Chủ Nhật, 24/11/2024 05:52 SA
Bản sắc văn hóa một vùng đất
Chủ Nhật, 07/01/2024 13:00 CH

Các nghệ nhân huyện Đồng Xuân trình diễn trống đôi tại ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên. Ảnh: THIÊN LÝ

Bn sc văn hóa ca vùng đt min tây Phú Yên vô cùng đc sc, rt cn đưc bo tn và phát huy.

 

Tỉnh Phú Yên có 3 vùng miền khác nhau: Miền núi, đồng bằng và miền biển với những dấu ấn văn hóa rất đặc trưng. Miền núi Phú Yên - vùng đất phía đông dãy Trường Sơn - gồm địa bàn 3 huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân. Nơi đây có nền văn hóa rất đặc trưng và độc đáo, đóng góp vào bức tranh văn hóa muôn màu, muôn vẻ của dân tộc Việt Nam.

 

S thi - vn quý ca buôn làng

 

Huyện miền núi Sông Hinh giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk - nơi phát xuất trường ca Đam San - Xinh Nhã, quê hương của nhiều sử thi mà ngày nay chúng ta đã sưu tầm và thống kê được: Trường ca Xinh Nhã lạc rừng, trường ca Kpa Wứ, trường ca Xinh Chi Ôn

 

Trường ca là tác phẩm văn học dân gian được kể, hát trong các lễ hội, trong những ngày buôn làng có việc hệ trọng. Miền núi Phú Yên là vùng đất của các lễ hội như: Lễ mừng cơm mới, lễ bỏ mả, lễ mừng sức khỏe (lễ mừng thọ người cao tuổi). Các lễ hội được 3 tộc người: Ba Na, Ê Đê và Chăm tổ chức theo mùa trong năm.

 

Nói về sự đặc sắc trong nền văn hóa nghệ thuật của 3 dân tộc chính ở 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân phải kể đến nghệ thuật hát sử thi, kể sử thi. Người hát, kể là những nghệ nhân dân gian, những “báu vật sống” của vùng đất này.

 

Đêm đến, bên ngọn lửa hồng bập bùng, trên nhà sàn, các nghệ nhân kể sử thi say sưa, lôi cuốn, tình tiết xung đột gay cấn, hấp dẫn bên ché rượu cần thơm mùi men say. Câu chuyện như được nối dài và giá trị tinh thần cốt lõi của người dân như được gắn kết bền chặt hơn với cộng đồng.

 

Người kể sử thi vui buồn, hồi hộp lo lắng theo cao trào của câu chuyện, theo nội dung của tác phẩm. Với tài năng bẩm sinh, các nghệ nhân làm cho câu chuyện trong sử thi được dựng lại một cách sinh động.

 

Sinh thời, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng (người dân tộc Chăm ở huyện Sơn Hòa) đã sưu tầm, biên dịch và xuất bản rất nhiều công trình sử thi của các dân tộc miền núi Phú Yên như: Trường ca Xinh Chi Ôn, trường ca Tiếng cồng ông bà Hbia - Lơ Đã của dân tộc Chăm (tác phẩm dày 952 trang), trường ca Chi Lơ Kok, trường ca Anh em Chi Blơng, trường ca Tông uốt

 

Nhc c đa dng

 

Nhạc cụ của đồng bào miền núi Phú Yên cũng rất đa dạng, độc đáo. Các dân tộc Ba Na, Ê Đê, Chăm đều sử dụng nhạc cụ trong các lễ hội, trong những sự kiện của buôn làng (tang lễ, ngày cưới hỏi), từ những nhạc cụ đơn giản như chiếc kèn môi đến giàn cồng chiêng, a ráp (mỗi giàn a ráp có từ 12-15 chiếc, có khi lên đến 18 chiếc, được đúc bằng đồng, khi đánh chiêng phải treo lên dàn tre để đánh).

 

Từ những nguyên liệu đơn sơ của núi rừng như tre, nứa, dây mây rừng…, qua bàn tay khéo léo, điệu nghệ, nghệ nhân đã tạo ra các loại nhạc cụ phục vụ đời sống tinh thần của đồng bào. Kèn lá, kèn môi, đàn goong, đàn t’rưng, đàn pía, đinh buốt, đinh bia, klông pút…

 

Riêng bộ chiêng của 3 dân tộc ở miền núi Phú Yên phong phú về chủng loại, mỗi loại dùng cho lễ hội khác nhau. Đặc điểm chung là trong đám ma hay đám cưới (vui hay buồn), đồng bào đều dùng nhạc cụ để trình diễn. Chiêng trum dùng vào lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mả; chiêng nhum dùng trong lễ hội mừng cơm mới, lễ mừng sức khỏe (đồng bào Chăm).

 

Cồng chiêng được chế tác bằng đồng thau, kích thước từng chiếc khác nhau, âm thanh phát ra cũng khác; nghệ nhân có trình độ thẩm âm cao mới chế tác chuẩn được. Cồng chiêng là loại nhạc cụ quý nhất và được sử dụng nhiều nhất trong các lễ hội, có khi sử dụng vài ba chiếc, song chủ yếu phải dùng cả bộ, từ 15-18 chiếc treo lên đánh. Cấu trúc mỗi loại chiêng của các dân tộc cũng khác nhau, có loại chiêng bằng và chiêng núm.

 

Bộ nhạc cụ cồng ba, chiêng năm và trống đôi của đồng bào dân tộc Chăm, Ba Na ở miền núi Phú Yên. Ảnh: HỮU BÌNH

 

Đc đáo cng ba, chiêng năm và trng đôi

 

Bộ nhạc cụ cồng ba, chiêng năm và trống đôi của dân tộc Chăm, Ba Na ở miền núi Phú Yên rất độc đáo bởi có sự hòa quyện âm điệu, tiết tấu của cả ba, và có vị trí, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào nơi đây. Ngày 22/6/2016, Nghệ thuật trình diễn cồng ba, chiêng năm và trống đôi đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

 

Bộ nhạc cụ này độc đáo ở chỗ: Cùng một lúc, các nghệ nhân biểu diễn 3 loại nhạc cụ trong lễ hội, song mỗi loại nhạc cụ lại biểu đạt sắc thái khác nhau. Khi biểu diễn, âm thanh kết hợp với ngôn ngữ hình thể. Bộ nhạc cụ này có mặt trong mọi sinh hoạt văn hóa của đồng bào nên luôn được cộng đồng trân trọng, gìn giữ và phát huy.

 

Mỗi dịp lễ hội khác nhau, bản hòa tấu 3 loại nhạc cụ kể trên đều thể hiện nét độc đáo, giá trị riêng, mang triết lý nhân sinh sâu sắc. Mỗi loại nhạc cụ có điệu thức riêng: Chiêng năm giữ giai điệu khoan nhặt, thanh thoát, âm vang ngân xa; cồng ba giữ bè trầm sâu mượt mà. Trống đôi do 2 nghệ nhân biểu diễn. Trống nhỏ, gọn đeo vào cổ, vừa nhịp trống vừa nhảy trên sân diễn làm cho âm thanh hòa cùng cồng chiêng tìm được sự đồng điệu, tạo cho lễ hội đạt cao trào của sự phấn khích, lôi cuốn người tham gia hội.

 

Theo đánh giá chung của các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, trong bộ hòa âm cồng ba, chiêng năm và trống đôi thì vai trò và tác dụng của múa trống đôi thường gây ấn tượng mạnh nhất, làm cho các cuộc vui kéo dài.

 

Đối với cộng đồng người Chăm và Ba Na ở huyện miền núi Đồng Xuân, đánh trống đôi là một cách kể chuyện. Khi 2 nghệ nhân trình diễn (song diễn), luôn có người đặt câu hỏi và người kia đối đáp. Tiếng trống thay cho lời, điệu múa nói lên cách ứng xử. Đồng điệu thích nhau thì âm điệu múa hòa quyện vào nhau nghe rất êm tai và đầy cảm xúc, còn nếu như không thích nhau thì tiếng trống nghe chát chúa, giận dữ, ít vui…

 

Do đó, các nghệ nhân múa trống đôi phải là cặp ngang sức ngang tài, người tung kẻ hứng, hiểu ý nhau mới làm cho cuộc chơi trọn vẹn. Di sản văn hóa nghệ thuật trình diễn cồng ba, chiêng năm và trống đôi cùng không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc Chăm và Ba Na ở huyện miền núi Đồng Xuân là nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn, tạo bản sắc văn hóa riêng của vùng đất này.

 

Bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi Phú Yên còn thể hiện ở tượng nhà mồ của người Chăm, Ba Na và Ê Đê. Bằng các dụng cụ thô sơ như rìu, rựa và những cây gỗ, bằng đôi tay khéo léo tài ba, các nghệ nhân đã làm nên những tạo hình độc đáo.

 

Bên cạnh đó, những tấm thổ cẩm đa màu sắc được đồng bào dệt bằng sợi còn chứa đựng trong đó cảm xúc sáng tạo. Hoa văn trang trí trên những tấm thổ cẩm gần gũi với đời sống tự nhiên của núi rừng miền tây Phú Yên. Những chiếc gùi xinh xắn được đan bằng mây, tre, nứa với hoa văn sinh động.

 

Bàn tay khéo léo của nghệ nhân còn tạo nên các điểm nhấn kiến trúc, không chỉ thể hiện ở nhà dài (người Ê Đê), nhà sàn (người Chăm, Ba Na) mà còn thể hiện các kiểu cầu thang, bậc lên xuống rất sinh động, gắn liền với sự sinh tồn của tạo hóa.

 

Bản sắc văn hóa của vùng đất miền tây Phú Yên vô cùng đặc sắc. Bản sắc ấy có nét chung trong sự giao thoa và tiếp biến văn hóa của vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, song cũng có nét riêng, độc đáo của các dân tộc miền núi Phú Yên. Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc là trách nhiệm của mỗi chúng ta, bởi đó chính là những giá trị tinh thần vô giá của cộng đồng.

 

HU BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek