Thứ Bảy, 30/11/2024 05:52 SA
Chuyến đi đầy cảm hứng sáng tác
Thứ Bảy, 27/06/2020 18:00 CH

Ruộng bậc thang ở cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang). Ảnh: TRẦN QUỲ

Đoàn văn nghệ sĩ, báo chí Phú Yên vừa có chuyến đi thực tế sáng tác tại các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong chuyến đi này, đoàn có dịp ngắm cao nguyên đá Hà Giang, Cao Bằng. Nhiều người lần đầu tiên chinh phục đèo Mã Pí Lèng - một trong tứ đại đỉnh đèo phía Bắc.

 

Ngắm công viên địa chất toàn cầu

 

Trên hành trình qua các tỉnh, đoàn văn nghệ sĩ, báo chí Phú Yên đã đến Hà Giang. Nghỉ đêm tại TP Hà Giang, hôm sau đoàn hướng thẳng cột cờ Lũng Cú, điểm cực Bắc của Tổ quốc thuộc huyện Đồng Văn.

 

Nằm trên ngọn núi Lũng Cú hay núi Rồng (Long Sơn), cột cờ Lũng Cú ở độ cao 1.700m so với mặt nước biển. Chinh phục cột cờ Lũng Cú, phải leo 839 bậc thang đá (trước đây 389 bậc) và 135 bậc thang xoắn ốc trong tháp cột cờ. Đỉnh cột là quốc kỳ Việt Nam với cán cờ cao 12,9m. Lá cờ có diện tích 54m2 (dài 9m, rộng 6m) tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh, nói: “60 tuổi, đây là lần đầu tiên tôi chinh phục cột cờ Lũng Cú, một trải nghiệm đặc biệt và thiêng liêng. Nó giúp người Việt ta hiểu được những giá trị của chủ quyền dân tộc, hiểu được tiếng nói của những thế hệ đi trước đã bảo vệ và gìn giữ sông núi ngày nay. Đồng thời khi chinh phục cột cờ Lũng Cú, còn được ngắm nhìn toàn cảnh ruộng nương, bản làng cũng như khám phá cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây”.

 

Cột cờ Lũng Cú. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

 

Nghỉ đêm tại trung tâm huyện Đồng Văn, sáng hôm sau đoàn tiếp tục đi qua ngọn núi đá kỳ vĩ trong Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. “Đặc sản” của Đồng Văn là bức tranh thiên nhiên ngoạn mục, toàn cảnh cao nguyên đá Đồng Văn trùng điệp như một kiệt tác của tạo hóa. Ở đó, cheo leo nơi những ngọn núi đá có những bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số, sống hiền hòa. Ngắm nhìn những người đồng bào H’Mông bản địa cheo leo trên núi đá, cần mẫn, bằng sức lực và sự kiên nhẫn bắt đá nở hoa. Trên núi đá, họ trồng những ruộng bắp bạt ngàn. Nhà thơ Phan Kim Việt, Chi hội Văn học (Hội VHNT tỉnh) trầm trồ: “Đi qua 2 ngày cũng chưa hết bắp”.

 

Từ Đồng Văn qua Mèo Vạc, đoàn được ngắm Mã Pí Lèng, được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo. Đèo Mã Pí Lèng nằm trên quốc lộ 4C ở vùng đất xã Pải Lủng và Pả Vi thuộc huyện Mèo Vạc (Hà Giang), là cung đường đèo hiểm trở dài trên 20km. Đèo Mã Pí Lèng nằm ở độ cao 1.200m, thuộc cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, địa danh được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2010. Vượt qua đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ, cảm giác như đi trên mây, nhìn sông Nho Quế sâu hoắm, uốn lượn và các khúc cua đã tạo ra sự lôi cuốn cho con đèo này.

 

Lần đầu tiên đi trên cung đường này, ông Huỳnh Bông (68 tuổi), Chi hội Mỹ thuật (Hội VHNT tỉnh) vui vẻ: “Biết ơn là cảm giác của tôi khi đặt chân đến vùng biên viễn này của Tổ quốc”.

 

Từ Hà Giang qua Cao Bằng, đoàn văn nghệ sĩ, báo chí Phú Yên đến Khu di tích lịch sử Pác Bó và đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng). Đêm giao lưu, nhà văn Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Cao Bằng, cho biết: Non nước Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, quần thể Hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao… và đặc biệt là thác Bản Giốc, một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới. Năm 2018, công viên địa chất non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang). Công viên địa chất non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.275km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện nơi địa đầu Tổ quốc, nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc ít người. Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động. Thêm vào đó là rất nhiều loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản... tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.

 

Đoàn văn nghệ sĩ, báo chí Phú Yên tác nghiệp ở thác Bản Giốc. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

 

Đong đầy cảm hứng

 

Từ Cao Bằng, đoàn văn nghệ sĩ, báo chí Phú Yên tiếp tục qua Lạng Sơn, xuôi xuống Bắc Giang, Bắc Ninh. Trong chuyến đi này, chị Kiều Thị Dư, Chi hội Sân khấu (Hội VHNT tỉnh) lần đầu tiên ngắm cảnh lạ. Chị Dư kể: “Từ nhỏ đến lớn tôi chỉ đi quanh Phú Yên, Bình Định. Hàng ngày, tôi nuôi bò vỗ béo, dịp lễ, Tết thì tranh thủ đi hô bài chòi. Được tham gia trong chuyến này, qua các tỉnh, nghe nhiều người hát quan họ, hát then, được xem nhiều danh thắng, tôi rất hứng khởi”.

 

Trong đêm giao lưu với Hội VHNT tỉnh bạn, anh Nguyễn Phụng Kết, Chi hội Âm nhạc thể hiện ca khúc viết về Phú Yên làm xao động lòng người. Trên chuyến đi, Nguyễn Phụng Kết còn để lại một slogan ấn tượng: “Mạnh mẽ lên nghen”, làm nhiều người cười vui, không khí như gắn kết thêm.

 

Với 14 văn nghệ sĩ ở các chuyên ngành: Văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và âm nhạc, đây là một chuyến đi nhiều kỷ niệm và đong đầy cảm hứng sáng tác. Mỗi người đều cảm nhận thực tế và chọn chủ đề sáng tác. Bản thân tôi, từ chuyến đi này sẽ có nhiều tác phẩm sáng tác văn học cũng như ghi chép để lưu lại hình ảnh kỳ vĩ, thiêng liêng của đất nước.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Dọc đường Tây Bắc
Thứ Bảy, 13/06/2020 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek