Thứ Sáu, 29/11/2024 23:50 CH
Đánh thức tiềm năng cây dược liệu Phú Yên (kỳ cuối)
Chủ Nhật, 01/08/2021 14:30 CH

Cây cam thảo Đá Bia đang phát triển tốt trong nhà màng của Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung. Ảnh: THÁI HÀ

Kỳ cuối: Chung sức bảo tồn cây thuốc

 

Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu rất lớn và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Để phát huy vốn quý của nền y học cổ truyền dân tộc, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, Phú Yên đã triển khai nhiều kế hoạch khuyến khích sưu tầm, bảo tồn và phát triển nguồn thuốc nam.

 

Cùng với việc du nhập của y học phương Tây, vốn quý của nền y học cổ truyền đã có lúc bị xem nhẹ và mai một. May mắn thay, giữa lúc nhiều người chạy theo tân dược, quay lưng lại với cây thuốc nam thì vẫn còn những bác sĩ, lương y, những doanh nghiệp… nặng tình với cây thuốc nam và đang nỗ lực dù công khai, hay âm thầm để bảo vệ, phát triển vốn quý này của dân tộc.

 

Nỗ lực “cứu” cây thuốc

 

Năm 2010, bác sĩ Lê Văn Thức, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền cùng các cộng sự đã tiến hành một cuộc điều tra quy mô, sưu tầm cây thuốc ở các địa phương trong toàn tỉnh, phỏng vấn 201 thầy thuốc đông y và một số người thu hái, mua thuốc nam; sưu tầm từ hơn 500 các tờ báo, tạp chí, sách chuyên ngành về y học cổ truyền trong nước, biên tập công trình khoa học thành sách “Những cây thuốc nam thông dụng ở Phú Yên”. Cho đến nay, đây là công trình mới nhất, khảo sát toàn diện nhất những cây thuốc nam thông dụng ở Phú Yên nhằm cung cấp cho người đọc, nhất là cán bộ tuyến y tế cơ sở và người dân biết cách trồng, bào chế, sử dụng thuốc nam để tự chữa bệnh cho bản thân và gia đình.

 

Dành cả đời gửi đam mê vào cây dược liệu, kỷ niệm gắn với cây thuốc mà ông Hoàng Xuân Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung nhớ mãi chính là hành trình hơn 10 năm cùng các lương y, người đi rừng địa phương băng qua các gộp đá vùng đèo Cả để tìm kiếm cây cam thảo Đá Bia có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Trong 10 năm đằng đẵng ấy, có lúc kỹ sư Hoàng Xuân Lâm tưởng như phải bỏ cuộc. Nhưng may mắn thay, vào những chuyến đi cuối cùng, lúc tuổi đã cao, sức đã yếu, ông tìm ra cây cam thảo Đá Bia và công bố về một loài cây mọc ở đèo Cả trước đây chưa từng được phát hiện ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Cây cam thảo Đá Bia sau đó được Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung nhân giống vô tính thành công. Sau rất nhiều mùa mưa trồng trong nhà kính, cam thảo Đá Bia đã bắt đầu cho những chùm hoa trắng, như trả công cho sự nhiệt huyết, theo đuổi bền bỉ của người yêu dược liệu. Từ những nỗ lực của kỹ sư Hoàng Xuân Lâm và Lê Thị Tuyết Anh, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung ngày càng phát triển, có thêm nhiều cây dược liệu quý được bảo tồn. Trung tâm vừa được Bộ Y tế giao nhiệm vụ thực hiện đề tài cấp nhà nước: “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc có giá trị kinh tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ”.

 

Sau gần 2 năm thử nghiệm, Ban quản lý Rừng phòng hộ Đồng Xuân đã thành công trong việc di thực cây lan kim tuyến mọc rải rác trong tự nhiên về trồng tập trung với diện tích khoảng 0,4ha. Ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Đồng Xuân cho biết, lan kim tuyến là loài bản địa nhưng đã bị người dân khai thác cạn kiệt. Việc ban quản lý di thực để trồng tập trung nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu bản địa của Phú Yên. Đây là loại cây có tên trong Sách đỏ Việt Nam, vì vậy mọi hành vi khai thác, buôn bán trái phép đều bị nghiêm cấm.

 

Nhận nhiệm vụ bảo tồn các loài cây đặc hữu của địa phương, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên từng có nhiều năm thực hiện công tác bảo tồn nguồn gen cây dược liệu; trồng và chế biến các nguyên liệu thành trà dược liệu. Nhờ những nỗ lực này, nhiều giống dược liệu quý như bạch hạc, xạ đen, hà thủ ô đỏ, vàng đắng, bình vôi, hoàng đằng, dó gạch đã được nhân giống thành công từ phòng thí nghiệm… bắt đầu đâm chồi nảy lộc trên các khu đất của trung tâm, đảm bảo khi có nhu cầu trồng trên quy mô lớn, trung tâm sẵn sàng cung cấp cây giống.

