Thứ Hai, 30/09/2024 02:20 SA
Thiên đường miền hạ giới
Thứ Ba, 13/11/2007 13:45 CH

Vương quốc Hồi giáo Brunei không những được thế giới biết đến như quốc gia giàu có nhất Đông Nam Á, mà còn được biết đến như một điểm tham quan hấp dẫn, được ví như thiên đường miền hạ giới. Rừng nguyên sinh chiếm đến 70% diện tích nên Brunei còn được mệnh danh là “Hòn ngọc xanh” của Đông Nam Á với bao cảnh đẹp và những điều bất ngờ đang chờ đợi du khách ghé thăm đất nước nổi tiếng xinh đẹp và dễ mến này.

071113-cung-dien.jpg
Hoàng cung Istanal Nurul Iman

XỨ SỞ CỦA NHỮNG THÁNH ĐƯỜNG

 

Mang một thoáng nét cổ xưa của vùng đất có khá nhiều dấu ấn lịch sử trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Brunei thật sự thu hút du khách bởi sự trầm lắng, nhẹ nhàng. Có thể nói Brunei là đảo quốc của những thánh đường Hồi giáo (với hơn 100 thánh đường) mà kiến trúc đặc trưng là mái hình chóp bằng đá trắng cẩm thạch có đỉnh bằng vàng ròng trông càng rực rỡ trong những buổi hoàng hôn.

 

Nổi bật trong số đó phải kể đến đền thờ Hồi giáo Omar Ali Saifuddin, biểu tượng cho sự giàu có và sung túc của vương quốc. Toàn bộ trang trí nội và ngoại thất của ngôi đền đều được chăm chút đến từng chi tiết, trong đó chất lượng, nghệ thuật là hai yếu tố được chú trọng đầu tiên. Vì vậy, từ những bức tường, cột, vòm cung và tháp đều được làm bằng đá cẩm thạch của Italia, kính của Anh, thảm lót sàn của Ả Rập Saudi, những chùm đèn bằng pha lê dát vàng tuyệt đẹp nặng hàng tấn…

 

Không xa đền Omar Ali Saifuddin, đền Jame Asr Hassanil bên cạnh đó được biết đến như một trong những thánh đường lớn nhất thế giới. Độc đáo nhất trong số những công trình kiến trúc nổi tiếng đó chính là Hoàng cung Istanal Nurul Iman nằm phía nam thủ đô Bandar Seri Begawan. Cung điện Hoàng gia Brunei là công trình kiến trúc lộng lẫy bậc nhất với những mái vòm dát vàng, bao quanh là những hàng cây xanh mát. Chi phí xây dựng lên đến 400 triệu USD, hoàng cung có 1.778 phòng là cung điện lớn nhất trên thế giới với diện tích tổng cộng khoảng 200.000m2, được thiết kế theo motif kiến trúc Hồi giáo.

 

HẤP DẪN LÀNG NỔI KAMPONG AYER

 

Bên cạnh những nét đặc trưng của các thánh đường Hồi giáo, những điểm thu hút du khách còn phải kể đến làng cổ trên sông - Kampong Ayer, có lịch sử ra đời cách đây khoảng hơn 600 năm với hàng ngàn cư dân sinh sống. Đây là ngôi làng cổ lớn nhất thế giới với cách sống đặc trưng của những ngôi nhà gỗ bồng bềnh trên mặt nước. Qua nhiều thế kỷ, dù cuộc sống hiện đại với mức sống khá cao, nhưng những nếp nhà đặc thù của ngôi làng này vẫn được giữ gần như nguyên vẹn.

 

071113-Lang-noi.jpg
Làng nổi Kampong Ayer

 

Du khách châu Âu đến thăm Brunei thường miêu tả Kampong Ayer như “Venice của phương Đông”. Đến đây, các du khách bị quyến rũ bởi những ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiểu truyền thống độc đáo, trải dài trên sông Brunei. Có thể đến nơi đây bằng thuyền hoặc các cây cầu gỗ gần thủ đô Bandar Seri Begawan. Các ngôi nhà ở làng nổi đều được kết nối với nhau bằng nhiều đường bộ bằng gỗ đan xen nhau. Trước mỗi nhà đều có cầu tàu cho thuyền cập. Trong nhà có cả phòng cưới (vì Hồi giáo cho phép đàn ông lấy tới bốn vợ với điều kiện đủ sức bảo trợ và các bà cùng chung sống hòa bình!). Chính phủ Brunei đã chu cấp các phương tiện hiện đại cho cư dân ở làng nổi, bao gồm trường học, trạm xá, đồn cảnh sát và nhà thờ.

 

Đến với Kampong Ayer, nơi có những thợ thủ công nổi tiếng về sự khéo léo và tài hoa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm độc đáo, tinh xảo như các đồ làm bằng bạc, bằng đồng, đồ mộc, khăn thêu và đồ đan lát. Đến với họ, du khách sẽ thấy tại sao bánh quy truyền thống và những quả trứng nghi thức lại là những biểu trưng quan trọng của văn hóa Brunei.

 

Không những thế, Brunei với 70% rừng nguyên sinh còn là nơi sẽ đưa du khách đến với những khám phá bất ngờ tại khu Công viên quốc gia Temburong, ở vùng đảo phía đông. Chỉ cần mất khoảng 30 phút ngồi thuyền máy, du khách sẽ cảm nhận sự thích thú khi khám phá cảnh đẹp của khu rừng nguyên sinh với nhiều loài động vật đang sinh sống, trong đó khỉ là loài dễ bắt gặp nhất trong hành trình khám phá này.

 

Dù diện tích không rộng lớn như nhiều thành phố, quốc gia du lịch khác, nhưng Brunei lại có một sức sống riêng. Ở đó, du khách có thể tìm thấy những điều thú vị riêng. Ngoài ra, 161km bờ biển của Brunei với nhiều bãi còn trinh nguyên và đẹp đến nao lòng bởi cư dân bản địa chẳng hề tắm biển.         

KHÁNH NGỌC

 

Nên và không nên khi du lịch Brunei

 

Brunei là quốc gia có một bản sắc văn hóa rất riêng và đậm chất địa phương, vì vậy khi đến Brunei, khách du lịch cần tham khảo một số điểm đặc trưng, nên và không nên tại quốc gia Hồi giáo này.

 

Nhiều người biết rõ là trong tháng Ramadan những người theo đạo Hồi không ăn, không uống từ khi mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Vì thế nếu bạn là người nước ngoài có mặt ở đây vào tháng này, để tôn trọng họ, bạn nên tránh ăn uống trước mặt họ.

 

Kết thúc tháng Ramadan là bắt đầu bốn ngày lễ truyền thống được tổ chức hàng năm của Brunei gọi là Hari Raya Aidilfitri. Ngày đầu tiên của Hari Raya là sự xum họp của con cháu trong gia đình, họ hàng. Sang ngày thứ hai gọi là ngày Mở cửa (Open house), mỗi gia đình đều chuẩn bị các món ăn dân tộc để thết đãi khách và bạn bè đến “xông nhà”. Tuy nhiên khi đến nơi du khách nhớ quan sát xem đâu là bàn ăn dành cho phái nữ, đâu là bàn ăn dành cho phái nam, vì theo luật Hồi giáo, trong các bữa tiệc công cộng nam nữ không được ngồi ăn chung cùng bàn (kể cả trong tiệc cưới).

 

Cũng trong ngày thứ hai của lễ này, Hoàng cung Brunei bắt đầu mở cửa trong ba ngày để đón tất cả mọi người vào thăm. Khách thăm có vinh dự được bắt tay Quốc vương, Hoàng hậu cùng các thành viên trong gia đình Hoàng gia...

 

Bạn đừng quên Brunei là một xứ sở mà giá sinh hoạt rất đắt đỏ. Với nguồn dự trữ dầu khí dồi dào, GDP theo đầu người khá cao nên mức sống người dân cũng cao hơn so với các nước trong khu vực. Tất cả mọi thứ từ nhà cửa, thực phẩm, hàng tiêu dùng, các phương tiện giao thông... đều đắt hơn rất nhiều. Biết trước điều này sẽ giúp bạn đỡ sốc.

 

Khi đến đây, bạn nên tôn trọng phong cách ăn mặc của người địa phương. Ăn mặc thoải mái trong những ngày trời nóng nhìn chung vẫn được chấp nhận, song khi đến thăm những nơi thờ cúng hoặc mang tính chất kinh tế, xã hội “nghiêm trọng” thì nên lưu ý hơn.

 

Người Brunei bắt tay rất nhẹ nhàng, họ hầu như chỉ chạm tay vào đối tác và sau đó đưa tay lên ngực. Một số người thậm chí không bắt tay với người khác giới. Không nên chỉ ngón tay, thay vào đó, hãy dùng ngón cái của bàn tay phải và 4 ngón tay còn lại nắm chặt bên dưới.

 

Khi đến thăm một nhà thờ Hồi giáo, bạn nên tháo giày. Phụ nữ nên trùm đầu và không nên để cánh tay trần hoặc mặc váy ngắn đến đầu gối. Ngoài ra, không nên bước qua trước mặt một người đang cầu nguyện.

 

Nếu muốn tặng quà cho người Brunei, đặc biệt nếu quà là một món ăn, hãy đưa cho họ bằng tay phải. Và sẽ là người lịch sự khi nhận thức ăn và đồ uống (dù chỉ một ít thôi) nếu được mời. Nếu muốn từ chối, hãy chạm nhẹ vào đĩa bằng tay phải.

 

Để tôn trọng người theo đạo Hồi, tại Brunei không bán rượu. Nhưng những người không theo đạo Hồi vẫn được phép uống rượu. Nếu bạn không phải là người Hồi giáo, bạn sẽ được hưởng sự phóng khoáng của người Brunei bằng 2 chai rượu miễn phí và 12 lon bia tại các khách sạn, nhà hàng Brunei.

(Theo TNO)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek