Kỳ 2: Nông dân đối mặt vụ mùa trắng tay
Nắng hạn kéo dài từ sau Tết đến nay khiến hàng trăm héc ta mía, sắn, cao su, cà phê, rừng sản xuất… ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân bị khô cháy, gây thiệt hại nặng nề. Vụ mùa canh tác của người dân cũng bị đảo lộn vì trễ kỳ xuống giống.
Dưới cái nắng thiêu đốt của tháng 5, người dân vật lộn tìm mọi cách có thể để giải khát cho nương rẫy. Chúng tôi dễ dàng bắt gặp ánh mắt của những “hai lúa” đang mỏi mòn trông ngóng nước về. Rồi những trận mưa quý giá cũng đổ xuống, nhưng quá ít vàmuộn màng để cứu lấy một vụ mùa thất bát vì hạn hán.
Những cánh đồng khô cháy
Nắng hạn khiến năng suất mía niên vụ 2019-2020 chỉ đạt 38 tấn/ha, giảm 50% so với niên vụ 2017-2018; năng suất sắn cũng giảm khoảng 4 tấn/ha. Với tình hình thời tiết diễn biến khắc nghiệt như hiện nay thì khả năng vụ mía, sắn năm nay năng suất tiếp tục giảm, ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng ngàn hộ dân. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh |
Dọc theo quốc lộ 25 về các xã Sơn Hà, Sơn Nguyên, Ea Chà Rang… của huyện Sơn Hòa, hai bên đường, những rẫy sắn, mía úa vàng dưới cái nắng thiêu đốt. Gia đình ông Trần Văn Thắng ở xã Sơn Nguyên có 3ha mía lưu gốc. Những tháng qua, trời gần như không mưa nên ruộng mía nhà ông không phát triển. Ông Thắng than phiền, nếu như năm ngoái, thời điểm này mía đã vươn được 4 lóng thì nay chỉ mới được 1 lóng. Nếu thời tiết tiếp tục hạn như thế này thì niên vụ 2020-2021, gia đình ông trắng tay.
Còn Ma Tám ở xã Ea Chà Rang cho hay: “3 sào mía của gia đình tôi xuống giống trong đợt mưa gần 2 tháng trước, nay gần như chết sạch. Cây mía vừa xuống giống cần phải có nước tưới thì mới mọc rễ được. Nhưng từ lúc xuống giống đến nay không có nước, khiến cây mía teo tóp, giờ có mưa thì cũng không sống nổi”.
Tương tự, những ngày này, tuyến đường dẫn về xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) không còn màu xanh của cây mía và sắn mà người dân địa phương này từng ví như “lá phổi xanh” của xã. Thay vào đó là những rẫy sắn úa vàng, rũ lá, đang bị sâu bệnh tấn công. Mí Nga ở xã này chỉ tay vào 2 sào sắn của gia đình, giọng xót xa: “Mọi năm, thời tiết thuận lợi, cây sắn cao và xanh tốt. Còn năm nay, cây sắn thiếu nước, lá úa vàng, nếu có sống thì cũng khó cho củ”. Theo Mí Nga, cũng do nắng hạn kéo dài, cây sắn kiệt sức nên dễ bị sâu bệnh tấn công. Hầu hết diện tích sắn ở vùng này đang bị nhện đỏ uy hiếp.
Không chỉ cây trồng ngắn ngày, nắng hạn cũng đang uy hiếp cây công nghiệp dài ngày trên địa bàn tỉnh. Hiện nhiều diện tích cao su, cà phê của bà con ở Sông Hinh đang chết dần. Chị Võ Thị Hương ở thôn Chư Sai, xã Ea Trol, rơi nước mắt nhìn vườn cao su của gia đình chết dần, chết mòn. Chị thổ lộ: “Đầu mùa mưa năm ngoái, vợ chồng tôi đầu tư vốn để trồng 1,5ha cao su tại xã Ea Trol và 1,5ha cà phê tại xã Ea Bar. Nay, do thiếu nước tưới, 50% diện tích 2 loại cây này đã chết”.
Sắn trồng ở huyện Sông Hinh khô héo. Ảnh: TUYẾT HƯƠNG |
Vụ mùa đảo lộn, năng suất giảm mạnh
Những năm gần đây, người nông dân chạy theo sự thất thường của thời tiết, phải căng mình đối phó với khó khăn trong quá trình sản xuất. Muốn phá bỏ ruộng mía để trồng lại thì không có vốn, mà giữ lại đến cuối vụ thì cầm chắc lỗ.
Bà con ở thôn Chư Sai đã tìm mọi cách để cứu cây trồng, nhiều gia đình chi hàng chục triệu đồng để khoan giếng tìm nguồn nước nhưng vô vọng. Riêng gia đình tôi vừa đào, khoan 3 cái giếng, nhưng tất cả không có nước. Ông Trình Quang Quyền, Trưởng thôn Chư Sai, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh |
Dọc tuyến bê tông dẫn vào vùng sản xuất của xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), hàng trăm héc ta đất trồng mía, sắn đã được người dân cày xới, nhưng chưa thể xuống giống niên vụ 2020-2021 vì thiếu nước. Ma Hải ở xã này, cho biết: “Nhà tôi có 5 sào đất trồng mía, sau khi thu hoạch tôi phá bỏ gốc để trồng lại vụ mới, nhưng đến nay vẫn chưa xuống giống. Nếu nắng hạn kéo dài thì vụ sản xuất sẽ bị trễ, ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch vàvụ trồng năm sau.
Phó Chủ tịch UBND xã Ea ChàRang Kpắ Hờ Phúc cho hay: Đến nay, cả xã mới xuống giống được 131ha sắn, 140ha mía, chỉ đạt khoảng 13% kế hoạch. Còn theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa A Lê Y Bớ, thời điểm này của các năm trước phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện đã xuống giống, còn năm nay mới xuống giống được khoảng 7.000ha trong tổng số 24.000ha đất nông nghiệp của huyện.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại huyện Sông Hinh. Ông Trình Quang Quyền, Trưởng thôn Chư Sai, xã Ea Trol cho biết: “Bà con trong thôn đã tìm mọi cách để cứu cây trồng. Nhiều gia đình chi hàng chục triệu đồng để khoan giếng tìm nguồn nước, nhưng vô vọng. Riêng gia đình tôi vừa khoan 3 cái giếng, nhưng tất cả không có nước, vì vậy chỉ còn trông chờ vào nước trời”.
Gia đình bà Hà Thị Mau ở thị trấn Hai Riêng có hơn 3ha mía, trong đó hơn 2ha mía lưu gốc và 1ha mía vừa trồng. Bà Mau than thở: “Khi vừa trồng 1ha mía của gia đình, tôi phải bỏ ra 8 triệu đồng để mua nước tưới. Thế nhưng, cách đây nửa tháng, tôi tiếp tục mua nước với giá cao hơn để tưới cho mía nhưng không có. Xót cây, tôi đành mượn tiền mua máy bơm hơn 20 triệu đồng. Các con tôi và nhân công hì hục đào hố sâu để kiếm nguồn nước ngầm, bơm tưới. Nỗ lực lắm chúng tôi cũng chỉ cứu được 2/3 diện tích mía vừa xuống giống”.
Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, để kịp cho niên vụ 2020-2021, từ tháng 2/2020, người dân trong huyện bắt đầu xuống giống mía và sắn. Tuy nhiên, mía đang thiếu nước tưới, sắn thì vừa thiếu nước, vừa bệnh khảm và nhện đỏ.
Kỳ cuối: Nỗ lực “giải cơn khát”
TRUNG HIẾU - TUYẾT HƯƠNG - DƯƠNG THỦY