Vientiane Times là tờ báo ngoại ngữ duy nhất của Lào. Ngoài phát hành các ấn phẩm bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung, tờ báo này còn có các phiên bản điện tử tiếng Lào, tiếng Anh và mới đây nhất là tiếng Trung. Hoạt động này nhằm mở rộng khả năng lan tỏa, giúp cộng đồng quốc tế dễ dàng tiếp cận thông tin hơn về đất nước và con người Lào.
Tôi vinh dự tham gia đoàn công tác của Bộ TT-TT gồm 7 thành viên đến thăm và làm việc tại nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (CHDCND Lào). Chuyến bay VN921 của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cất cánh rời Sân bay quốc tế Nội Bài, vượt Trường Sơn hạ cánh xuống Sân bay Wattay (Vientiane). Sau hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi đến đất nước Triệu Voi.
Lan tỏa thông tin của Lào ra thế giới
Vientiane Times phát hành các ấn phẩm bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc là phù hợp với chiến lược phát triển của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, nhằm hiện đại hóa lĩnh vực truyền thông của CHDCND Lào trong thời đại công nghiệp 4.0. |
Từ khách sạn Xay Som Boun nằm trên đường Kunbulom, Chanthabuly, nơi chúng tôi ở đi ô tô đến trụ sở báo điện tử Vientiane Times chừng 20 phút. Trụ sở báo là một tòa nhà lớn, kiến trúc khá hiện đại, được xây dựng trên khu đất rộng, thoáng đãng và rợp bóng cây xanh ở vị trí trung tâm Thủ đô Vientiane. Đón đoàn có đại diện Cục Báo chí (Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào) và lãnh đạo, phóng viên báo điện tử Vientiane Times. Sau khi tham quan một lượt các phòng chuyên môn báo, đoàn được lãnh đạo báo điện tử Vientiane Times giới thiệu khái quát những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội của đất nước Lào.
Lào là quốc gia đa sắc tộc với 49 dân tộc cùng chung sống; dân số trên 7 triệu người. Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng tắm chung dòng nước Mekong, hai dân tộc Việt Nam - Lào luôn thủy chung son sắt, kề vai sát cánh bên nhau trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước. Hiện nay, CHDCND Lào có nền kinh tế đang phát triển, thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu có sự đầu tư kinh tế ở Lào; chỉ riêng năm 2019, có hơn 400 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỉ USD. Hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc cho những mục tiêu mới, cùng nhau hội nhập và phát triển.
Về hoạt động báo chí, lãnh đạo báo điện tử Vientiane Times cho biết: Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào là cơ quan quản lý báo in, bao gồm 6 cơ quan báo in, trong đó có 1 tờ báo bằng tiếng nước ngoài là Vientiane Times. Báo điện tử này là tờ báo ngoại ngữ duy nhất của Lào, cơ quan truyền thông thuộc quyền quản lý của chính quyền Lào. Vientiane Times phát hành các ấn phẩm bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc. Báo có gần 100 cán bộ, phóng viên, viên chức.
Cơ sở vật chất kỹ thuật của báo còn nhiều khó khăn. Vientiane Times đã chính thức triển khai hai trang tin tức mới bằng tiếng Lào tại địa chỉ https://www.vientianetimeslao.la, phiên bản tiếng Trung Quốc truy cập tại địa chỉ https://www.weibo.com/u/6933083751?is_hot=1. Các trang tin tức mới này đều có đường dẫn trực tiếp đến trang chủ của Vientiane Times phiên bản tiếng Anh. Việc mở rộng trang tin tức bằng tiếng Trung là một phần trong chính sách của Vientiane Times, nhằm mở rộng khả năng lan tỏa cũng như khả năng tiếp cận thông tin về Lào, đặc biệt là các chính sách của Đảng và Nhà nước Lào đến cộng đồng quốc tế.
Tác giả bên các ấn phẩm của Vientiane Times. Ảnh: CTV |
Hợp tác trong hoạt động báo chí
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Cục Báo chí (Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào) ghi nhận sự giúp đỡ chí tình và hiệu quả của Bộ TT-TT Việt Nam đối với Lào trong đào tạo nghiệp vụ báo chí, công tác quản lý các cơ quan thông tấn báo chí như: tạp chí, đài phát thanh, đài truyền hình. Hiện CHDCND Lào có 6 đài truyền hình, trong đó có 3 đài tư nhân và 3 đài nhà nước; ngoài ra các tỉnh cũng có đài phát thanh và truyền hình riêng, các trang mạng xã hội. Các cơ quan, đơn vị và cá nhân khi lập trang thông tin điện tử thì phải được bộ cấp phép và thuộc sự quản lý của nhà nước. 100% cơ quan báo chí của Lào vẫn còn sử dụng ngân sách nhà nước, không tự chủ tài chính. Lào đang trong quá trình chuyển đổi từ analog sang digital, quá trình này sẽ được thực hiện trước ở các thành phố lớn. Hiện tại, Lào có khoảng 5 triệu người dùng smartphone, trong đó có 3 triệu người dùng smartphone để cập nhật thông tin. Người dân Lào tiếp cận với thông tin chính thống chủ yếu thông qua báo điện tử Vientiane Times, đài phát thanh và đài truyền hình; báo in gặp nhiều khó khăn. Cục Báo chí Lào thay mặt Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch quản lý, cấp giấy phép hoạt động cho các cơ quan báo chí. Điều đáng lưu ý, giấy phép hoạt động báo chí ở Lào có thời hạn 1 năm. Ngoài ra, các cơ quan báo chí Lào sau khi được cấp phép hoạt động phải đăng ký kinh doanh tại Bộ Công thương.
