Thứ Sáu, 29/11/2024 21:42 CH
Vào “tâm bão” (kỳ cuối)
Thứ Hai, 09/08/2021 07:19 SA

Các “chiến sĩ áo trắng” chăm sóc một bệnh nhân nguy kịch đang thở máy xâm nhập. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Kỳ cuối: Những người giữ nhịp thở cho bệnh nhân COVID nặng

 

Nơi đây, âm thanh rõ nhất là tiếng monitor theo dõi các thông số sinh tồn.

 

Nơi đây, những bệnh nhân nguy kịch nằm bất động dưới tác dụng của thuốc an thần; máy thở và máy lọc máu giúp họ duy trì sự sống như “nghìn cân treo trên sợi tóc”.

 

Nơi đây, ngày cũng như đêm, các bác sĩ và điều dưỡng túc trực, kiên trì giữ nhịp thở, nhịp đập trái tim cho bệnh nhân.

 

Theo các chuyên gia y tế, nhịp thở bình thường ở người lớn từ 16-20 lần/phút. Khi SARS-CoV-2 xâm nhập và tấn công hai lá phổi, chức năng của phổi nhanh chóng suy giảm. Cơ thể khẩn thiết đòi hỏi oxy nên nhịp thở của bệnh nhân mỗi lúc một nhanh. Nếu không được can thiệp y tế kịp thời, bệnh nhân sẽ như cá mắc cạn, hớp lấy hớp để không khí và có cảm giác hai lá phổi đang bị thiêu đốt. Tỉ lệ diễn tiến nặng chiếm gần 20% tổng số bệnh nhân COVID-19, trong đó khoảng 5% nguy kịch cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực.

 

Bên trong nơi điều trị bệnh nhân COVID nặng

 

Khi điều dưỡng Mỹ Linh đẩy cánh cửa kính, tôi nghe tim mình đập mạnh lúc bước vào nơi rất đặc biệt: Dãy buồng bệnh trong Khu cách ly y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 (khu dương tính) tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Thời điểm này, tại đây có 36 bệnh nhân, gồm hơn 20 ca viêm phổi nặng, 5 ca nguy kịch.

 

Trong buồng bệnh đầu tiên, 2 bệnh nhân đang thở máy xâm lấn. Dưới tác dụng của thuốc an thần và thuốc giãn cơ, họ bất động, ngực khe khẽ phập phồng trong cuộc giằng co sinh - tử. Buồng bên cạnh có 3 bệnh nhân thở máy xâm lấn, trong đó 2 ca đang lọc máu liên tục. Khi các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân không hề biết họ đang ở trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

 

Đi tiếp vào bên trong, tôi gặp các bệnh nhân bị viêm phổi nặng đang thở oxy mũi và mặt nạ; trong cùng là những bệnh nhân không còn phải hỗ trợ hô hấp.

 

Mặc trang phục phòng hộ kín bưng, nóng bức, các bác sĩ và điều dưỡng khẩn trương làm việc. Theo bác sĩ CKII Lê Hòa, người điều hành khu dương tính, COVID-19 diễn tiến rất nhanh, từ viêm phổi đến hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, rối loạn đông máu, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, tổn thương thận, tổn thương cơ tim… và dẫn đến tử vong. “COVID-19 làm rối loạn nhiều cơ quan trong cơ thể chứ không như những bệnh nhiễm trùng thông thường; ngày hôm nay có thể ổn nhưng hôm sau đã diễn tiến nặng; trước đó bệnh ở mức trung bình, nhưng chỉ 4-5 tiếng đồng hồ sau là nguy kịch. Do vậy, bệnh nhân phải được chăm sóc, theo dõi 24/24”, bác sĩ Hòa cho biết.

 

Thiếu nhân lực, đặc biệt là thiếu bác sĩ chuyên khoa Hồi sức tích cực, các thầy thuốc nơi đây chia thành 2 ca 3 kíp trực, mỗi kíp có 3 bác sĩ (trong đó có một bác sĩ hồi sức tích cực), 7 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên và 1 hộ lý, làm việc 12 giờ. Trong 12 giờ đó, họ luân phiên túc trực, chăm sóc, theo dõi tình trạng bệnh nhân. “Bạn nào khỏe thì trụ được 3 tiếng; nếu làm thủ thuật như đặt ống nội khí quản, đặt tĩnh mạch trung tâm… thì trụ được một tiếng rưỡi là cùng”, bác sĩ Hòa kể.

 

Hỗ trợ các “chiến sĩ áo trắng” là 3 máy lọc máu, 6 máy thở, 7 máy thở oxy dòng cao HFNC và một số thiết bị, phương tiện cần thiết để hồi sức tích cực. Với những “vũ khí” đó, các thầy thuốc “chiến đấu” với COVID-19. Ra trực, họ được xe đưa về khách sạn chứ không thể về nhà.

 

Vượt lên áp lực và thử thách

 

Trang phục phòng hộ kín bưng không ngừng “hút” nước từ cơ thể, biến chúng thành từng dòng suối mồ hôi làm mắt tôi cay xè. Khẩu trang N95 thít chặt khiến tôi đau và khó thở, dù không hoạt động liên tục như nhân viên y tế. Và, chao ôi, tiếng ho của bệnh nhân bị viêm phổi do COVID-19. Chưa bao giờ tiếng ho lại làm tôi thấy bất an đến thế! Nhưng Mỹ Linh và các đồng nghiệp đã quen với điều này. Cô đến nhắc bệnh nhân ngồi dậy vận động tay chân, tập hít thở bằng bụng để cải thiện cơ hoành và nhịp thở.

 

Với các “chiến sĩ áo trắng” ở đây, áp lực lớn nhất là bệnh diễn tiến quá nhanh. “Virus này không cho mình ngừng nghỉ. Đa số “nó” “chạy” trước, mình chạy theo đuối”, bác sĩ Hòa, người có 18 năm làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết.

 

Tôi cũng bắt đầu… đuối, chỉ sau gần một tiếng đồng hồ tác nghiệp. Có cảm giác như thời gian trôi rất chậm. Ngồi thở phì phò, tôi chờ Mỹ Linh hoàn thành công việc, “dẫn” ra khỏi khu vực điều trị, chỉ cho tôi nơi tháo từng “món” trang phục phòng hộ, thay khẩu trang, thay dép… Xen kẽ từng thao tác là công đoạn hết sức quan trọng: sát khuẩn tay. Sát khuẩn và sát khuẩn, rồi đến phòng tắm, “sát khuẩn” toàn thân, lại thay khẩu trang, thay đồ và bước ra khỏi khu vực có hai cánh cửa luôn đóng kín. Lại tiếp tục sát khuẩn.

 

Trải nghiệm này giúp tôi phần nào hiểu được công việc rất đặc thù và những thử thách, vất vả của các “chiến sĩ áo trắng” nơi đây.

 

Làm việc tại khu dương tính, “già” nhất là bác sĩ Lê Hòa (sinh năm 1979), còn các bác sĩ hồi sức tích cực Đặng Bá Luân, Nguyễn Trần Ngọc Minh, Nguyễn Kỳ Đôn và “đồng đội” của họ đến từ các khoa khác đều rất trẻ; điều dưỡng và kỹ thuật viên cũng vậy.

 

Bác sĩ Nguyễn Trần Ngọc Minh - người đã “chia tay” khóa đào tạo ECMO tại Bệnh viện Trung ương Huế, trở về khi dịch bùng phát ở Phú Yên và được điều động đến khu dương tính - cho biết: “Điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng rất vất vả. Nhưng đây là nhiệm vụ mà bệnh viện giao, chúng tôi cố gắng hết sức để làm cho tốt”.

 

Tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất là các điều dưỡng. Nguyễn Ngọc Hảo, điều dưỡng đến từ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, kể: “Bệnh nhân nặng - nguy kịch được đặt nội khí quản, thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục. Điều dưỡng phải hút đờm dãi, đảm bảo thông thoáng đường thở cho bệnh nhân và phối hợp với các anh chị bên vật lý trị liệu vỗ lưng, xoay trở họ. Và phải theo sát, trường hợp bệnh nhân ngưng tim ngưng thở thì cấp cứu kịp thời”.

 

Nguyễn Thị Mỹ Linh, điều dưỡng đến từ Khoa Ngoại thần kinh, chia sẻ: “Chúng tôi hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc, tập luyện, hít thở… Hoạt động nhiều, lại bị mất nước nên rất mệt”. Vì mất nước quá nhiều nên sau khi ra khỏi khu vực điều trị, mỗi người uống cả lít nước mới lấy lại sức.

