Thứ Bảy, 23/11/2024 16:01 CH
Hòn ngọc bích giữa biển Ðông
Thứ Bảy, 12/04/2014 14:00 CH

Rời đảo Hòn Tre (Khánh Hòa), sau gần 24 giờ vượt qua hải trình hơn 100 hải lý trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, đảo Phú Quý (Bình Thuận) đã hiện ra trước mũi con tàu VH-785 như hòn ngọc bích giữa biển Ðông.

 

Cang-Phu-Quy140412.jpg

Cảng Phú Quý - nơi tàu thuyền có tải trọng hàng trăm tấn có thể cập bến dễ dàng - Ảnh: X.HIẾU

Nhìn vào kim đồng hồ, lúc này là 5 giờ 30, mặt trời cũng vừa nhô lên mặt biển. Sau một đêm dài lắc lư theo con tàu với sóng biển cấp 5, cấp 6 có lúc lên đến cấp 7, ai nấy cũng mệt nhừ nhưng cũng cố gượng dậy chạy lên boong thưởng thức vẻ đẹp của biển đảo lúc bình minh. Nhìn từ phía bắc, đảo Phú Quý giống như một con cá thu nên đảo này còn có tên gọi khác là Cù lao Thu; nhìn từ phía đông, đảo nổi lên như một con rồng. Còn khi tàu hướng mũi vào cảng, nhìn từ phía tây nam hình dáng của đảo lại tựa như một con cá voi khổng lồ đang bơi trên mặt nước.

 

Sáng sớm, cảng đảo khá nhộn nhịp, tàu thuyền đậu ken dày. Con tàu mang tên Quê Hương 2 (Sài Gòn) cũng vừa đến trước tàu VH-785 không lâu đang đưa hàng lên đảo. Hàng hóa khá phong phú, chủ yếu là gạo, xi măng, kẹo bánh, đồ điện dân dụng... Trung tá Nguyễn Hữu Ngọc, Phó trung đoàn trưởng Ra đa 451 - Vùng 4 Hải quân và nhiều anh em của Trạm Ra đa 575 đã có mặt tại cảng đón chúng tôi. Anh Ngọc là bộ đội Hải quân lấy vợ người Phú Quý giờ đã là “thổ địa” của đảo. Còn trung tá Trần Văn Thịnh, người có nước da ngăm đen, không lớn con nhưng khỏe khoắn tuy đã bước qua tuổi 50. Với hàng chục năm gắn bó với đảo và làm Trạm trưởng Ra đa 575 nên anh rành rẽ từng địa danh, ngóc ngách… và cũng là một trong những “thổ địa” của đảo. Các anh đưa ô tô 12 chỗ (thuê của tư nhân) đến đón và đưa chúng tôi về trạm, bố trí chỗ nghỉ.

 

ÐỊA DANH CÓ TỪ HÀNG TRĂM NĂM

 

“Đảo Phú Quý có diện tích khoảng 16km² (nhỏ hơn so với các tài liệu cũ trước đây), nằm cách TP Phan Thiết khoảng 56 hải lý (hơn 100km) về hướng đông nam; cách quần đảo Trường Sa 540km về hướng tây bắc. Xung quanh đảo chính còn có các đảo nhỏ khác như: Hòn Đá Cao hướng tây bắc, Hòn Đỏ hướng đông bắc, Hòn Tranh và Hòn Hải hướng tây nam”- anh Thịnh giới thiệu sơ bộ về đảo. Theo sử sách xưa, đảo này có nhiều tên gọi khác nhau, như: Cổ Long, Thuận Tịnh, Cù lao Khoai Xứ, Cù lao Thu... Từ niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844) vì tiềm năng kinh tế dồi dào và số lượng đặc sản đáng kể biệt nạp cho triều đình Huế, đảo được đổi tên từ tổng Hạ sang tổng Phú Quý trực thuộc phủ Ninh Thuận. Hiện nay, huyện Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận, có 3 xã: Ngũ Phụng (huyện lỵ), Tam Thanh và Long Hải với 10 thôn, dân số hơn 2.000 người. Tuy nằm biệt lập giữa trùng dương nhưng dấu tích phát hiện được cho thấy, đảo đã được khai phá tạo nên cuộc sống từ rất sớm. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, người dân Phú Quý đã sống trong điều kiện khép kín tự cung tự cấp với những hoạt động kinh tế như trồng trọt, đánh bắt hải sản, một số ngành nghề thủ công như dệt vải, đan võng, ép dầu... trong đó, ngư nghiệp đóng vai trò chủ đạo.

 

HÐ-PQ140412.jpg

Hải đăng Hòn Cấm (Phú Quý) đón bình minh - Ảnh: X.HIẾU

NHIỀU CẢNH ÐẸP, ÐẶC SẢN TƯƠI NGON

 

Không may cho chúng tôi là thời điểm này thời tiết trên biển rất xấu, sóng cấp 7, cấp 8 nên tàu không thể về lại đất liền theo kế hoạch mà phải ở lại đảo thêm nhiều ngày nữa. Nhưng chính sự “không may” đó mà mỗi người có dịp được đi thăm thú nhiều nơi, thưởng thức nhiều món đặc sản mà những địa phương khác không có hoặc không thể so sánh. “Đặc sản biển tại Phú Quý rất tươi, rất ngon nhưng giá cả lại phải chăng” - anh Nguyễn Thanh Long, một người Phú Yên (quê ở Đồng Xuân) đến lập nghiệp ở đảo này gần 20 năm giới thiệu với tôi khi tình cờ nhận ra đồng hương. Anh cho biết, trong những đặc sản của đảo, hải sâm là loại được nhiều người ưa thích nhất, cùng với da cá mú bông, cua huỳnh đế, ốc vú nàng… Với sự phong phú của nguồn thực phẩm dồi dào từ biển và sự độc đáo của cách chế biến, từ lâu đặc sản biển đã trở thành những món ăn đậm đà hương vị của vùng biển đảo Phú Quý hấp dẫn du khách gần xa. Nhưng để đến với Phú Quý, được thưởng thức những “của ngon, vật lạ” tươi ngon từ biển không phải chuyện dễ đối với du khách, vì giao thông nối Phú Quý với đất liền chủ yếu dựa vào đường thủy nội địa. “Vào mùa biển êm, hải trình từ TP Phan Thiết đến Phú Quý phải mất ít nhất 6 giờ. Từ giữa năm 2010, khi HTX vận tải biển Phú Hưng đưa vào khai thác tàu trung tốc Phú Hưng đã rút ngắn thời gian đến đảo từ 6 xuống 2,5 đến 3 giờ, nhưng không phải lúc nào cũng có tàu. Ngoài ra, khách du lịch có thể đến Phú Quý bằng máy bay trực thăng, nhưng rất tốn kém”- anh Long cho biết.

 

Được hình thành làng, ấp từ thời Gia Long triều Nguyễn nhưng hiện Phú Quý vẫn còn nguyên nét hoang sơ với thiên nhiên của đất trời biển đảo tinh khiết. Đảo có khí hậu trong lành, không bị ô nhiễm nên nước biển trong xanh quanh năm. Đặc biệt, quanh đảo có một thảm thực vật và rạn san hô rất đa dạng, phong phú, nhiều chủng loại. Dọc theo bãi biển, có nhiều bãi tắm đẹp như Triều Dương, Doi Dừa, Bãi Nhỏ - Gành Hang… Trong đó, Bãi Nhỏ - Gành Hang nằm dưới một ngọn đồi cách trung tâm huyện khoảng 10 phút đi xe máy, với bờ cát trắng mịn tinh khiết, nước biển màu xanh ngọc trong vắt. Bãi cát hình lưỡi liềm được giới hạn bởi những mũi đá nhô ra biển…

 

Ngoài tiềm năng thiên nhiên, Phú Quý còn có hơn 30 di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng nổi tiếng như chùa Linh Quang, chùa Linh Sơn, đền Bà Chúa Ngọc, đình làng Triều Dương, công viên Mỹ Khê, lăng Cô, đền thờ Công chúa Bàng Tranh… Trong đó, chùa Linh Quang tọa lạc trên một ngọn đồi ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Bình Thuận. Theo sư trụ trì, ngôi chùa này được xây dựng vào năm 1747 đến nay chùa Linh Quang đã có niên đại gần 270 năm. Ở đây còn lưu giữ nhiều sắc phong và nhiều tượng Phật quý. “Không chỉ là một nơi có quang cảnh đẹp, mà đây còn là ngôi chùa tiêu biểu trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, nghệ thuật về phật giáo ở trên đảo”, vị sư trụ trì cho hay. Đặc biệt, ở Phú Quý có di tích Vạn An Thạnh được xây dựng vào năm Tân Sửu (1781). Đây là nơi thờ thần Nam Hải và Thành hoàng của cư dân bản xứ. Nơi đây hiện còn lưu giữ gần 100 bộ hài cốt cá ông, rùa biển đủ niên đại, kích cỡ. Hằng năm, tại đây, cư dân trên đảo thường tổ chức nhiều lễ hội dân gian độc đáo như Lễ tế Xuân và Lễ tế Thu. Cùng với chùa Linh Quang, Vạn An Thạnh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1996.

 

GIÀU TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÀ KINH TẾ BIỂN

 

Do có lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên nên Phú Quý có khả năng phát triển mạnh về du lịch và kinh tế biển. Từ Phú Quý ngư dân có thể vươn ra các ngư trường xa để khai thác nhiều loại hải đặc sản; sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt trên 50.000 tấn.

 

Nguồn nước ngọt trên đảo khá dồi dào, chủ yếu là nước giếng và nước mưa. Nước giếng ở đây khá ngọt, rất thuận tiện cho sinh hoạt hằng ngày. Khi đặt chân lên đảo, ai trong chúng tôi cũng lo lắng là không biết trong những ngày lưu lại trên đảo thì việc tắm giặt sẽ như thế nào. Nhưng khi tận mắt nhìn thấy những rừng cây, vườn rau đang lên xanh tốt ở khắp mọi nơi trên đảo; những giếng nước lúc nào cũng trong vắt, máy bơm hoài không cạn nên đều thở phào nhẹ nhõm.

 

Bên cạnh những giá trị cảnh quan, sinh thái, văn hóa và lịch sử, Phú Quý còn có một cơ sở hạ tầng khá tốt. Nơi đây có hệ thống đường sá khang trang sạch đẹp, có trường học, bệnh viện quân dân y, có xưởng sửa chữa tàu thuyền, trạm tìm kiếm cứu nạn, hệ thống điện bằng sức gió… Đảo còn được phủ sóng điện thoại của các mạng điện thoại di động Mobifone, Vinaphone, Viettel. Mặt khác, nằm ở giữa biển Đông nên Phú Quý có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, nên việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ, yêu cầu cấp thiết hiện nay càng được tỉnh Bình Thuận quan tâm đầu tư. Chính vì vậy, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đảo Phú Quý hôm nay đã khởi sắc, phát triển khá nhanh. Cảng Phú Quý được xây dựng kiên cố như một âu thuyền lớn. Hằng ngày, nơi đây có hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ ra vào tấp nập hoặc neo đậu trong cảng chờ lấy nhiên liệu, nước ngọt hoặc để giao dịch mua bán hải sản. Cầu cảng Phú Quý xây dựng khá kiên cố nên tàu có trọng tải hàng trăm tấn có thể cập bến dễ dàng và an toàn.

 

Đồng chí Hà Sông Lô, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Quý khoe với chúng tôi: “Năm 2013, tổng thu ngân sách của huyện đạt trên 38 tỉ đồng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chủ yếu là thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương; tiền sử dụng đất; thu nhập cá nhân; lệ phí trước bạ; thu khác ngân sách và thu cố định tại địa phương các xã”. Còn Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Văn Hưng cho hay: “Hiện nay, Phú Quý đang đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để nâng cao cuộc sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ. Trong đó, xây dựng thêm kè chống xói lở ở đê Tây (148,9m), đê Đông (948,9m), các công trình phụ trợ bảo vệ bờ biển, đường sá, khách sạn và các điểm vui chơi giải trí… Năm nay, Phú Quý phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước mà tỉnh giao và cao hơn năm 2013”.

 

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người cảnh sát nặng lòng với Vovinam
Thứ Bảy, 05/04/2014 14:00 CH
Mắm thơm “3 xã”
Thứ Bảy, 29/03/2014 14:00 CH
Người đưa thúng chai ra biển lớn
Thứ Bảy, 22/03/2014 14:00 CH
Nỗi đau của những người mẹ lam lũ
Thứ Bảy, 01/03/2014 14:00 CH
Bỏ việc đồng áng đi “săn” rùa
Thứ Năm, 27/02/2014 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek