Thứ Bảy, 23/11/2024 14:41 CH
Làm thế nào để có vùng đất văn học?
Chủ Nhật, 07/05/2023 15:46 CH

Nhà văn Bích Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: YÊN LAN

Trong lòng người cầm bút luôn có một vùng đất để làm nơi nương tựa hoặc tạo nguồn cảm hứng cho hành trình sáng tạo. Làm thế nào để vùng đất đó trở thành vùng đất văn học?

 

Trong khuôn khổ Trại sáng tác Văn học, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức tọa đàm “Làm thế nào để có vùng đất văn học?”, các nhà văn, nhà thơ tham dự tọa đàm đã chia sẻ những suy tư, trăn trở về chủ đề trên.

 

Vùng đất đánh thức cảm xúc của người cầm bút

 

Đề dẫn tọa đàm, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam, nói: Tôi tin rằng trong mỗi người, đặc biệt là mỗi nhà văn, luôn có một vùng đất để thương nhớ, để mà viết. Và chính từ vùng đất văn học của mỗi nhà văn, công chúng có được vùng đất văn học của họ; đất nước có được vùng đất văn học của đất nước. Đất nước chúng ta đã và đang có những vùng đất văn học, đặc biệt là những trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế. Và có những vùng đất, do được bồi đắp văn hóa, cũng đã trở thành vùng đất văn học, như Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh...

 

Theo tác giả Bài ca phía mặt trời, Dốc gió, Gió heo may ngày nắng gián đoạn, Hẹn nhau từ muôn kiếp trước..., để có được vùng đất văn học, mỗi nhà văn phải nỗ lực. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn dùng bối cảnh hoặc địa danh của cố hương Thăng Bình (Quảng Nam) để đưa vào tác phẩm, như quán Gò, chợ Đo Đo, thậm chí nhân vật Hà Lam được đặt theo tên thị trấn, nhân vật Trà Long được đặt theo tên làng... Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn có ý thức biến quê hương mình thành vùng đất văn học trong tác phẩm. Và trong lịch sử văn học Việt Nam, nhiều nhà văn có vùng đất văn học riêng của họ, ví dụ như Tô Hoài với Hà Nội, Sơn Nam với sông nước Nam Bộ, Hoàng Phủ Ngọc Tường với Huế, Nguyễn Văn Xuân với Quảng Nam, Hoàng Văn Bổn với Đồng Nai, Nguyễn Ngọc Tư với Cà Mau... Đó là những trường hợp rất tiêu biểu.

 

Nhà thơ Lê Thành Nghị, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, người có 35 năm gắn bó với tạp chí văn chương danh tiếng này, cho rằng lực lượng vũ trang cũng là một vùng đất văn học. “Chúng tôi đắm mình trong không khí của lực lượng vũ trang, không khí của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và không khí sau chiến tranh. Trước đây, chiến tranh cách mạng là đề tài quan trọng nhất và cho đến bây giờ vẫn là một trong những đề tài quan trọng. Đề tài chiến tranh cách mạng là một vùng đất rất phong phú cho văn chương”, tác giả Mưa trong thành phố, Mùa không gió, Sông trôi không lời, Khoảng cách giữa những giọt sương... chia sẻ. Nhà thơ Lê Thành Nghị nhắc đến những tác phẩm tiêu biểu ra đời trong và sau chiến tranh, đã làm nên diện mạo văn học Việt Nam ở mảng đề tài chiến tranh cách mạng. Ông cho biết Tổng cục Chính trị có chính sách khuyến khích các nhà văn tích cực viết về chiến tranh cách mạng, tiếp tục tạo nên một vùng đất văn học. Vùng đất đó không chỉ được bồi đắp bằng chính sách của Nhà nước mà còn ở trong tâm lý sáng tạo của nhà văn.

 

Trước câu hỏi “Làm thế nào để có vùng đất văn học?”, theo nhà văn Nguyễn Trí Huân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, có hai vấn đề đặt ra. Thứ nhất là vùng đất đánh thức cảm xúc của người cầm bút. Sự hấp dẫn, cởi mở của vùng đất ấy tạo cảm hứng cho các nhà văn sáng tạo. Và ở chiều ngược lại, các nhà văn, bằng tác phẩm của mình, “đánh thức” vùng đất ấy.

 

Nhà văn Nguyễn Trí Huân cho rằng hiện nay là giai đoạn khó khăn nhất của văn học. Ông nói: “Thời chúng tôi đánh Mỹ, quyển tạp chí Văn nghệ Quân đội nhàu trong ba lô. Tôi hành quân cùng bộ đội, đi phía sau họ, rất hạnh phúc khi nghe họ bình luận về tác phẩm của chính mình in trong tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ngày đó thiếu thốn đủ thứ. Bây giờ thì khác”. Tác giả Mặt cát, Dòng sông của Xô nét, Chim én bay, Dấu thời gian... nói rằng chính quyền địa phương cần có chính sách phù hợp nhất đối với văn học.

 

Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, mỗi nhà văn, nhà thơ đều phải có một vùng đất. Vùng đất ấy có thể cụ thể, được định danh, cũng có thể là không gian trong trí tưởng tượng. Và ở vùng đất đấy, khi nhà văn đặt nhân vật của mình vào, đặt vấn đề của mình vào, họ cảm thấy tự do, thoải mái triển khai các ý tưởng nghệ thuật. Đấy chính là vùng đất của nhà văn. Vùng đất này, theo tác giả Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Kể xong rồi đi, Một ví dụ xoàng..., được hình thành từ nhiều nguồn: Có thể là một vùng đất gây ấn tượng, ám ảnh nhà văn và họ đưa vào trang viết; có thể đó là vùng đất nơi nhà văn đang sống và tìm thấy rất nhiều chất liệu để sáng tạo tác phẩm văn học. Và cũng có thể đó là vùng đất vừa thật vừa hư ảo trong tác phẩm của nhà văn. “Thế nhưng dù nguồn gốc hình thành như thế nào, tôi nghĩ điều quan trọng nhất để duy trì vùng đất đấy chính là niềm tin chân thành của chúng ta. Trong văn chương nghệ thuật, tôi cho rằng, chân thành - nhắc thì thừa nhưng không nhắc thì thiếu”, nhà văn Nguyễn Bình Phương nói.

 

 

Nhà thơ Lê Thành Nghị, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát tọa đàm. Ảnh: YÊN LAN

 

Phú Yên có thể trở thành vùng đất văn học?

 

Tại buổi tọa đàm, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn gợi lên câu hỏi “Phú Yên có thể trở thành vùng đất văn học?” và nói về sự xuất hiện của hai hiện tượng thơ: Nhà thơ Hữu Loan với tác phẩm Đèo Cả và nhà thơ Trần Mai Ninh với tác phẩm Nhớ máu, đã góp phần cách tân thơ Việt ngay từ năm 1946. “Khi hai nhà thơ này xuất hiện, chúng ta mới thấy thơ Việt thoát ra khỏi cái bóng của thơ mới. Và, người từ nơi khác đến đây sáng tác còn có Trần Vũ Mai với trường ca Ở làng Phước Hậu, viết vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Hiện nay, Phú Yên không có nhà sáng tác, nhưng mỗi năm có nhiều trại sáng tác được tổ chức tại Phú Yên. Vậy thì tại sao chúng ta không hy vọng Phú Yên có thể trở thành một vùng đất văn học trong tương lai, khi Phú Yên có đêm thơ Nguyên tiêu từ năm 1980 đến nay, và Phú Yên là quê hương của hai nhà văn, nhà thơ rất nổi tiếng: nhà văn Võ Hồng và nhà thơ Nguyễn Mỹ”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn phát biểu.

 

Nhà văn Nguyễn Trí Huân chia sẻ rằng mỗi lần về Phú Yên, ông đều nhớ đến một người bạn thân thiết đã cùng ông vào chiến trường. “Anh ấy không phải người Phú Yên nhưng đóng góp nhiều cho Phú Yên, anh ấy là nhà thơ Trần Vũ Mai. Cách đây 5-6 năm, tôi trở lại Phú Yên và đã đến vùng đất mà nhà thơ Trần Vũ Mai từng ở. Người dân vẫn nhắc đến anh Trần Vũ Mai, vẫn nhớ những ngày anh bám trụ ở đấy, cực kỳ nguy hiểm, và anh Trần Vũ Mai đã viết trường ca Ở làng Phước Hậu. Ngoài trường ca này, anh Trần Vũ Mai còn có bài thơ rất hay mà mỗi khi về Phú Yên thì bài thơ lại vang lên trong đầu tôi”, nhà văn Nguyễn Trí Huân kể về người bạn thân thiết đã về miền mây trắng. Ông nói rằng nhà thơ Trần Vũ Mai không phải người Phú Yên. Vào Phú Yên trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, nhà thơ Trần Vũ Mai cũng đã trở thành người Phú Yên!

 

Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên nhắc đến những cái tên đã làm nên diện mạo văn học Phú Yên và những bước tiến của văn chương trên vùng đất này sau ngày Phú Yên tái lập tỉnh. Văn học Phú Yên xuyên suốt với nội dung chính là tình yêu quê hương chân thành, tha thiết. Những người cầm bút tự tin viết, viết chân thành, giản dị như chính con người họ, như dòng chảy sông Ba. Các nhà văn Phú Yên luôn trân trọng và có ý thức gìn giữ nét đẹp văn hóa của vùng đất này. Một vùng đất mang lại nhiều cảm xúc cho các nhà văn nhà thơ, không sớm thì muộn, cũng sẽ trở thành một vùng đất văn học.

 

Phải chân thành khi viết về một vùng đất; dù thật hay không thật, anh phải tin nó tồn tại, và anh phải là người ở trong đó. Tức là chúng ta biến vùng đất ấy thành máu thịt của chúng ta, suy nghĩ, trăn trở, day dứt về nó. Phải chân thành như thế thì tác phẩm mới có sức thuyết phục.

 

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam,

Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek