Thứ Bảy, 23/11/2024 21:01 CH
Người mẹ chờ con… đã ngã xuống ở Gạc Ma
Thứ Bảy, 15/03/2014 13:00 CH

Đồng đội con bước vào nhà xin thắp hương, mẹ Niệm lụi cụi tìm bật lửa rồi ôm chầm người khách lạ, òa khóc: “Con ơi! Con đi đâu mà xa dữ, để má ở nhà chờ miết…”. Thì ra, người mẹ này vẫn không chấp nhận sự thật là con mình đã hy sinh ngoài biển thẳm, vẫn khắc khoải chờ mong có một ngày đứa con thân yêu sẽ trở về. Và khi thấy người lạ đến nhà, bà cứ ngỡ người trong đơn vị cũ về báo tin con trai còn sống.

Me-Niem-2140315.jpg

Mẹ Lê Thị Niệm rưng rưng khóc khi chạm vào tấm hình đã ngả màu của liệt sĩ Phan Tấn Dư - Ảnh: P.TRÀ

KHÚC RUỘT TRONG LÒNG BIỂN THẲM

Chị Phan Thị Nhung kể: “Sau khi anh Dư hy sinh, gia đình được địa phương hỗ trợ tiền để phả nền xi măng thay cho cái nền đất trong ngôi nhà xây từ năm 1984. Chính quyền địa phương quan tâm đến má, lễ tết năm nào cũng có cán bộ đến nhà thăm hỏi, tặng quà”.

Ngôi nhà mẹ Lê Thị Niệm nằm bên ngọn đồi có ngôi trường râm ran tiếng trẻ ở thôn Mỹ Thạnh Nam (xã Hòa Phong, Tây Hòa). Hai bên con đường đất dẫn vào nhà rợp màu hoa chiều tím. Những cánh hoa mỏng tang tím đến nhức lòng. Cái màu tím ấy dễ làm người ta liên tưởng đến sự chờ đợi đến mỏi mòn của người mẹ già lưng còng rạp, sống trong ngôi nhà quạnh quẽ.

Mẹ Niệm có đến 12 người con. Ở quê hồi trước, thi thoảng vẫn có những bà mẹ đông con như vậy. Lạ là 4 người con của mẹ, trai có gái có, lần lượt bị bệnh tật cướp đi khi mới ngoài 20 tuổi. Còn người con thứ dư của mẹ thì vĩnh viễn nằm lại giữa biển Đông cùng 63 chiến sĩ hải quân anh dũng khác, trong trận chiến không cân sức ngày 14/3/1988 trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Đó là trung sĩ Phan Tấn Dư.

Cầm tấm hình đã ngả màu, những ngón tay nhăn nheo của mẹ Niệm run run chạm vào gương mặt con trai. Mẹ nhớ lại: “Nó hiền khô, chưa làm mích lòng ai bao giờ”. Đôi mắt mẹ - đôi mắt chồng chất dấu vết tháng năm và những nỗi đau - đỏ rựng lên. Rồi nước mắt trào ra theo những hồi ức về đứa con trai ngoan hiền không bao giờ có thể trở về ngôi nhà này được nữa.

“Tết năm 1988, nó về phép, nói qua tết sẽ ra đảo” - mẹ Niệm kể - “Nó nói má đừng lo, ra đảo vậy mà thong thả, công tác xong thì con về”. Người mẹ nén nỗi lo và chờ thư của con trai.

Thư không về, người cũng không về. Khoảng 2 tháng sau, cả nhà bàng hoàng khi nhận được tin anh Phan Tấn Dư hy sinh. Giấy báo tử đã run rẩy trên tay, lễ truy điệu đã được tổ chức, vậy nhưng mẹ Niệm vẫn không tin rằng đứa con trai hiền lành của mình đã nằm lại đâu đó trong lòng đại dương. “Người ta nói con tui hy sinh rồi, nhưng tui nghĩ chắc nó còn sống. Không nhìn thấy xác nó, tui không tin!” - mẹ Niệm bật khóc.

Và mẹ đã tựa vào niềm tin mong manh đó mà sống, mà chờ đợi. Một năm, hai năm rồi 10 năm, 20 năm đằng đẵng trôi qua. Tóc mẹ mỗi ngày mỗi bạc, lưng mẹ ngày càng còng rạp, đôi mắt đã mờ và thần trí lúc nhớ lúc quên. Nhưng có một điều mà người mẹ 86 tuổi này không thể nào quên được: Một khúc ruột của mẹ vẫn ở đâu đó ngoài biển khơi xa thẳm.

Chị Phan Thị Nhung, con kề út của mẹ Niệm, kể: “Má vẫn nuôi hy vọng anh Dư còn sống. Người ta gửi ba lô, đồ đạc, vải vóc của anh về, má cất giữ rất kỹ. Con cái xin vải để may quần áo, má không cho. Má nói biết đâu thằng Dư còn sống. Đồ đạc của nó, má để dành cho nó. Cách đây 3, 4 năm, đồng đội anh Dư nói với má “Không còn hy vọng nữa đâu, Dư không còn sống nữa đâu”, má mới đem tất cả ra đốt…”.

Me-Niem-4140315.jpg

Mẹ Niệm cùng những “đứa con Trường Sa” - Ảnh: T.LỘC

“MẸ ƠI, ĐỪNG KHÓC NỮA!”

Người khách lạ tìm đến nhà mẹ Niệm, thắp hương lên bàn thờ liệt sĩ Phan Tấn Dư mười mấy năm trước là anh thương binh Trường Sa Nguyễn Văn Dũng, ở TP Nha Trang (Khánh Hòa). Anh Dũng và anh Dư đều là lính thông tin. Đầu tháng 3/1988, anh Dũng được lệnh ra đảo Gạc Ma. Tuy nhiên, thấy anh bị bệnh nên chỉ huy đã điều anh Dư ra đảo. “Khi nhận được tin từ đơn vị báo về: anh Dư cùng 63 người lính hải quân khác đã hy sinh, tôi nghĩ anh ấy chết thay mình” - anh Dũng ngậm ngùi nhớ lại.

Xuất ngũ trở về đời thường, anh Dũng kiên trì tập luyện để vượt qua những di chứng khủng khiếp do thương tật, để không phải sống dựa vào người khác. Người lính thông tin ngày nào đã nhiều lần ra Phú Yên, lặn lội đến các làng quê tìm gia đình liệt sĩ Phan Tấn Dư. Sau bao nỗ lực, cuối cùng anh đã gặp mẹ Niệm. Anh được mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư xem như con, và anh cũng xem bà như mẹ của mình.

Chị Nhung kể: “Anh Dũng là người tìm ra má. Bây giờ, má có rất nhiều con: anh Thi, anh Trung, anh Hòa (*), anh Dũng, anh Thoại… và còn nhiều người nữa. Ai cũng thương, cũng lo lắng cho má. Mấy anh nói: Má đừng buồn, đừng khóc nữa! Má mất một người con nhưng rồi có thêm nhiều đứa con”.

Thương người mẹ nghèo có con hy sinh giữa trùng khơi sóng dữ, đồng đội liệt sĩ Phan Tấn Dư vẫn thường xuyên lui tới thăm hỏi, an ủi và giúp đỡ mẹ. “Tui tính để cho con trai thứ hai giỗ thằng Dư, nhưng mấy đứa con nuôi không chịu. Tụi nó nói má giỗ ở nhà má, anh em tụi con tập trung về cho ấm áp, có gì thì tụi con đóng góp. Giỗ năm nào tụi nó cũng về, tết nhứt tụi nó về, ngày 14/3 tụi nó cũng tập trung về”.

Đồng đội của liệt sĩ Phan Tấn Dư đã sưởi ấm lòng người mẹ có con hy sinh nơi hải đảo. Họ làm cho ngôi nhà quạnh quẽ của mẹ trở nên ấm áp hơn. Và nỗi đau trong thẳm sâu lòng mẹ, vì thế cũng nguôi ngoai phần nào.

Thương mẹ, chị Nhung đã đưa con gái về sống bên mẹ, trong ngôi nhà cặp vách nhà mẹ. Hai mẹ con có hai sào ruộng. Sau những ngày cặm cụi trên đám ruộng của gia đình, chị Nhung đi cuốc cỏ sắn, mía, tước vỏ cây bạch đàn cho người ta để kiếm tiền công. Mẹ Niệm ở nhà, đỡ đần con gái chuyện cơm nước. Nhưng giờ mẹ đã yếu, chân đã run mắt đã mờ, chuyện nấu nồi cơm cũng trở nên quá khó khăn đối với mẹ. Bây giờ, mẹ sống bằng ký ức. Ký ức về những đứa con đã sớm rời khỏi cuộc đời này. Ký ức về đứa con trai ra đảo, hẹn sẽ trở về nhưng không bao giờ về nữa.

Mẹ Niệm nói: “Mỗi khi nghĩ tới đứa con hy sinh ngoài biển, không tìm được xác là tui không còn muốn sống nữa. Cũng nhờ các con tới lui an ủi, lòng tui bớt xót xa”. Biết tin Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, vận động xây đền tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma, hỗ trợ gia đình những người lính đã ngã xuống trong các cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mẹ Niệm nói rằng bà cảm thấy rất ấm lòng.

(*): Các cựu chiến binh Trường Sa: Đào Thái Thi, Nguyễn Hồng Trung, Nguyễn Thanh Hòa

PHƯƠNG TRÀ

Ngoài liệt sĩ Phan Tấn Dư ở xã Hòa Phong, Phú Yên còn có một người con khác hy sinh trong trận Gạc Ma là liệt sĩ Trương Văn Thịnh ở phường 9 (TP Tuy Hòa). Anh Thịnh mãi mãi không trở về, song tình cảm mà đồng đội dành cho gia đình anh cũng phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát. Năm nào các cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên cũng về thắp hương trong ngày giỗ liệt sĩ Trương Văn Thịnh. Ngày họp mặt cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên (14/3) hằng năm, đại diện gia đình anh Dư, anh Thịnh đều tham dự. Họ đã trở thành những người thân thiết trong đại gia đình cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên.

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nỗi đau của những người mẹ lam lũ
Thứ Bảy, 01/03/2014 14:00 CH
Bỏ việc đồng áng đi “săn” rùa
Thứ Năm, 27/02/2014 14:00 CH
Mê và yêu ong, ong cho mật ngọt
Thứ Bảy, 22/02/2014 14:00 CH
Một thoáng Melaka
Thứ Bảy, 15/02/2014 14:00 CH
Xanh, sạch Singapore
Thứ Bảy, 08/02/2014 14:30 CH
Hơn 35 năm nghề xà ích
Thứ Hai, 03/02/2014 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek