Bằng tình yêu chân thành của một công dân thi sĩ, Hải Như đã lựa chọn và say mê theo đuổi con đường sáng tác độc đáo nhưng không dễ dàng, đó là viết những điều giản dị gần gũi mà thiêng liêng của lãnh tụ tối cao. Và chẳng phải vô tình khi nhắc tới Hải Như, mọi người nghĩ ngay tới nhà thơ chuyên sáng tác về hình tượng Chủtịch Hồ Chí Minh, dù ông không bao giờ được gặp vị lãnh tụ lúc sinh thời.
Nhà thơ Hải Như (1923-2017). Ảnh tư liệu |
Vừa qua, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hải Như, tuyển tập Thơ và tiểu luận của ông đã được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Đồng thời, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức cuộc tọa đàm “Nhà thơ Hải Như - Một thế kỷ suy tư” và trao giải thưởng Cống hiến năm 2023 để vinh danh sự nghiệp thi ca của ông.
Sự nghiệp thi ca đáng trân trọng
Nhà thơ Hải Như là một người thích giao du, trò chuyện về thi ca và văn học. Chúng tôi nhiều lần được hầu chuyện cùng ông. Với 94 năm sống trên cõi đời, xê dịch nhiều nơi, sáng tác không ngừng nghỉ, nhà thơ Hải Như để lại một di sản văn học phong phú đáng trân trọng. Thơ ông quan tâm nhiều mặt đời sống xã hội và các nhân vật lịch sử, với một ý thức sâu sắc như ông viết: “Theo tôi, người làm thơ phải ý thức được quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ”.
Nhà thơ Hải Như có nhiều bài thơ được các nhạc sĩ phổ thành ca khúc, nổi bật là Như hoa hướng dương của nhạc sĩ Tô Vũ và đặc biệt là Thành phố hoa phượng đỏ của nhạc sĩ Lương Vĩnh với những câu thơ da diết viết về “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu” của một thời đau thương và hào hùng. Vì vậy, có người nhầm ông là người quê phố cảng.
Nhà thơ Hải Như tên thật Vũ Như Hải, sinh ngày 28/3/1923 tại làng Bái Dương thuộc huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định; mất ngày 30/6/2017 tại TP Hồ Chí Minh. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học, ông được học hành, tốt nghiệp bằng Thành chung.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, quân Pháp tái xâm lược, Hải Như gia nhập quân đội. Từ năm 1948, nhờ trình độ học vấn và khả năng cầm bút, ông được điều về làm báo Sông Lô thuộc Quân khu X. Đến năm 1949, ông đi học bồi dưỡng thêm lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng ở Việt Bắc.
Từ đó, ông gắn liền với công tác báo chí, làm phóng viên, biên tập viên Báo Vệ Quốc Quân (tiền thân của Báo Quân Đội Nhân dân), Cứu Quốc, Đại Đoàn Kết và cuối cùng là Phó Tổng biên tập Báo Giác Ngộ thuộc Hội Phật giáo Việt Nam.
Sinh thời, nhà thơ Hải Như xuất bản 6 tập thơ: Trái đất mai này còn lại tình yêu (NXB Văn học 1985), Bài thơ trên Bến Nhà Rồng (NXB Thuận Hóa, 1990), Nỗi buồn hoa bất tử (NXB Lao động 1994), Viết về Người (NXB Nghệ An, 2004), Có hai dòng văn chương (Thơ và tiểu luận, NXB Trẻ, 2009), Thơ viết về Người (NXB Thông tấn, 2015). Ngoài ra, nhà thơ Hải Như còn có tập tùy bút Xin ai chớ phụ hoa ngâu (NXB Phụ nữ, 1996), tập kịch Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1990, NXB Sân khấu tái bản, 2000).
Tuyển tập Thơ và tiểu luận của Hải Như |
Viết về Bác với những điều giản dị mà thiêng liêng
Đi nhiều, viết nhiều và cùng với công việc làm báo, nhàthơ Hải Như luôn nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo thi ca. Đặc biệt, bằng tình yêu chân thành của một công dân thi sĩ, ông đã lựa chọn và say mê theo đuổi một con đường sáng tác độc đáo nhưng không dễ dàng, đó là viết những điều giản dị gần gũi mà thiêng liêng của lãnh tụ tối cao.
Và chẳng phải vô tình khi nhắc tới Hải Như là mọi người nghĩ ngay tới nhà thơ chuyên sáng tác về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù ông không bao giờ được gặp vị lãnh tụ lúc sinh thời. Đó cũng là đề tài lớn xuyên suốt đời thơ của ông. Mà không chỉ thơ, ông còn viết cả một kịch bản văn học có tên Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng. Khi có dịp về thăm quê hương Nghệ An của Hồ Chủ tịch, nhà thơ Hải Như đã bày tỏ nỗi lòng bằng Bài thơ viết ở làng Sen:
Từ bốn biển về đây đứng lại
Bên chiếc chõng tre này. Đời mãi mãi mang ơn
Nơi đã cho đời: Trái tim lớn yêu thương
Đập 79 mùa xuân cho cả vòng trái đất
Bếp tắt nguội tro, nhưng căn nhà rất ấm
Đời lạnh băng rồi, muốn sưởi nóng: vào đây
Nhà nhỏ ba gian nhưng có thể chứa đầy
Cả nhân loại khổ đau cần tiếp lửa
Đã có nhiều nhà thơ đi trước hoặc cùng thế hệ viết thành công về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng khác với Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu hay Nông Quốc Chấn, Thu Bồn, Giang Nam, Hoài Vũ… thiên về sự cao cả khi viết về lãnh tụ tối cao, nhà thơ Hải Như khám phá và hướng cảm xúc của mình vào những điều giản dị gần gũi đời thường của lãnh tụ để từ đó xây dựng cho mình một không gian thẩm mỹ riêng, rút ra những bài học thiết thực đời sống nhân sinh. Chẳng hạn bài Đâu chỉ vì giản dị ông có:
Bác Hồ đi dép lốp cao su
Đâu chỉ vì giản dị
Mà vì lẽ cao hơn.
Ta lười nghĩ chẳng tìm thêm
Khi trái đất này còn những trẻ em
Chưa có đủ giày đi
Người không sao sống khác
Hoặc trong bài Bữa ăn sáng Bác Hồ, Hải Như trăn trở:
Bữa ăn sáng Bác Hồ sao đạm bạc
Một bát cháo hoa
Một khúc sắn quê nhà
Sướng chưa đều Bác sẽ khổ cùng ta
Người không muốn tâm hồn ta vẩn đục
Ôi Bác lánh xa mọi xa hoa: đời tục
Mà chúng ta nhiều lúc
Lại... sa vào
Trò chuyện với chúng tôi, nhà thơ Hải Như từng tâm sự rằng: Là nhà thơ đi sâu khám phá đề tài Chủtịch Hồ Chí Minh, tôi đề ra cho mình phương châm không “thần thánh hóa” mà “người hóa” Bác Hồ.
Đi nhiều viết nhiều và cùng với công việc làm báo, nhàthơ Hải Như luôn nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo thi ca. |
PHAN TẤN HÙNG