 

Thử thách lớn nhất đối với y bác sĩ ở đây chính là… trang phục phòng hộ. “Bộ đồ nóng quá, cực kỳ nóng; tụi em bị sốc nhiệt. Sau khi được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tặng đồ hạ nhiệt mặc bên trong, tụi em thấy đỡ hơn. Trang phục phòng hộ là một thử thách về sự kiên trì”, Ngọc Hảo - nữ điều dưỡng sinh năm 1996 chia sẻ.

 

*

 

Tại cuộc họp trực tuyến với các bác sĩ, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến các thầy thuốc đang làm nhiệm vụ chống dịch nói chung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện dã chiến nói riêng, chia sẻ với những khó khăn, vất vả mà những “chiến sĩ áo trắng” đang đối mặt. Bí thư Tỉnh ủy nói: “Xin chia sẻ và tri ân tất cả anh em trong lực lượng y tế của tỉnh. Thời gian qua, anh em đã hết sức nỗ lực, hết sức cố gắng. Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành với anh em. Chúng ta cố gắng để chiến thắng trong công cuộc chống dịch lần này”.

 

Biết bao mồ hôi tuôn đổ. Biết bao hy sinh âm thầm.

 

Với sự tận lực, tận tâm của những người trên tuyến đầu và sự chung sức đồng lòng của nhân dân, quê hương sẽ vượt qua đại dịch.

 

Bình yên những sớm mai cho em thơ đến trường

Bình yên cho nông dân ra đồng, công nhân vào nhà máy

Bình yên những đêm thanh cho lứa đôi hò hẹn

Bình yên như tên gọi tự bao đời, thân thương. 

 

Hai ca nguy kịch bình phục rất ngoạn mục

 

Sáng 30/7, trước khi tôi vào khu dương tính, Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Phạm Hiếu Vinh báo tin: “Hai bệnh nhân COVID-19 từng nguy kịch, tưởng như không qua khỏi đã bình phục, hôm nay xuất viện”. Gương mặt Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên sáng bừng niềm vui.

 

Theo Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Châu Khắc Toàn, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cũng là người “chỉ huy” khu dương tính, 2 bệnh nhân trên vào viện với tình trạng viêm phổi nặng; bệnh diễn tiến nguy kịch, họ phải thở máy và lọc máu liên tục trong nhiều ngày. Đến thời điểm này, họ ăn uống, sinh hoạt, đi lại bình thường; xét nghiệm RT-PCR có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

 

Bác sĩ Lê Hòa nói rằng đây là 2 ca rất ngoạn mục, khi mà bệnh viện chưa có hệ thống máy tim phổi nhân tạo (ECMO) để thực hiện kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể, hỗ trợ và duy trì chức năng sống cho các bệnh nhân suy hô hấp nặng hoặc suy tuần hoàn. “Sự bình phục của 2 bệnh nhân đã khích lệ tinh thần anh em, để anh em càng cố gắng hơn nữa trong việc điều trị, chăm sóc các bệnh nhân COVID-19”, bác sĩ Hòa cho biết.

 

Trong buổi sáng “chia tay” khu dương tính sau 37 ngày chống chọi với COVID-19 và “đi” trên lằn ranh sinh - tử, bà N.T.G (sinh năm 1963, ở phường 2, TP Tuy Hòa), bệnh nhân COVID nặng đầu tiên ở Phú Yên, cảm động nói: “Bác sĩ Phú Yên rất tận tình chữa trị, chăm sóc cho bệnh nhân. Tôi cảm ơn y bác sĩ Phú Yên và y bác sĩ các nơi về hỗ trợ. Các bác sĩ đã cứu sống tôi”.

 

Trong đợt dịch thứ tư, tính đến ngày 8/8, khu dương tính đã có 8 bệnh nhân bình phục, xuất viện. Ngoài ra, còn có 66 bệnh nhân thuyên giảm, ổn định, được chuyển đến Bệnh viện dã chiến Đông Hòa để tiếp tục theo dõi, điều trị.

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vào “tâm bão” (kỳ 2)
Chủ Nhật, 08/08/2021 14:00 CH
Vào “tâm bão” (kỳ 1)
Thứ Bảy, 07/08/2021 07:00 SA
Viết từ khu phong tỏa
Chủ Nhật, 25/07/2021 09:21 SA
Võ học giúp tôi thành người tử tế
Thứ Bảy, 17/04/2021 12:32 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek