Đây là mức dự trữ bắt buộc cao kỷ lục tại Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 29 - 11 này, và đây là lần thứ chín Trung Quốc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm nay.
Tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua là 6,5%, mức cao nhất kể từ năm 1997. Sang tháng 9 vừa qua, tỷ lệ này giảm nhẹ xuống còn 6,2%.
Dự kiến ngày mai Trung Quốc sẽ công bố số liệu về lạm phát trong tháng 10 vừa qua, và theo dự đoán của các nhà phân tích, tỷ lệ này lại tăng lên mức 6,4%.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc dự đoán kinh tế nước này vẫn tăng trưởng ở mức “quá nóng” 11% trong năm nay, chủ yếu do xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh.
Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc cũng đã năm lần tăng lãi suất. Đây là một biện pháp nữa để kiềm chế lạm phát.
Một nhà giao dịch tại một ngân hàng của châu Âu ở Thượng Hải nói: Việc Trung Quốc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang thắt chặt lượng tiền lưu thông và nỗ lực kiểm soát tăng trưởng cho vay nhằm kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế “quá nóng”.
Ngân hàng Công thương Trung Quốc - tổ chức tín dụng lớn nhất Trung Quốc - dự đoán trong một báo cáo công bố gần đây là tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại có thể lên tới 15% trong năm 2008.
Ngân hàng này dự đoán tỷ lệ lạm phát trong cả năm nay của Trung Quốc là 4,5%, cao hơn so với mức mục tiêu 3% do Chính phủ đặt ra.
Theo báo cáo của ngân hàng này, có nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ tăng lãi suất lần thứ sáu trong năm nay do lo ngại lạm phát tăng.
Báo cáo nhận định: “Để lãi suất trở nên thực tăng (lãi suất dương sau khi đã trừ tỷ lệ lạm phát) càng sớm càng tốt, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng lãi suất thêm 0,27 điểm phần trăm từ nay đến cuối năm”.
Báo cáo dự đoán, năm nay, các ngân hàng thương mại Trung Quốc cho vay tổng cộng 3.800 tỷ nhân dân tệ (tương đương 506,7 tỷ USD), cao hơn so với 3.180 tỷ nhân dân tệ trong năm ngoái. Lượng cung tiền M2 (gồm tiền mặt trong lưu thông cùng với tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng) tăng 18% trong năm nay.
Theo NDO