Nhờ áp dụng kỹ thuật vào sản xuất; cơ giới hóa trong thu hoạch, chế biến… từ vùng bắp Tây Hòa, những container bắp ủ chua đầu tiên đã xuất sang Nhật Bản, mang đến cho người dân nơi đây thêm niềm tin để vượt qua một năm đầy khó khăn.
Gió mới trên vùng bắp Tây Hòa
Những ngày cuối năm, đi trên vùng đất Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) nhìn vào đâu cũng chỉ thấy bạt ngàn màu xanh của bắp, đám nọ nối tiếp đám kia xa ngút tầm mắt. Theo lịch, người nông dân sẽ xuống giống, thu hoạch cuốn chiếu để đảm bảo mỗi ngày có đủ số lượng bắp cây về nhà máy. Trước thu hoạch một ngày, kỹ thuật viên bên công ty thu mua sẽ gọi điện thông báo cho chủ vườn và ngày hôm sau sẽ điều máy xuống tận ruộng để cắt bắp.
Nhờ những cách làm mới này, tháng 9/2020, những container bắp ủ chua đầu tiên của Phú Yên được xuất sang Nhật Bản… cho thấy những nỗ lực của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ, Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Phú Yên, sự ủng hộ của chính quyền địa phương và sự nhập cuộc hào hứng của người dân đã mang lại những kết quả đáng phấn khởi.
Chỉ vào đám bắp xanh mướt mắt, cao lút đầu người, đang chuẩn bị được công ty thu mua mang máy đến thu hoạch, chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Sơn Trường, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) không giấu nổi niềm vui: “Mấy năm trước, người dân trong làng khốn đốn vì cây tiêu chết, giá cả giảm sút. Cũng may sau đó, chúng tôi được tư vấn chuyển sang trồng cây bắp. Thấy hiệu quả, hàng trăm hộ dân đã tham gia và có thu nhập ổn định. Tết này, mặc dù nhiều nơi, người dân chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhưng chúng tôi nhờ nguồn thu từ cây bắp nên kinh tế khá ổn. Mong sao sang năm, mọi thứ sẽ tươi sáng hơn”.
Qua 3 năm, hiện mô hình đã triển khai trên diện tích 200ha bắp lấy cây theo hướng chuỗi liên kết sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp - nông dân với hơn 100 hộ ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) tham gia. Mỗi tháng, vùng trồng bắp này cung cấp khoảng 1.500 tấn bắp ủ chua cho các công ty sữa Vinamilk, TH, Nutifood và xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản. Vừa qua, một số đơn vị nước ngoài đã đặt hàng mua bắp ủ chua với số lượng lớn.
Theo TS Nguyễn Thanh Phương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, việc xuất khẩu thành công bắp ủ chua sang một thị trường khó tính như Nhật Bản là một tín hiệu đáng mừng cho thấy việc liên kết sản xuất - tiêu thụ đã phát huy hiệu quả. Từ thị trường này, sản phẩm của Việt Nam có tiềm năng để mở rộng tiêu thụ sang nhiều quốc gia khác.
Công nhân chuẩn bị vận hành máy xay bắp, trộn men, đóng gói. Ảnh: THÁI HÀ |
Khi “liên kết 4 nhà” phát huy hiệu quả
Mô hình “Ứng dụng tiến bộ KH-CN trong sản xuất bắp và chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua cung cấp cho chăn nuôi bò trong các nông hộ và trang trại” thuộc chương trình nông thôn miền núi để tạo sinh kế cho người dân các vùng khó khăn do Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ triển khai vào năm 2018. Thực hiện dự án này, 4 nhà đã cùng nhau liên kết, mang lại cho vùng bắp Tây Hòa diện mạo mới.
Trong sự liên kết ấy, các nhà khoa học có vai trò quan trọng trong việc tạo “đầu vào” có chất lượng cao, giảm giá thành nhờ công nghệ; Nhà nước tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp, đảm bảo cho sự liên kết 3 nhà còn lại chặt chẽ và hiệu quả; nhà nông là chủ thể sản xuất còn doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng liên kết các “nhà” còn lại để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân; từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản.
Ông Đàm Ngọc Phi, Giám đốc Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Phú Yên cho biết, khi liên kết sản xuất - tiêu thụ, phía công ty phải giám sát chặt chẽ và cần một sự cam kết mạnh mẽ từ phía nhà nông. Bởi ở nhiều địa phương trong nước đã xảy ra tình trạng mặc dù ký hợp đồng nhận đầu tư ứng trước của doanh nghiệp, nhưng khi giá nông sản trên thị trường lên cao thì người dân lại sẵn sàng bán cho tư thương hoặc doanh nghiệp khác để hưởng giá tốt hơn. Việc liên kết sản xuất - tiêu thụ chặt chẽ sẽ đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu để công ty đáp ứng những đơn hàng lớn; đồng nghĩa với việc người dân sẽ được ổn định đầu ra cho sản phẩm với mức thu mua hợp lý.
Phấn khởi khi cây bắp đứng được trên vùng đất Tây Hòa, mang lại cho người dân xã Sơn Thành Tây nguồn sinh kế mới, ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa nói: “Thời gian gần đây, cây tiêu gặp khó khăn về dịch bệnh và rớt giá nên người dân chuyển sang canh tác cây bắp. Nhờ phù hợp với chân đất ở địa phương, hiện cây trồng này phát triển rất tốt, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, thổi một làn sinh khí mới lên vùng đất Sơn Thành Tây nói riêng và huyện Tây Hòa nói chung. Thời gian tới, địa phương rất mong tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp tục có chính sách ứng dụng KH-CN; đầu tư, đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ để giúp người dân nông thôn phát triển kinh tế”.
Nhờ liên kết chặt chẽ trong sản xuất - tiêu thụ, áp dụng công nghệ vào khâu chế biến… việc canh tác bắp lấy cây đã hình thành nên vùng nguyên liệu có diện tích lớn, giúp mang lại những giá trị mới cho cây bắp.
TS Nguyễn Thanh Phương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ |
THÁI HÀ