Thứ Sáu, 29/11/2024 19:57 CH
Trung Quốc: Những gia đình ly biệt vì con cái
Thứ Hai, 12/11/2007 07:48 SA

071112-Trieu-Bang-Hoa.jpg

Triệu ở trong căn phòng đơn sơ, thường thức khuya viết nhật ký. - Ảnh: BBC

Bên lề con đường đông đúc ở một quận tài chính của Thượng Hải, Triệu Bằng Hoa đang hối hả trộn xi măng. Hai mươi năm Trung Quốc bùng nổ kinh tế, cũng là 20 năm làm việc không biết ngơi nghỉ với anh. 

 

Anh là một lao động chân tay tại hệ thống xe điện ngầm mới của thành phố, và là một trong hàng triệu nông dân rời làng quê mỗi năm tới các thành phố mong cải thiện cuộc sống. Mức lương ở đây khá ổn, khoảng 250 USD/tháng và tiền làm thêm giờ. Nhưng với Triệu, đó là sự hy sinh, luôn sống xa gia đình và da diết nỗi nhớ con trẻ. “Tôi làm việc thực sự vất vả, vì tiền lương tôi kiếm được đã nâng cao cuộc sống của gia đình tôi”, Triệu Bằng Hoa tâm sự. “Tôi nói với các con phải học hành chăm chỉ, để có cuộc sống tốt hơn, đừng như cha chúng, một công nhân di cư, lúc nào cũng cách biệt với gia đình. Đó là cuộc sống buồn tẻ”.

 

Nhưng anh nói, anh không có lựa chọn nào hơn. Trong làn sóng xây dựng bùng nổ ở Thượng Hải, anh có thể kiếm được số tiền gấp bốn lần nếu anh trở lại làng quê và lao động vất vả. Triệu Bằng Hoa là một trong hàng chục triệu người rời bỏ làng quê và gia đình, tới thành phố làm công nhân. Trung Quốc có khoảng 20 triệu công nhân di cư, nhưng theo các ước tính không chính thức, con số này cao hơn nhiều.

 

KHÔNG PHIỀN TRÁCH

 

Mất khoảng sáu giờ đi xe từ Thượng Hải về làng của Triệu Bằng Hoa ở tỉnh Giang Tô. Góp nhặt từng đồng, nên mỗi năm Triệu chỉ gặp mặt vợ và con một hoặc có thể là hai lần

.

Vợ Triệu là người nội trợ tên Quắc Tú Mai. Cô chỉ có một mảnh ruộng nhỏ để trồng lúa ngay phía sau căn nhà đơn sơ của gia đình. Cô ít khi được gặp chồng. Triệu Bằng Hoa chỉ về nhà vào dịp quốc khánh. Cả hai vợ chồng đều phải làm việc chăm lo cho hai đứa con. Mặc dù khó khăn gian khổ, nhưng cô không một lời phiền trách. “Con tôi cần được học hành tử tế, đó là ưu tiên của chúng tôi. Không có vấn đề gì nếu cuộc sống khó khăn với chúng tôi, chúng tôi muốn tạo điều kiện tốt hơn cho con. Chúng tôi chỉ hy vọng con cái có cuộc sống tốt đẹp hơn”, cô nói.

Con trai Triệu Bằng Hoa đang học trường nội trú, con gái họ là Triệu Hối học trường gần nhà. Mới 13 tuổi, nhưng em mơ ước và mong muốn một cuộc sống khác với cha mẹ mình. “Cháu rất nhớ cha, cháu vô cùng hạnh phúc khi cha về nhà. Cháu muốn ở cùng cha khi cháu lớn, cháu sẽ chăm sóc cha”, Triệu Hối nói.

 

HY SINH

 

Mặc dù Triệu Bằng Hoa làm việc rất vất vả, nhưng mức sống của gia đình cũng khá khiêm tốn, phần lớn số tiền chi dùng cho học phí. “Bây giờ, chúng tôi đã có nhiều tiền hơn, nhưng mọi thứ lại đắt đỏ hơn từ gạo đến thịt, nên chi phí cũng nhiều hơn. Chúng tôi còn trả thêm tiền để các cháu được học trường tốt”, Tú Mai cho biết.

 

Trở lại Thượng Hải, một ngày của Triệu Bằng Hoa đã kết thúc. Anh sống trong nhà tập thể với nhiều công nhân khác. Bức tường bằng kim loại mỏng giá lạnh trong suốt mùa đông, Triệu thức rất khuya để ghi nhật ký. Với Triệu và vợ, 20 năm cách xa là cái giá phải trả để con cái họ không phải sống trong cảnh tương tự

.                                           (Theo BBC,VNN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek