Ngày 16/1, UBND huyện Tuy An tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Miếu thờ vua Lê Thánh Tông, Văn miếu và miếu Hội đồng (thôn Long Uyên, xã An Dân, huyện Tuy An).
Theo ghi chép năm 1929 về Tỉnh Phú Yên của tác giả A.Laborde, miếu thờ vua Lê Thánh Tông được hình thành dưới thời Gia Long. Vào năm 1857 (thời vua Tự Đức), người dân địa phương đã quyên góp để xây dựng ngôi miếu nhỏ đặc biệt này còn lại dấu tích đến ngày nay. Từ khi xây dựng, miếu thờ vua Lê Thánh Tông mỗi năm cúng 2 lần theo lệ Xuân kỳ, Thu tế. Khi cúng, triều đình Huế phái người đến chủ trì cúng tế rất long trọng.
Nằm cạnh miếu thờ vua Lê Thánh Tông là Văn miếu - nơi thờ Đức Khổng Tử. Căn cứ bài minh khắc trên Đại hồng chung, Văn miếu được khởi công xây dựng vào mùa thu năm Quý Mùi (1823) và khánh thành năm Ất Dậu (1825). Đời vua Thành Thái, Văn miếu trước ở Triều Sơn, huyện Đồng Xuân và Khải miếu trước ở thôn Hội Tín, phủ Tuy An đều dời nhập vào Văn miếu Long Uyên.
Nằm bên phải Văn miếu là miếu Hội đồng được xây dựng từ lâu đời. Đây là một ngôi miếu nhỏ thờ nhiều vị thần nên gọi là miếu Hội đồng. Từ khi xây dựng, người dân địa phương thường tổ chức cúng miếu vào mùa xuân và mùa thu để tưởng nhớ các bậc tiền nhân thời mở đất.
Trải qua những biến cố trong lịch sử, các công trình kiến trúc: Miếu thờ vua Lê Thánh Tông, Văn miếu và miếu Hội đồng chỉ còn lại dấu tích nền móng, một vài bức tường bao và 2 bức án phong, nhưng đây là chứng tích vật chất về quá trình hình thành cộng đồng dân cư người Việt ở vùng hạ lưu sông Cái trong tiến trình lịch sử, là trung tâm sinh hoạt văn hóa của các quan lại và của cộng đồng nhân dân làng Long Uyên từ khi làng được thành lập cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của UBND tỉnh, lãnh đạo Sở VH-TT&DL trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh miếu thờ vua Lê Thánh Tông, Văn miếu và miếu Hội đồng cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tuy An và xã An Dân.
THIÊN LÝ