Trong rất nhiều ấn tượng khi đến với quê hương quan họ Bắc Ninh - vùng “địa linh nhân kiệt” với biết bao câu chuyện vọng về từ quá khứ, trên những di tích hằn dấu thời gian, tôi nhớ đền Đô - ngôi đền thờ 8 vị vua nhà Lý và giai thoại về vị minh quân sáng lập vương triều Lý.
Triển lãm Mỹ thuật “Sắc màu Bắc Ninh - Kinh Bắc” do Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. Thông tin ấy chợt gọi về những hình ảnh không thể nào quên trong chuyến đi thâm nhập thực tế sáng tác trên vùng đất Kinh Bắc, chưa xa.
Trong rất nhiều ấn tượng khi đến với quê hương quan họ Bắc Ninh - vùng “địa linh nhân kiệt” với biết bao câu chuyện vọng về từ quá khứ trên những di tích hằn dấu thời gian, tôi nhớ đền Đô (Cổ Pháp điện) - ngôi đền thờ 8 vị vua nhà Lý và những giai thoại về vua Lý Thái Tổ.
Ngôi đền trên đất rồng thiêng
Đền Đô là ngôi đền lớn của đất nước, đến nay đã 1.002 tuổi. Di tích này thuộc địa phận phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1019, vua Lý Thái Tổ cho xây dựng Thái miếu bên dòng sông Tiêu Tương tại hương Cổ Pháp để thờ tổ phụ nhà Lý. Sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà, Lý Thái Tông kế vị, đã cho sửa sang Cổ Pháp điện làm nơi thờ tự vua cha. Đền được xây dựng vào tháng 3 năm Canh Ngọ 1030 và được các vị vua triều Lý tôn tạo. Đến triều đại nhà Trần, nơi này thờ 8 vị vua nhà Lý: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông. Vì vậy, ngôi đền có tên là đền Lý Bát Đế.
Sau bao thăng trầm, đến năm 1602, Cổ Pháp điện được vua Lê Kính Tông cho xây dựng lại đền trên đất cũ. Ngôi đền như kinh thành thu nhỏ. Hai năm sau, TS Phùng Khắc Khoan soạn Cổ Pháp điện tạo bi. Bia đá được khắc dựng năm Giáp Thìn (1604), ghi lại sự kiện nhà Lê xây dựng lại đền Cổ Pháp và ghi công đức của các vị vua triều Lý.
Khi đến Bắc Ninh thâm nhập thực tế sáng tác, đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên được nhà báo Ngô Hồng Giang, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh đưa đến viếng đền Đô. Chúng tôi gặp Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn - một người con của Đình Bảng. Nhà giáo Nguyễn Đức Thìn là một trong những người đã dành nhiều công sức sưu tầm tư liệu, vận động nhân dân xây dựng lại công trình lịch sử văn hóa đền Đô. Sau khi nghỉ hưu, ông dành tâm huyết biên soạn hàng chục cuốn sách khảo cứu lịch sử và gắn bó với công việc ở Khu di tích Đền Đô, được bầu làm Trưởng Ban Tuyên truyền.
Nhà giáo Nguyễn Đức Thìn kể: “Trước chiến tranh, đền Đô là một danh thắng của Đông Dương. Hình ảnh thủy đình trước đền - nơi các chức sắc ngày xưa ngồi xem biểu diễn rối nước - từng được Ngân hàng Đông Dương in trên giấy bạc “năm đồng vàng”. Năm 1952, sau khi giặc Pháp chiếm đóng quê hương vua Lý Thái Tổ, lính lê dương trong quân đội viễn chinh Pháp đã san phẳng đền Đô cùng nhiều nhà dân ở gần đó để làm bãi tập. Chúng đặt đại bác tại đây, bắn ra các xã xung quanh. Lúc đó tôi 12 tuổi, là đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng, cùng cha anh đánh địch để giải phóng quê hương nên tôi biết chuyện đấy. Đền Đô được xây dựng lại vào năm 1989. 30 năm qua, hàng chục triệu lượt người Việt Nam đã về đây góp tấm lòng, góp những đồng tiền viên gạch và góp tài năng mới xây dựng lại đền Đô theo dáng hình xưa”.
Năm 1991, đền Lý Bát Đế được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Đến năm 2014, nơi này cùng khu lăng mộ các vua nhà Lý được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Trên diện tích hơn 31.000m2, Khu di tích Đền Đô có hơn 20 hạng mục công trình, nổi bật là Ngũ long môn, chính điện với phương đình và nhà tiền tế - nơi có điện thờ vua Lý Thái Tổ; Cổ Pháp điện - nơi đặt ngai, tượng và bài vị 8 vị vua triều Lý; nhà Văn chỉ, Võ chỉ thờ các quan văn, quan võ tiêu biểu trong hơn 200 năm của vương triều Lý…
Triều đại nhà Lý - sau 8 vị vua: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông còn có Lý Chiêu Hoàng - hoàng đế thứ 9 và cuối cùng của nhà Lý. Lý Chiêu Hoàng được thờ riêng ở đền Rồng, phía tây của làng, cách đền Đô chừng 2km. Ông Thìn kể: Có sự tích rằng trời định đất này có 8 vị vua, ứng với việc giáng 8 đầu rồng, nên có 8 vị vua được thờ tại đền Đô. Tám vị vua trị vì đất nước trong 214 năm, ứng với Chiếu dời đô vua Lý Thái Tổ viết có 214 chữ. Lý Chiêu Hoàng trị vì trong 2 năm cuối, khi đó quyền lực nằm trong tay Trần Thủ Độ, sau đó Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Người xưa thờ riêng có lẽ từ lý do như vậy.
Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn tự hào rằng đền Đô là một công trình mang hào khí Thăng Long, là một biểu tượng của chiến thắng, một bằng chứng về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam anh hùng. Và ông đọc cho chúng tôi nghe hai câu thơ: “Từ trong đổ nát chiến tranh/ Đền Đô dựng lại đẹp tranh hòa bình/ Thăng Long chào đón bình minh/ Rồng bay lên, đẹp dáng hình Việt Nam”.
Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn thuyết minh về Cổ Pháp điện tạo bi. Ảnh: YÊN LAN |
Giai thoại về vị minh quân của hương Cổ Pháp
Hơn nghìn năm trước, Đình Bảng (nay là phường Đình Bảng thuộc TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) là hương Cổ Pháp thuộc châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang. Dòng sông Tiêu Tương chảy qua Đình Bảng, dấu tích là những hồ nước còn cho đến ngày nay. Cư dân Việt cổ tụ cư bên bờ sông Tiêu Tương làm ăn sinh sống. Từ thế kỷ thứ VIII, nơi này trở thành một trong những trung tâm Phật giáo của nước ta lúc bấy giờ. Nhiều ngôi chùa được dựng lên tại hương Cổ Pháp ngày ấy, trong đó có ngôi chùa mang 3 cái tên: chùa Cổ Pháp, chùa Ứng Viên Tâm, chùa Dận. Tại ngôi chùa này, vào ngày mùng 8 tháng 3 năm 974, bà Phạm Thị đã sinh Lý Công Uẩn, sau này là vua Lý Thái Tổ.
Lý Công Uẩn được sinh ra và lớn lên nơi cửa Phật, được thiền sư Khánh Văn trụ trì chùa Cổ Pháp nhận làm con nuôi, thiền sư Vạn Hạnh trụ trì chùa Ứng Thiên Tâm truyền dạy thư pháp, võ công. Trẻ con thì nghịch ngợm, có lúc phạm lỗi. Lần nọ, dân làng mang oản đến cúng, Lý Công Uẩn lấy ăn trước, bị phạt phải ngủ ở tam quan chùa. Đêm ấy bị muỗi đốt, không ngủ được, Lý Công Uẩn làm thơ: “Đêm khuya chẳng dám giang chân duỗi/ Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng”. Thiền sư Vạn Hạnh bảo đứa trẻ có khẩu khí như vậy sẽ làm nên nghiệp lớn, càng yêu thương, chăm lo dạy dỗ.
Năm 1009, khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi, các quan trong triều tấu rằng nên có lễ đăng quang lớn, nhưng đức vua bảo: Ta cũng như các quan, đều là quan của triều Lê, cho nên công việc của ai, làm thế nào thì cứ tiếp tục. Mùa xuân năm 1010, đức vua về thăm quê, lễ tổ tiên. Về đến Cổ Pháp, thuyền rồng đậu tại bến sông Tiêu Tương, vua Lý Thái Tổ rời thuyền lên bờ gặp mặt thần dân, tặng tiền và lụa cho các bô lão trong làng và hỏi các bô lão về kế sách giữ nước, phát triển đất nước, bởi đức vua và triều thần đã nhận thấy kinh đô Hoa Lư chỉ thích hợp cho việc phòng thủ, khó phát triển về lâu dài. Lúc đó, có người tâu: Đất Cổ Pháp có dòng sông Tiêu Tương chảy qua, có núi Tiên Du làm chỗ dựa, là vùng đất linh thiêng và có điều kiện phát triển thì nên dời đô về đây. Đức vua bảo rằng có nơi thuận lợi cho sự phát triển lâu dài của đất nước hơn, thì ta không thể vì đây là quê ta mà cho xây dựng kinh đô tại nơi này.
Sau khi bàn luận với triều thần, mùa thu năm Canh Tuất 1010, vua Lý Thái Tổ dời kinh đô nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư ra thành Đại La, đổi tên thành Thăng Long, mở đầu cho sự phát triển của nhà Lý trong hơn 200 năm.
* * *
Qua lớp lớp thời gian, dòng Tiêu Tương không còn nữa, song những câu chuyện từ quá khứ, ở đôi bờ sông Tiêu Tương xưa vẫn vọng về. Đền Đô - ngôi đền bên dòng sông cổ, trên đất rồng thiêng - là nơi bao người con đất Việt trở về, lắng lòng mình vào những trang sử hào hùng của vương triều Lý.
YÊN LAN