Buổi tiếp xúc diễn ra trong bầu không khí ấm áp, thân tình. Thay mặt đoàn công tác, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT) Đặng Khắc Lợi đánh giá cao sự hợp tác giữa Cục Báo chí hai nước, khen ngợi những cách làm sáng tạo và kết quả đạt được của báo điện tử Vientiane Times, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm trong quản lý hoạt động báo chí, phóng viên, quản lý mạng xã hội và cách thức thông tin tuyên truyền của Việt Nam. Trong hoạt động thông tin đối ngoại, Phó Cục trưởng nhấn mạnh việc quảng bá về di sản văn hóa, đặc biệt là những di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đại diện cho nhân loại của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ấn tượng với ẩm thực ở đất nước Triệu Voi
Kết thúc buổi làm việc chúng tôi đã có dịp được thưởng thức những món đặc sản ngay tại một căn tin trong khuôn viên trụ sở báo điện tử Vientiane Times. Anh Văn - thông dịch viên giới thiệu tỉ mỉ từng món đặc sản của Lào cho đoàn biết.
Chúng tôi ấn tượng với món tam mak houng - đây là món nổi bật của ẩm thực đất nước Triệu Voi. Món ăn này khá giống với nộm đu đủ của Việt Nam. Gia vị có tỏi, ớt, đường, nước cốt chanh... được cho vào cối đá giã dập. Sau đó bỏ thêm đu đủ nạo sợi, cà chua cắt nhỏ cùng nước mắm vào trộn đều cho thấm gia vị. Cuối cùng, rắc lên trên rau thơm và lạc rang để tạo vị thơm cho món ăn. Món sai oua kuang gần giống với món xúc xích của Việt Nam. Món này có hương vị riêng biệt, gồm thịt heo xay sau khi trộn cùng nhiều loại thảo dược thơm ngon sẽ được nhồi thành khúc dài rồi nướng đến chín vàng trên bếp than. Món xúc xích này khi ăn sẽ được cắt nhỏ thành từng khoanh tròn, chấm kèm tương ớt Jeow đặc trưng. Riêng tôi rất thích món laap naam tok, là món gỏi với nguyên liệu là các loại thịt, được mệnh danh là quốc thực của Lào. Món nộm này ngon nhất khi ăn kèm cùng cơm nếp và rau sống.
Người Lào thường sử dụng thịt lợn, gà, bò hoặc cá… đã nấu chín rồi băm nhỏ, trộn với mùi tàu, húng, bạc hà, tiêu, ớt… Thính (gạo rang xay) cũng là một nguyên liệu quan trọng tạo nên vị thơm đặc trưng cho món ăn. Món mok pa - cá hấp tẩm ướp với nhiều loại gia vị như lá chanh Thái, húng quế, hành, ớt, nước nắm và muối sau đó đem gói lá chuối rồi hấp trong lồng tre. Khi dùng cá hấp, thực khách sẽ ăn kèm gạo nếp/cơm trắng. Miếng thịt cá chín mềm mại, mọng nước, không những đậm đà hương vị mà còn thơm mùi lá chuối, xứng đáng để bạn thưởng thức thêm nhiều lần nữa.
Món jeow mak len (sốt cà chua) là một trong những loại nước chấm được yêu thích nhất tại Lào. Cà chua, ớt và hành tây được nướng xém trên lửa rồi cho vào cối giã dập cùng nước nắm, cốt chanh và ngò. Mỗi khu vực tại Lào đều có những biến tấu khác nhau của loại nước chấm này như ớt ngọt, cà tím, ớt xanh, cá khô… Nước chấm ngon là bí quyết tạo nên hương thơm đậm vị của các món ăn Lào, điều vẫn gây ấn tượng với thực khách mỗi khi thưởng thức.
Gần 1 năm sau lần đầu đến thăm báo điện tử Vientiane Times, trong tôi vẫn ấm nồng tình cảm thắm thiết mà các bạn Lào đã dành cho đoàn. Tình cảm từ mỗi con người Lào - Việt đã góp phần xây dựng nên tình đoàn kết đặc biệt thủy chung son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước.
NGUYỄN HOÀI SƠN
Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông