Mới qua tuổi 40, người phụ nữ chân chất Đỗ Thị Trang ở thôn Long Hòa, xã An Định (Tuy An) đã trở thành trụ cột của cả vùng nghề thúng chai Tuy An. Uy tín thúng chai của cơ sở chị Trang đã khẳng định tại hầu khắp các vùng biển trong nước, vươn ra cả nước ngoài… Chị Trang là 1 trong số 62 nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2013.
Chị Đỗ Thị Trang, Nhà nông xuất sắc Việt Nam năm 2013 - Ảnh: Đ.Tuấn
VỰC NGHỀ NUÔI LÀNG
Tưởng dễ đặt lịch hẹn để gặp người phụ nữ này. Ai dè, chị phải đột xuất đi họp tổng kết tổ vay vốn nông dân thôn Long Hòa do chị làm tổ trưởng, không thể vắng mặt. Phải đợi sau 10 giờ mới có thể gặp chị nên tôi quanh quẩn vùng Long Hòa xanh mát lũy tre, trong âm vang tiếng đục đẽo của nghề thúng chai. Theo các lão làng ở An Định, đất này đã làm “hậu cần sông nước” từ hàng trăm năm nay. Ngày xưa chủ yếu làm sõng tre để di chuyển trên sông và đan mê tre để làm xuồng đi biển gần bờ, thế rồi cũng lụi tàn dần; riêng thúng chai chỉ làm “lúc có, lúc không”. Làng nghề này bắt đầu bung ra khi ngành đánh bắt xa bờ tiến triển, tàu cá không thể thiếu những chiếc thúng chai như là “những cánh tay nối dài” để hoạt động trên đại dương.
Ông Nguyễn Văn Hương, một người đan thúng kỳ cựu ở An Định, nói: “Tre vùng này bát ngát nhưng vẫn không đủ để đan thúng. Phải mua thêm từ mấy địa phương miền núi; họ xuôi bè theo sông Kỳ Lộ xuống đây bán, giá lúc này là 25.000 đồng/cây. Ở đây, nhà nào cũng nuôi bò vì phải có phân để trét thúng. Trai tráng xứ này làm không hết việc nên ít lang thang lắm! Học trò nghỉ hè cũng tranh thủ làm thúng kiếm tiền bút mực… Một tay con Trang nó xốc cả vùng này khá lên đấy!”.
Chị Trang phóng xe máy về tiếp chuyện tôi. Chị cho hay, mình lớn lên trong một gia đình nghèo đông con, suốt ngày bồng em, rồi cắt cỏ, coi bò, tắm heo,... Trộng trộng tuổi thì vót nan đan sõng, phụ giúp ba má đắp đổi qua ngày. Lập gia đình, vợ chồng chị cùng làm nghề đan mê sõng. Năm 2000, nhiều người quen hỏi mua thúng chai, vợ chồng chị bàn bạc chuyển hẳn sang làm sản phẩm này. “Lúc đầu làm thúng chai, gặp khó đủ thứ. Vợ chồng động viên nhau học hỏi đủ người, để làm sao rút ngắn thời gian sản xuất mà chất lượng thì đạt nhất. Dân sông nước kỹ lắm, chiếc thúng mà xộc xệch, mau hư là mất tiếng “võ đường” ngay!”, chị nói.
Thế nhưng, đầu ra ổn định cho thúng chai mới là chuyện lớn. Chị Trang một mình rong ruổi xe máy khắp nơi để tìm hiểu nhu cầu, “năn nỉ” khách đặt hàng. Từ miễn cưỡng dùng thử, rồi thúng chai Minh Trang (ghép cùng tên chồng chị là Đỗ Văn Minh) đã được ngư dân nhiều làng biển “gật đầu” truyền tụng bởi mẫu mã đẹp, bền với nước biển và giá cả dễ chấp nhận. Sau đó, chẳng những cung ứng tại Phú Yên, gia đình chị còn nhận được nhiều đơn hàng từ các tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam.
Đây chính là thời điểm vợ chồng chị phải “gồng mình” để đi kêu gọi, thuyết phục bà con làng xóm, sang cả những vùng có truyền thống đan đát để “chuyển giao công nghệ”, tạo nên một hệ thống làng nghề nhịp nhàng, năng động. Để thúng chất lượng theo yêu cầu đối tác, chị phải đến từng nhà tỉ mẫn truyền đạt từ cách chọn tre, vót nan, lận bụng thúng, vào vành,... Ví như, tre dùng để đan thúng chai phải từ 1 năm tuổi trở lên, bụng thúng phải tròn đều, cạp vành chắc chắn… Nhiều người thiếu vốn mua nguyên vật liệu, chị phải chạy tiền cho mượn không tính lãi.
Chị Trang nhẩm tính, trong 5 năm vừa qua, gia đình đã cho 20 hộ nghề thúng mượn tiền. Có việc làm thường xuyên, hàng trăm hộ đan thúng chai ở đây có thu nhập ổn định 3 triệu đồng/người/tháng.
Công đoạn đánh dầu rái, phơi thúng chai tại cơ sở Minh Trang - Ảnh: Đ.TUẤN
THỦ LĨNH BÌNH DÂN
Đến lúc làng nghề đi vào sản xuất ổn định, chị Trang chuyển hẳn sang thu mua thúng đã làm xong phần thô; vợ chồng chị chịu trách nhiệm các khâu kiểm tra chất lượng, chỉnh sửa, trét phân bò, đánh dầu rái và tìm đối tác xuất hàng. Cách đây mấy năm, bà con Long Hòa nhất trí bầu chọn chị Trang làm Chi hội trưởng Nông dân thôn; đã vậy, chị còn được chỉ định làm Tổ trưởng vay vốn ngân hàng, với trên 50 tổ viên.
Chị Trang cho biết, công chuyện quán xuyến sản xuất kinh doanh lu bù nhưng bà con thuyết phục quá nên không thể né tránh. “Như sáng nay, thức dậy là phải lo gom thúng đóng xe đi giao hàng, tranh thủ tạt qua chợ mua đồ ăn, rồi đi họp tổng kết vay vốn. Công việc nhiều thì phải cố gắng. Thấy bà con làng nghề có công việc làm ăn ổn định, là mừng”, chị quệt mồ hôi, cười tươi.
Bà Đinh Hồng Nga, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An (nay là Bí thư Đảng ủy xã An Mỹ), tâm đắc: “Nhiều người rất lạ khi một phụ nữ mới học lớp 10/12, không theo một khóa đào tạo nào, vậy mà điều hành công việc sản xuất kinh doanh thật bài bản, hiệu quả. Chuyên cần học hỏi và quyết đoán với nghiệp thúng chai, chị Trang đã thành một điểm tựa chắc chắn cho làng nghề thúng chai An Định. Đáng quý hơn nữa, chị ấy luôn nhiệt tình cảm thông với người làng nghề và hội viên nông dân. Chẳng những giúp vốn và cung cách làm ăn, chị luôn được bà con tin tưởng ủy thác nhiều công việc của xóm làng. Nông thôn bây giờ đang rất cần những người “miệng nói, tay làm” như chị Trang”.
Đến nay, nghề thúng chai chẳng những hút mạnh lao động ở An Định, mà còn lan tỏa ra nhiều xã lân cận, với sự trợ lực kịp thời về công nghệ và vốn liếng của cơ sở Minh Trang. Bà Trần Thị Thanh (ở xã An Dân, Tuy An) cho biết: “Mấy năm nay làm thúng chai, vợ chồng và mấy đứa con tui đều kiếm trên 100.000 đồng/người/ngày. Làm thúng chai có thể tranh thủ bất kể giờ giấc, bởi mọi công đoạn đều làm tại nhà; người lớn, trẻ nhỏ đều làm được. Bà con lo nhất là sản phẩm không có người mua nhưng có cháu Trang chạy đầu ra rồi, nên có việc làm đều đặn quanh năm”.
Cũng chuyện đầu ra, chị Trang phân tích: “Thị trường thúng chai khá rộng, bởi công dụng rất đa dạng trong nghề sông nước. Gần đây, xuất hiện loại thúng nhựa với kiểu dáng tương tự; tuy nhiên, thúng chai đan tre vẫn tỏ ra ưu thế hơn về độ bền chắc với sóng nước. Nếu giữ được chất lượng sản phẩm thì mỗi năm đảm bảo có thể tiêu thụ được hàng ngàn thúng từ làng nghề này. Hiện tại, một số doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước cũng đã đặt hàng thúng chai; gia đình đang tính toán để triển khai cho bà con làng nghề bắt tay sản xuất”.
Năm 2011, lần đầu tiên 100 thúng chai Việt xuất khẩu ra nước ngoài (Thái Lan) từ cơ sở Minh Trang. Bản thân chị vẫn tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi thị trường và hy vọng nếu hướng được thúng chai ra nước ngoài thì cơ hội mở rộng làng nghề, cải thiện đời sống cho dân địa phương càng nhiều.
Theo chị Trang, gia đình chị thu nhập “không cao lắm đâu”. Mỗi năm thực lãi từ thúng chai hơn 100 triệu đồng và thêm trên 50 triệu đồng nữa từ trồng trọt, chăn nuôi. Lo nhất của chị là làm sao để làng nghề thúng chai có thị trường đầu ra ổn định, để góp phần phát triển đời sống người dân trên quê mình…
ĐỨC TUẤN