Thứ Bảy, 30/11/2024 01:30 SA
Có một cây cầu “sợ” lũ
Thứ Hai, 14/12/2020 10:00 SA

Cây cầu tạm Sông Cô được tháo dỡ để tránh bị nước lũ cuốn trôi vào mùa mưa lũ. Ảnh: NGÔ XUÂN

Những cây cầu sẽ đặc biệt cần thiết hơn khi bước vào mùa mưa lũ. Thế nhưng, có một cây cầu rất “sợ” nước lũ. Mỗi khi lũ về, người ta lại tháo cây cầu cất đi. Nghe có vẻ vô, nhưng đó lại chính là những gì đang diễn ra tại thôn Long Hòa, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân mấy năm nay.

 

Gian nan đường đến lớp

 

Rời Xuân Long, chúng tôi vẫn vẳng nghe lời bàn bạc, trăn trở của lãnh đạo xã Xuân Long: Phải tranh thủ tìm nguồn kinh phí để sửa lại đoạn đường dẫn ra bờ sông Cô bị lũ làm hư hỏng, rồi bắc lại cây cầu tạm để người dân thuận lợi đi lại sản xuất, làm ăn. Tết đã gần kề rồi!

Chúng tôi đến thôn Long Hòa vào một buổi sáng se sắt lạnh. Được người dân địa phương dẫn ra cầu Sông Cô, đoạn nối liền giữa thôn Long Mỹ và Long Hòa, chúng tôi nhìn thấy “cây cầu tạm Sông Cô”, lúc này chỉ còn những mố, trụ bê tông trống không, bên dưới là dòng nước cuộn chảy. Tại đây, khi thấy một số quần, áo ướt đặt trên mố cầu, chúng tôi thắc mắc thì được người dân giải thích là quần áo của các cháu học sinh phơi tạm sau khi lội qua sông đi học.

 

Từ thôn Long Mỹ, để qua được bên kia sông, mọi người phải đi vòng ra khóm 5 (khu phố Long Châu, thị trấn La Hai), rồi trở ngược lại thôn Long Hòa khoảng cách gần 10km. Đây là đoạn đường mà người dân phải đi lại thường xuyên khi không có cây cầu gỗ, và cũng là con đường đến trường của gần 40 học sinh THCS và THPT ở thôn Long Hòa.

 

Đến thôn Long Hòa, chúng tôi phải đi bộ một đoạn đường hơn 1km mới ra được bờ sông Cô. Cơn bão số 12 vừa qua đã cuốn phăng gần 100m đường cấp phối dẫn ra bờ sông, khiến đoạn đường càng thêm khó khăn, lổm chổm bùn cát và đất đá. Sau khi nước lũ rút, lòng sông lộ ra những hố, vực nước đen ngòm nguy hiểm. Theo người dân Long Hòa, chính những vực nước này khi có lũ lớn đã tạo những dòng xoáy uy hiếp đò qua sông.

 

Khi đến được đầu cầu, cũng là lúc học sinh tan học. Nhìn về phía bờ bên kia, chúng tôi thấy nhóm 4-5 học sinh chừng 13, 14 tuổi đang chuẩn bị lội qua sông. Một cách rất thuần thục, các em cởi bỏ những bộ đồng phục học sinh, mặc vào chiếc quần xà lỏn để trên mố cầu lúc sáng, rồi dắt nhau lội xuống dòng nước. Để không bị ướt sách vở, các em cẩn thận giơ cặp sách lên thật cao. Sau khi đưa cặp sách qua sông an toàn, các em lại quay trở lại bờ bên kia dắt xe đạp qua sông lần nữa.

 

Vừa vào đến bờ, em Võ Khắc Toàn, học sinh lớp 8, Trường THCS Trần Quốc Toản, nói: Buổi sáng, bọn em đi xe đạp từ nhà ra đến bờ sông thì để xe ở lại, rồi lội qua bên kia sông (có bạn dắt cả xe theo). Đến nơi, tụi em thay quần ướt, phơi bên trụ cầu rồi thay đồng phục vào lớp. Học xong, tụi em lại ra thay quần áo, bơi về nhà. Mỗi lần chuẩn bị qua sông là tụi em phải chạy nhảy cho nóng người mới dám xuống nước. Chỉ khi nước rọt xuống (thấp xuống sau lũ lụt) mới dám bơi.

 

Theo UBND xã Xuân Long, tại thôn Long Hòa hiện chỉ có điểm trường mầm non và điểm trường tiểu học dành cho học sinh lớp 1 đến lớp 4. Học sinh từ lớp 5 đến cấp THPT phải đi học tại các phân trường ở trung tâm xã. Khi nước “dữ”, xã phải cử lực lượng chốt chặn 2 bên bờ để ngăn các em bơi qua sông, tránh nguy hiểm.

 

Ông Bùi Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Long, chia sẻ: Trước đây, mỗi ngày đi làm, tôi đều nán đợi bên này cầu, chờ giúp cõng các cháu nhỏ qua sông đi học. Bây giờ thì đã có con đường vòng ra xã, mặc dù hơi xa nhưng cũng đỡ hơn là lội nước sông. Còn với các cháu trai lớn, biết bơi, có sức khỏe tốt hơn thì vẫn cố bơi qua sông để bớt phải đi đường xa. Thế nhưng, nhìn lũ nhỏ bơi qua bơi lại dòng nước chảy, tôi cũng thom thóp lo sợ.

 

Các em nhỏ dắt xe đạp qua sông. Ảnh: NGÔ XUÂN

 

Chuyện cây cầu tạm

 

Cây cầu nối liền 2 thôn Long Mỹ và Long Hòa của xã Xuân Long trước đây được người dân địa phương dựng lên bằng cọc tre để đi tạm. Thế nhưng, cây cầu bé xíu, người đi bộ thì không vấn đề gì, nhưng người đi xe máy, lại chở nông sản thường xuyên “trượt tay lái” rớt xuống sông Cô. Thêm vào đó, cứ vào mùa mưa, nước lũ trên sông Cô lại dâng cao, cuốn phăng cây cầu tạm.

 

Năm 2011, chính quyền xã Xuân Long huy động lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ, cùng với người dân đóng trụ gỗ, bắc cầu để đi lại an toàn. Đến năm 2018, địa phương lại thay thế các trụ gỗ bằng trụ bê tông chắc chắn hơn. Thế nhưng, cây cầu gỗ bắc trên trụ bê tông vẫn không thể chịu nổi sức mạnh của nước lũ cuồn cuộn trên sông Cô. Cứ vào mùa lũ, cầu gỗ cũng bị cuốn trôi trước sự bất lực của người dân và chính quyền địa phương. Từ đó, người dân đành phải chọn phương án tháo dỡ, cất cây cầu đi mỗi khi mùa mưa lũ về. Khi lũ rút lại huy động lực lượng ráp lại cây cầu, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

 

Ông Nguyễn Văn Toàn, một người dân sống ở thôn Long Hòa, cho biết: Trước đây, khi chưa có cây cầu tạm Sông Cô, người dân vẫn qua lại bằng đò ngang. Tuy nhiên, dòng sông đoạn qua 2 thôn rất hiểm trở, nhiều đoạn gồ ghề, nước chảy rất xiết, tạo nên những vực xoáy rất hiểm hóc khi có lũ về. Khoảng hơn 10 năm trước, tại đây đã xảy ra nhiều vụ đắm đò khi người lớn đi chợ, trẻ nhỏ đi học khiến một số người thiệt mạng. Từ đó, người dân quyết tâm mỗi năm đều không tiếc công, tiếc của cùng nhau bắc cầu tạm để đi lại cho bớt hiểm nguy. Thế nhưng, chỉ với sức dân, cùng với nguồn kinh phí hạn hẹp của xã, chúng tôi chỉ bắc cầu qua sông đi tạm trong mùa cạn. Vào mùa nước lớn, việc được đi qua cầu vẫn chỉ là ước mơ.

 

Theo UBND xã Xuân Long, cầu tạm Sông Cô chỉ hoạt động từ tháng 12 đến tháng 9 hàng năm. Thời gian còn lại chính quyền địa phương và người dân lại tháo ra để tránh nước lũ cuốn trôi. Sau khi hết lũ, người góp công, kẻ góp sức để lắp lại cây cầu gỗ. Bình quân, mỗi năm địa phương đều dành khoảng 20- 30 triệu đồng tu sửa, bảo quản cây cầu gỗ để người dân đi lại an toàn, thuận lợi hơn.

 

Ước mơ về một cây cầu kiên cố

 

Thôn Long Hòa có hơn 150 hộ dân sinh sống; trong đó có 9 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo. Thế nhưng, đây lại chính là khu vực sản xuất chính của xã, với hơn 1.600ha đất trồng lúa, mía, sắn và 950ha đất trồng các loại cây rau màu, cây ăn quả… Đây cũng là nơi người dân triển khai các mô hình sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế chính của địa phương.

 

Thôn Long Hòa là một vùng trũng thấp; cứ trời mưa lớn là cả thôn đều bị nước lũ cô lập. Nếu không có cây cầu gỗ, không chỉ đời sống của hơn 150 hộ dân trong thôn khó khăn, mà các hộ có ruộng vườn, trang trại sản xuất cũng bị ảnh hưởng. Đây cũng là lý do mỗi người dân Xuân Long đều mơ ước có một cây cầu kiên cố để đi lại làm ăn, yên tâm phát triển kinh tế.

 

Bà Phạm Thị Lan Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Long, bày tỏ: Nhiều năm qua, địa phương liên tục kiến nghị, đề xuất xây dựng cầu Sông Cô kiên cố hơn, nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được vì kinh phí khá lớn; công trình lại phức tạp vì địa hình khó khăn, trắc trở. Trong khi đó, cầu Sông Cô có vai trò đặc biệt đối với người dân toàn xã. Nếu được đầu tư xây dựng kiên cố, cây cầu sẽ phá thế ốc đảo của thôn Long Hòa, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo hiệu quả.

 

 

 

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tình người sau bão lũ
Thứ Bảy, 21/11/2020 11:27 SA
Khi tình thương là cứu cánh
Chủ Nhật, 25/10/2020 07:04 SA
Chở gánh yêu thương
Thứ Bảy, 19/09/2020 09:58 SA
Trở lại Phú Quốc
Thứ Bảy, 08/08/2020 09:42 SA
Thăm báo điện tử Vientiane Times
Thứ Bảy, 04/07/2020 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek