42 tuổi, chuyên làm đẹp sân vườn, nghề dầm mưa dãi nắng nhưng anh Phạm Hồng Bảo vẫn dáng dấp từa tựa diễn viên điện ảnh. Bảo hiện là chủ Cơ sở Nghệ thuật sân vườn Bình SVC (phường 9, TP Tuy Hòa).
Đầu tiên là ý tưởng
“Nghề thiết kế thi công sân vườn luôn bám vào nền tảng sự hợp lý của chất liệu và khung cảnh. Tôi luôn bàn bạc rất kỹ với khách hàng về phối cảnh tổng thể và điểm nhấn từng mảng. Nguyên tắc là hai bên phải tôn trọng nhau, tuân thủ hợp đồng. Thế nhưng đôi khi giữa chừng phải sửa, nếu khách hàng có ý tưởng hay hoặc mình chợt có ý tưởng mới. Nói chung, nghề làm sân vườn phải có ý tưởng nhưng không được lơ mơ, thiếu bài bản vì dễ hỏng việc. Nghề nào cũng có cái khó…”, anh Phạm Hồng Bảo trải lòng.
Là con trai nghệ nhân Phạm Hồng Bình (Bình SVC, chủ nhiệm đầu tiên của Câu lạc bộ Sinh vật cảnh Phú Yên), nghề “sân vườn” đã đến với Bảo thật tự nhiên. Trước đó, Bảo khá “đình đám” ở Nam Trung Bộ khi làm Giám đốc điều hành Doanh nghiệp Mỹ nghệ Bình SVC, sau lập Công ty Du lịch Lạc Hồng, mở điểm giải khát check-in Nhà vườn Bình SVC…
Tôi tò mò: “Nghề nào cũng có cái khó” nhưng Bảo chuyển “ngạch” hơi bị nhiều?”. Bảo cười: “Thương trường rất “khó chịu”, mình xác định làm doanh nghiệp là phải… chịu khó. Thực sự, tôi chỉ thêm việc chứ đâu có bớt ra, linh hoạt thôi. Bởi nhiều lý do, những ngành liên quan đến du lịch đang gặp khó thì tìm việc khác để bù vào. Đâu phải kinh doanh là cần vốn lớn, điều cần nhất là phải có ý tưởng… mới có tiền”, Bảo cười.
Theo họa sĩ Trần Quyết Thắng (Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Phú Yên), khu vực Nam Trung Bộ từng có nhiều nhóm thiết kế thi công sân vườn. Thế nhưng công việc không thường xuyên, anh em có tay nghề tản ra đi tìm việc khác. Một số đầu quân cho các đơn vị xây dựng, chỉ xây nhà thôi, còn sân vườn thì… sao cũng được.
“Nghề thiết kế sân vườn đòi hỏi phải có sự tinh tế, khoa học; luôn cập nhật các xu hướng mới, đáp ứng “gu” của từng khách hàng. Ví như, khách thích non bộ cây kiểng truyền thống hoặc sân vườn kiểu Nhật, kiểu Mỹ; thích đặt bàn ghế, xích đu ngoài trời, đèn trụ cổng, đèn ốp tường, hệ thống chiếu sáng sân vườn… đủ loại quy mô. Với tay nghề đa năng, anh Bảo đều đáp ứng tốt. Bảo đang ở độ chín của nghề thiết kế ngoại thất”, họa sĩ Thắng nhận xét.
Ông Nguyễn Lương Cường (chủ doanh nghiệp ở phường 1, TP Tuy Hòa) cho biết: “Khoảnh sân nhà tôi chỉ vài chục mét vuông, thế nhưng tôi không có thời gian để phối cảnh làm nơi thư giãn. Được người quen giới thiệu, tôi thấy Bảo có tay nghề phù hợp. Từ sân nhà hơi bí, khi anh Bảo làm xong hồ cá, lối cỏ, vài cụm dây leo che bức tường… thì nó trở nên thoáng đãng, sinh động hẳn. Cả nhà ai cũng thích, thoải mái khi nghỉ ngơi, tiếp khách”.
Tái khởi nghiệp vì COVID-19
Thấy Bảo chi tiêu rủng rỉnh, tôi khen “ngó bộ ở ngoài sân thu nhập ổn”. Bảo cười: “Cũng ổn ổn, mỗi tháng kiếm vài chục triệu. Cố duy trì liên tục khách hàng để tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 anh em trong cơ sở, mỗi người tùy tay nghề phải kiếm trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Nghề này phải tận tâm mới bền được. Thi công xong thì phải siêng năng bảo trì, chỉnh sửa”.
Hiện tại, Cơ sở Nghệ thuật sân vườn Bình SVC còn đảm nhận thêm các dịch vụ vệ sinh sân vườn, chăm sóc, cắt tỉa cây kiểng, thay đất chậu hoa… Công việc “tíu tít” nhất là vào mùa Tết, Bảo cùng nhân công làm không kịp ăn. Dĩ nhiên, thu nhập cũng tăng gấp nhiều lần.
Bảo nói: “Nhận hợp đồng công việc liên tục thấy cũng mừng, nhất là giai đoạn kinh tế ảnh hưởng nặng nề do COVID-19. Công việc dịch vụ du lịch bị ngừng trệ do ít khách, tôi khoanh lại “để đó”. Chuyển sang dàn xếp xong nhà hàng cà phê, tôi giao cho vợ quản lý, rồi rẽ sang mở dịch vụ sân vườn. Tôi vốn học mỹ thuật, từ nhỏ đã theo cha làm sinh vật cảnh, thế nên cũng thuận tay với dịch vụ này. Cứ coi như một lần nữa khởi nghiệp”.
Ai có cái nhà cũng muốn đó là nơi ấm cúng, đẹp đẽ. Nhà mà đẹp từ trong ra ngoài thì thật lý tưởng cho mỗi thành viên trong gia đình. Đó là nơi chốn đi về, tạo cảm hứng rất nhiều trong công việc, cuộc sống. Anh Phạm Hồng Bảo |
Để lập Cơ sở Nghệ thuật sân vườn Bình SVC, Bảo đã nắm được nhu cầu nhiều nơi muốn “sắp xếp” lại cảnh quan nhà cửa, công ty nhưng ở địa phương chưa có người chuyên nghiệp. Anh nhận thấy đây là cơ hội của mình và lên kế hoạch làm ngay. Với sở trường tạo hình, cuộc mưu sinh của Bảo tỏ ra khá sinh động.
Phạm Hồng Bảo bên một tiểu cảnh đang thi công. Ảnh: HÙNG PHIÊN |
Ví như cách đây mấy năm, Bảo lên ý tưởng rồi tự tay bày biện vườn nhà mình thành điểm check-in, chụp ảnh “tự sướng” Nhà vườn Bình SVC (đường Hoàng Văn Thụ, TP Tuy Hòa).
“Dạo trên facebook, tôi thấy phong trào tìm nơi check-in, chụp ảnh “tự sướng” đang lan mạnh. Sẵn có mảnh vườn gia đình, tôi nghĩ tại sao mình không bổ sung những góc cảnh đẹp để làm dịch vụ? Nghĩ ra ý tưởng là tôi bắt tay làm ngay. Lợi thế của vườn nhà nằm ngay trung tâm TP Tuy Hòa. Thế nhưng bất lợi là nằm trong hẻm nhỏ. Tôi nghĩ cũng chả sao, quan trọng là mình tạo được cảnh trí “ép phê”.
Rồi tôi huy động vợ con, anh em đến chụp mẫu, làm “mồi” đăng lên các trang facebook, cùng với việc phát tờ rơi tại nhà hàng cà phê gia đình. Thế là được mọi người chú ý, kéo đến chụp ảnh đông bất ngờ…”, Bảo cho hay.
Trước đó, khi lập Công ty Du lịch Lạc Hồng, anh đã đầu tư không ít vốn để đóng bè mảng, thuyền chèo giải trí; dự định thiết kế tour tham quan dọc sông Đà Rằng, Phú Yên. Thế nhưng vấp phải tình trạng COVID-19, khách du lịch thưa vắng, đành phải tìm hướng “tái cơ cấu”. “Tôi đang rất lạc quan khi chuyển sang nghề ngoại thất. Thấy sống được, vui. Có lẽ, đời tôi sẽ dừng lại ở nghề làm đẹp sân vườn”, Bảo cười.
HÙNG PHIÊN