8 ngày sau khi ca mắc COVID-19 đầu tiên được phát hiện tại Phú Yên, ngày 1/7, “tư lệnh” ngành Giáo dục Phú Yên, thầy Trần Khắc Lễ phát đi lời kêu gọi trong toàn ngành, huy động nhân vật lực cho cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay, hàng ngàn nhà giáo đã tình nguyện xông pha vào cuộc chiến này. Tinh thần và hành động đó đã làm sáng lên phẩm chất nhà giáo, là tấm gương sáng, nuôi dưỡng tâm hồn những mầm xanh, thế hệ tương lai tiếp bước…
Bài 1: Sát cánh cùng tuyến đầu
Trong trận chiến với COVID-19, ở tuyến đầu hay hậu phương, nơi nào cũng có bóng dáng của những tình nguyện viên là thầy cô giáo. Tạm xếp sách bút, các thầy cô khoác lên mình bộ đồ bảo hộ để cùng xông vào tuyến lửa, chung sức, quyết tâm dập dịch, cho học sinh thân yêu an tâm, sớm cắp sách đến trường.
Tình nguyện viên phòng, chống dịch
Đã quá trưa, nhưng trong sân Trường tiểu học và THCS Ngô Quyền (TP Tuy Hòa) vẫn còn rất nhiều bà con xếp hàng đợi tới lượt tiêm vắc xin COVID-19. “Bà con còn chờ thì mình chưa thể nghỉ, ai cũng phải cố gắng làm việc hết tốc lực để bà con sớm được về vì đa số các cô chú ở đây đều đã có tuổi, đợi lâu sẽ thêm mệt”, thầy Nguyễn Xuân Vinh, giáo viên Trường tiểu học và THCS Ngô Quyền nói.
Từ đầu tháng 7 đến nay, khoảng 1.650 thầy cô giáo ở các trường tình nguyện tham gia cùng các địa phương chống dịch COVID-19, hy vọng san sẻ được phần nào vất vả khó nhọc với các lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến này. Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Khắc Lễ |
Từ đầu tháng 7, thầy Vinh cùng nhiều thầy cô giáo ở các trường đã xung phong tham gia Đội tình nguyện của Phòng GD-ĐT TP Tuy Hòa hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ thành phố. Công việc của thầy Vinh là nhập dữ liệu những người đến lấy mẫu xét nghiệm và tiêm phòng vắc xin. Trước khi “lên đường”, thầy Vinh đã đưa cô con gái nhỏ chưa tròn 3 tuổi về nhà ngoại gửi suốt từ đó đến nay. Thầy Vinh cho biết: “Vợ tôi làm công nhân hạt điều, sáng đi chiều muộn mới về. Tôi thì mỗi ngày phải tiếp xúc với nhiều người nên cũng lo ngại. Để giữ an toàn, tôi đưa con gái sang gửi nhờ nhà ngoại, bản thân sau mỗi ngày làm việc về sẽ tự cách ly trong nhà, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Suốt thời gian này, mỗi lần nhớ con, tôi lại sang nhà ngoại, âm thầm đứng ngoài nhìn qua cổng rào cho vơi thương nhớ”.
Trong cuộc chiến cam go này, hàng trăm nhà giáo đã tích cực tham gia vào đội tình nguyện của các phòng GD-ĐT để sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch. Các thầy cô sẵn sàng xắn tay áo quét dọn, lau chùi, chuyển bàn ghế, trang thiết bị các khu vực được trưng dụng làm khu cách ly. Họ cũng không ngại cái nắng “cháy đầu”, đẫm mồ hôi vận chuyển thực phẩm đến các vùng phong tỏa, túc trực ngày đêm ở các chốt kiểm soát, phục vụ công tác hậu cần cho các khu cách ly tập trung, tham gia vận động bà con chống dịch…
Là một trong những người bước vào trận chiến này từ những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát tại TX Đông Hòa, cô Lê Thị Huy, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường mầm non Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa) đành để hai con nhỏ ở nhà tự chăm sóc nhau (chồng cô Huy công tác ở Bộ CHQS tỉnh, đang làm nhiệm vụ ở xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân suốt mấy tháng nay không về - PV). Hàng ngày, cô cùng đội ngũ y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn. Từ đó đến nay, mỗi ngày của cô bắt đầu sớm hơn, chiếc xe máy là bạn đường cùng cô vượt hơn chục cây số từ nhà đến các điểm lấy mẫu và tiêm vắc xin… Cô Huy chia sẻ: “Vì phải đi cả ngày nên ngày nào tôi cũng phải dậy từ 4 sáng để sắp xếp công việc nhà, có vậy mới an tâm cùng các “đồng đội” đi chống dịch. Sau mỗi ngày làm việc quay về nhà, tôi cũng rất lo ngại. Nhưng là một đảng viên, một nhà giáo, hơn bất cứ lúc nào, đây là lúc nhân dân cần, Tổ quốc cần nên mình phải xung phong”.
“Gần 2 tháng qua, 710 cán bộ, giáo viên của huyện đã không quản ngại mưa nắng, sẵn sàng tham gia các tổ lấy mẫu, tiêm phòng, gác chốt... để góp sức cùng chính quyền địa phương đẩy lùi dịch bệnh”, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tuy An Huỳnh Anh Vương cho hay.
Các giáo viên ở TP Tuy Hòa chụp ảnh lưu niệm trước khi vào làm nhiệm vụ cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch tại Trường THCS Trần Cao Vân (xã An Phú, TP Tuy Hòa). Ảnh: TƯỜNG VI |
Đi vào “lõi dịch”
Những khu cách ly tập trung, nơi ăn, ở tạm thời của những F1, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao, nên hầu như ai cũng sợ và không ai muốn vào. Nhưng hơn tháng qua, một thầy giáo đã tình nguyện vào nơi này để sửa điện, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân đang cách ly. “Không ai tham gia thì những người ở đây sẽ phải sinh hoạt ra sao khi không có điện trong thời tiết nắng nóng gay gắt”, thầy Nguyễn Minh Trung, giáo viên Trường THCS Lương Tấn Thịnh (TX Đông Hòa) bộc bạch.
Theo thầy Trung, nhiều khu cách ly tập trung được trưng dụng từ các trường học. Các phòng học làm phòng ở nên thường xuyên gặp sự cố quá tải đường dây, chập cháy cầu chì… khiến nguồn điện bị mất. Vì tính nguy hiểm của khu cách ly nên hầu hết thợ sửa điện đều từ chối đến đây. Là giáo viên dạy Công nghệ, thầy Trung đã tình nguyện vào các khu cách ly để sửa chữa, khắc phục sự cố điện. “Để sửa điện, tôi phải vào phòng ở của mọi người, kiểm tra đường dây, thay cầu chì, thay bóng điện, đấu nối lại hệ thống… Hầu hết mọi người khi thấy tôi đến đều né ra bên ngoài, nhưng cũng có trường hợp rất đặc biệt! Hôm đó, tôi vào sửa điện ở khu cách ly Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (xã Hòa Xuân Đông), lúc đang sửa điện trên thang thì mấy cháu nhỏ chạy ào đến ôm thang, miệng thì liên tục gọi chú… Tôi cũng thót tim, nhưng rồi kịp trấn tĩnh, trả lại nguồn điện cho bà con”, thầy Trung chia sẻ.
Nhớ lại lần quyết định tình nguyện làm công việc này, thầy Trung cho biết: Hồi tôi mới báo cho gia đình, vợ tôi lo lắng không yên, nơi ổ dịch, nguy hiểm cận kề không dưng “chui đầu” vào. Nhưng tôi có suy nghĩ khác, nếu ai cũng lo sợ, ai cũng thủ thân thì ai là người đứng ra chống chọi dịch bệnh này. Mỗi người một việc, tùy vào sức của mình mà đóng góp cho cuộc chiến này thì mới mong có ngày sớm trở lại bình yên.
Ở một “chiến tuyến” khác, ròng rã gần hai tháng qua, đội ngũ lãnh đạo các trường học, nơi được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, cũng chinh chiến 24/24 cùng người dân. Họ đóng vai trò hậu phương, chăm lo công tác hậu cần từ miếng ăn, giấc ngủ đến công tác vệ sinh, nhu yếu phẩm sinh hoạt của mọi người. Cô Hoàng Thị Tố Như, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (phường 9, TP Tuy Hòa) đã hơn một tháng không về nhà, ăn ở trong khu cách ly của trường để điều hành hoạt động hậu cần. Hai con gái của cô Như ở nhà tự bảo ban chăm sóc lẫn nhau. Cô Như cho biết, mỗi ngày cô cùng hai người nữa điều hành giờ giấc sinh hoạt của toàn khu cách ly, cung cấp các bữa ăn hàng ngày, tiếp tế đồ dùng cá nhân, tiếp nhận và trao đồ dùng của các gia đình gửi vào cho những người cách ly, xử lý các sự cố điện, nước… đảm bảo điều kiện sinh hoạt thuận tiện nhất.
Bài cuối: Dốc sức cùng quê hương
TRUNG HIẾU - TUYẾT HƯƠNG