi thi lắc thúng chai, còn hai con thi bơi. Chúng tôi đã tập luyện từ trước tết. Đây vừa là hoạt động vui xuân, vừa là một cách rèn luyện sức khỏe, nên thu hút đông đảo người dân trong xã đăng ký thi”.
Ở các lễ hội, việc chiến thắng các nội dung thi không quan trọng bằng việc đã có thêm một hoạt động bổ ích trong ngày xuân. Chị Trần Thị Mười ở thôn Xuân Chinh, xã Xuân Phương (TX Sông Cầu), một VĐV tham gia vào Hội thi Người đan lưới giỏi chia sẻ: “Đây là lần thứ 4 tôi tham gia hội thi này. Ở nhà, công việc chính của tôi là làm nông. Từ nhỏ, tôi có biết đan lưới chút ít nên hễ cứ đến dịp đầu năm là tôi lại đại diện xã đi thi. Ba lần trước, tôi đều đạt giải nhất. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc cùng mọi người đến đây vui chơi, thư giãn trong những ngày tết”. Ông Trần Thêm, Phó chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết: “Hội thi Người đan lưới giỏi là một hoạt động nằm trong lễ hội sông nước Tam Giang nhằm tạo sân chơi vui xuân lành mạnh, phát huy kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm trong thao tác đan lưới của cư dân vùng biển Sông Cầu. Đồng thời góp phần bảo tồn gìn giữ và phát huy những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa làng nghề truyền thống, đưa vào phục vụ nội dung vui xuân đón tết”.
Ở các lễ hội, người xem luôn reo hò, cổ vũ cùng với tiếng trống vang lên tạo nên không khí sôi động, vui tươi đúng nghĩa của lễ hội. Chị Nay H’BLang ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) bộc bạch: “Năm nào cũng vậy, cứ mùng 6 tết, tôi cùng bà con trong buôn rủ nhau về đây xem đua thuyền. Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay tôi phải đi sớm để lên cầu chọn một chỗ thuận tiện, vừa xem, vừa cổ vũ mong đội nhà giành thắng lợi”. Còn anh Trần Văn Tú ở xã An Cư (huyện Tuy An) tâm sự: “Mỗi khi hội đua thuyền ở đầm Ô Loan tổ chức, tôi đều chèo sõng chở cả nhà đi xem. Nhiều người trong xóm, nhà có sẵn sõng, ghe cũng chở nhau đi. Ngồi xem đua thuyền trên sông nước thú vị hơn nhiều, có cảm giác như mình cũng đang hòa nhập vào cuộc thi”.
HÀ KIỀU MY