 

Cùng với các cá nhân, đơn vị nhiều tâm huyết, năm 2020, các cấp Hội Đông y Phú Yên đã thu hái được hơn 30 tấn thuốc nam; chế biến được 4 tấn cao đơn và trên 4.000 lít thuốc dạng nước; bốc được hơn 913.000 thang thuốc để chữa cho bệnh nhân. Hội cũng trồng được hơn 31.000m2 dược liệu, trong đó có khoảng 11.000m2 vườn thuốc tập thể, số còn lại trồng theo khóm thuốc gia đình. Thời gian tới, Hội Đông y các cấp tiếp tục vận động, tuyên truyền cho nhân dân biết cách trồng và sử dụng khóm thuốc gia đình để chữa các bệnh thông thường; vận động trường học trồng vườn thuốc kết hợp vườn sinh vật cảnh để tuyên truyền về thuốc nam trong nhà trường.

 

Kích cầu sử dụng thuốc nam điều trị bệnh

 

Theo TS Nguyễn Bá Hoạt, nguyên Viện phó Viện Dược liệu, con người đang ngày càng hoang mang, lo lắng và thường trực cảm giác bất an khi có quá nhiều hóa chất bủa vây cuộc sống. Vì vậy, việc quay trở lại với các sản phẩm tự nhiên là xu hướng tất yếu để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và giống nòi. Những cây dược liệu quý có thành phần thảo dược chữa bệnh lành tính, có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu được quy hoạch phát triển đúng đắn.

 

Phú Yên có khoảng 25 loài, nhóm loài cây thuốc đang được trồng rải rác ở vườn gia đình hoặc vườn các cơ sở chữa bệnh y học cổ truyền, trạm y tế phường, xã nhưng chỉ mang tính làm mẫu và tự cung tự cấp cho tủ thuốc gia đình, chưa có định hướng sản xuất phát triển hàng hóa dược liệu từ nguồn cây thuốc trồng. Trên thực tế, ngoại trừ một số hoạt động trồng cây thuốc làm nguyên liệu sản xuất công nghiệp dược của Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung, còn lại Phú Yên gần như chưa có mô hình chuyên canh trồng cây thuốc phát triển hàng hóa một cách bền vững.

 

Theo kỹ sư Hoàng Xuân Lâm, cây thuốc mang lại giá trị kinh tế cao nhưng cũng là loại cây gây “tai họa”. Vì cây khi đã khai thác không để được lâu (sẽ mất hoạt chất) và nhu cầu nguồn nguyên liệu thô trên thị trường không lớn, nên việc người dân sản xuất tự phát, nhỏ lẻ sẽ không mang lại hiệu quả. Để cây dược liệu phát triển xứng tầm, chính quyền địa phương cần có biện pháp quản lý và khai thác nguồn cây tự nhiên theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt cũng như cần liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tránh trường hợp khai thác tận diệt cây thuốc trong tự nhiên.

 

BSCKII Trần Hữu Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền cho biết, hiện nay, nguồn dược liệu cung cấp cho y học cổ truyền và nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược đang bị mất cân đối, phụ thuộc nhiều vào dược liệu nhập khẩu (80% nguồn dược liệu được nhập từ nước ngoài) với giá cả đắt đỏ. Vì vậy, để bảo đảm nguồn dược liệu quý phục vụ kịp thời cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tỉnh cần có phương án bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc. Quan trọng nhất là cần có phương án kích cầu sử dụng cây thuốc nam trong điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cụ thể cần tăng cường gìn giữ, kế thừa và phát triển việc khám chữa bệnh bằng đông y và sử dụng các loại cây thuốc nam trên địa bàn tỉnh; tích cực nghiên cứu, ứng dụng nhiều bài thuốc đông y có giá trị trong khám chữa bệnh. Chỉ khi nền y học cổ truyền phát huy được thế mạnh, người dân mới có ý thức giữ gìn và phát triển cây dược liệu.

 

Năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành Nông nghiệp Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh định hướng phát triển mở rộng diện tích cây dược liệu khoảng 1.000ha. Một số cây dược liệu cần phát triển gồm: đinh lăng, diệp hạ châu, tần dày lá, cỏ mực, rau mèo, rau đắng, xáo tam phân, cam thảo Đá Bia, bình vôi, cây bá bệnh, rễ vàng, sâm cau, sa nhân.

 

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Viết từ khu phong tỏa
Chủ Nhật, 25/07/2021 09:21 SA
Võ học giúp tôi thành người tử tế
Thứ Bảy, 17/04/2021 12:32 CH
Người thầy truyền cảm hứng
Thứ Bảy, 10/04/2021 10:17 SA
Một bông hoa lạ của núi rừng Việt Bắc
Thứ Bảy, 13/03/2021 13:00 CH
“Ảo thuật” sân vườn
Thứ Năm, 11/03/2021 14:32 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek