Theo phóng viên TTXVN tại Moscow, Nga hiện ghi nhận những trường hợp nhiễm đồng thời cả virus cúm và virus corona.
Phó Giám đốc phụ trách lâm sàng và phân tích của Viện nghiên cứu Dịch tễ học trung ương trực thuộc Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Liên bang Nga - Rospotrebnadzor, bà Natalya Pshenichnaya, đã thông báo điều này ngày 9/1.
Bà Pshenichnaya nhấn mạnh thường các trường hợp như vậy được phát hiện ở những người có hệ miễn dịch yếu, trong đó có người già và trẻ em. Các virus gây bệnh có thể lưu trú trong một thời gian dài và nhanh chóng nhân bản trong đường hô hấp.
Chuyên gia Pshenichnaya cảnh báo việc nhiễm cùng lúc 2 loại virus là vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến viêm phổi và thời gian chữa trị kéo dài. Giai đoạn bệnh nặng có thể kéo dài 2-3 tuần, thậm chí lâu hơn. Nguy cơ tử vong cao.
Theo bà Pshenichnaya, để điều trị hiệu quả, các bác sĩ sử dụng liệu pháp kết hợp tập trung vào cả hai loại virus. Đáng lưu ý là không có các triệu chứng cụ thể của việc nhiễm đồng thời virus cúm và virus corona. Và điều này chỉ có thể xác định thông qua xét nghiệm.
* Báo cáo mới được cơ quan chức năng Nam Phi công bố ngày 9/1 cho biết nước này đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể phụ XBB.1.5 của biến thể Omicron gây bệnh COVID-19.
Biến thể phụ XBB.1.5 đã được các nhà nghiên cứu tại Đại học Stellenbosch phát hiện trong quá trình giải trình tự gene một mẫu ghi nhận ngày 27/12. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), XBB.1.5 hiện là “biến thể phụ dễ lây truyền nhất” được phát hiện cho đến nay trong đại dịch COVID-19.
WHO cũng đánh giá XBB.1.5 đã nhanh chóng trở thành biến thể chiếm ưu thế ở Mỹ và đã được phát hiện ở ít nhất 28 quốc gia khác. WHO đang tiếp tục đánh giá rủi ro của biến thể này. WHO cũng cho biết hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy XBB.1.5 có thể gây bệnh nặng hơn so với những biến thể đã biết trước đó. Tuy nhiên, trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách đại dịch COVID-19, bà Maria Van Kerkhove, nhấn mạnh tình trạng số ca mắc XBB.1.5 tăng đột biến một lần nữa cho thấy thế giới vẫn cần phải cảnh giác với COVID-19.
Chỉ trong tháng 12/2022, WHO đã nhận báo cáo hơn 13 triệu ca mắc mới trên toàn thế giới nhưng đây chưa phải con số thực tế bởi hoạt động theo dõi ca mắc mới đã ít được quan tâm hơn.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)