Quanh năm đầu tắt mặt tối mưu sinh, đến một ngày bà mẹ nghèo sững sờ, choáng váng khi hay tin con mình phạm tội. Bà chỉ còn biết kêu trời, rồi tự trách mình đã không quan tâm sát sao, không quản lý giáo dục con đến nơi đến chốn…
Hai con trai bà H trước vành móng ngựa - Ảnh: Y.LAN
TÚNG QUÁ LÀM LIỀU
Nhà nghèo nên việc học hành của N.V.B (SN 1989) bị bỏ dở từ năm lớp 6. Muốn con có một cái nghề để sau này nuôi sống bản thân và gia đình, không phải trông vào mấy sào ruộng nhọc nhằn bấp bênh, bà N.T.H (Tuy An) cố gắng chắt chiu cho B học nghề sửa chữa điện tử. Em trai B là N.T.Y (SN 1991) cũng chỉ học đến lớp 6. Không nghề nghiệp, Y sống với mẹ tại quê nhà, cùng đứa em út 14 tuổi bị bại não, còn B sống ở Sơn Hòa.
Tối 20/4/2013, khi Y đang chở B từ Sơn Hòa về Tuy An chơi, đột nhiên B nói: “Giờ tao cần tiền trả nợ. Mày chở tao đi trên đường, gặp xe nào thì cứ áp sát vô để tao cướp xe”.
Nghe “sáng kiến giải quyết nợ nần” cực kỳ nguy hiểm của anh, đứa em không đồng ý. Nhưng B thuyết phục mãi, rốt cuộc Y cũng làm theo kế hoạch của B.
Đi đến ngã ba thị trấn Chí Thạnh (Tuy An), hai anh em thấy một thanh niên đang chạy chiếc Sirius và lập tức đuổi theo, chặn xe dừng lại. Với cái tuốc-nơ-vít giả làm dao, hai anh em đe dọa nạn nhân và cướp xe. Chia ra hai ngả tẩu thoát, sau đó B, Y gặp nhau tại xã An Thạch rồi cùng mở cốp xe, xem xét “chiến lợi phẩm”. Tài sản lớn nhất trong cốp là cái ví đựng hơn 600.000 đồng cùng một số giấy tờ mang tên P.N.A (SN 1986, ở An Thọ, Tuy An), chính là người thanh niên điều khiển xe. B chia cho em trai 200.000 đồng. Ngày hôm sau, B chạy xe của A vào tận Đồng Nai, thế chấp cho 1 tiệm cầm đồ lấy 7 triệu đồng.
Cứ ngỡ không ai phát hiện được vụ cướp táo tợn trên đường vắng trong đêm, thế nhưng chỉ 5 ngày sau khi gây án, B bị Cơ quan điều tra Công an huyện Tuy An bắt giữ.
Sai lầm tiếp nối sai lầm, sau gần 2 tháng bị tạm giam, lợi dụng lúc được cho ra ngoài để vệ sinh và tắm nắng, B bỏ trốn. Nhưng chỉ đến sáng hôm sau, B bị bắt tại khu vực núi Hòn Chồng thuộc thị trấn Chí Thạnh.
TAND huyện Tuy An xét xử sơ thẩm, tuyên phạt N.V.B tổng cộng 8 năm 3 tháng tù về 2 tội “cướp tài sản” và “trốn khỏi nơi giam giữ”, phạt N.T.Y 4 năm tù về tội “cướp tài sản”. Chiếc mô tô mà hai anh em B, Y dùng để gây án, tòa tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước.
NƯỚC MẮT CỦA NGƯỜI MẸ NGHÈO VÀ SỰ CẢM THÔNG CỦA BỊ HẠI
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà H nhiều lần rơi nước mắt, nhất là khi nghe luật sư Vũ Xuân Hải - người bào chữa cho hai bị cáo - trình bày quan điểm của mình, nhấn mạnh về cảnh nghèo và bệnh tật của hai mẹ con bà. Người mẹ nghèo này trông tiều tụy và già hơn rất nhiều so với tuổi 52. Bà rưng rưng: Cả nhà chỉ biết trông vào 2,3 sào ruộng. Nhưng tui mắc bệnh tim, đứa con út 14 tuổi thì bị bại não; gia đình “chỉ” thuộc diện cận nghèo (ý nói không được hưởng các chính sách dành cho hộ nghèo), khó khăn lắm. Hai anh em nó ở tù, tui không biết phải làm sao”.
Về chiếc xe máy do con trai đứng tên, sử dụng để gây án và bị tòa tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước, bà H rưng rưng: “Tui dành dụm ky cóp mua xe để cả nhà có phương tiện đi lại. Nhưng mà tui mù chữ, cũng đâu có biết đi xe. Tui nghĩ để cho con đứng tên thì cũng đâu ảnh hưởng gì. Ai ngờ…”.
Trong các phiên tòa xét xử án hình sự, do bức xúc trước hành vi phạm tội nên người bị hại thường đề nghị HĐXX tăng nặng hình phạt đối với bị cáo, đồng thời yêu cầu tăng mức bồi thường. Vì vậy, những người tham dự phiên phúc thẩm hôm đó tại TAND tỉnh Phú Yên hết sức ngạc nhiên khi anh P.N.A xin cho bị cáo N.T.Y được hưởng án treo, đồng thời xin tòa không tịch thu sung quỹ chiếc mô tô mà hai anh em B, Y dùng để gây án. Mặt khác, anh A cũng không yêu cầu 2 bị cáo bồi thường thêm dù họ đã chiếm đoạt của anh 621.000 đồng mà chỉ mới bồi thường 292.500 đồng.
Anh A lý giải: “Sau khi vụ án xảy ra, tôi đến gặp gia đình B, Y. Nhà họ ở trên núi, hoàn cảnh rất khó khăn. Mẹ bị cáo mắc bệnh tim, còn em gái của bị cáo thì bị bại não. Thấy hoàn cảnh họ như vậy nên tôi xin tòa cho bị cáo Y được hưởng án treo và xin không tịch thu chiếc xe mà B, Y dùng để gây án, để gia đình cô ấy (mẹ 2 bị cáo - PV) có phương tiện đi lại”.
Sau khi nghị án, HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Phú Yên tuyên y án sơ thẩm. Bà mẹ nghèo của 2 bị cáo bật khóc nức nở. Người bị hại lặng lẽ cùng mẹ và chị bị cáo rời khỏi phòng xử án…
BÀI HỌC THẤM THÍA
Tham dự phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ hiếp dâm trẻ em xảy ra vào tối 10/5/2013 tại Hòa Phong (Tây Hòa) là những ông cha bà mẹ quanh năm lam lũ với đồng ruộng. Vất vả mưu sinh rồi một ngày bàng hoàng đau đớn khi biết con gái mình là nạn nhân trong một vụ hiếp dâm tập thể. Vất vả mưu sinh rồi một ngày tá hỏa khi biết con trai mình là bị can, bị cáo trong một vụ án đặc biệt nghiêm trọng! Những ông cha bà mẹ ngửa mặt kêu trời, rồi tự trách mình đã không quan tâm sát sao, không quản lý giáo dục con đến nơi đến chốn kể từ khi chúng rời ghế nhà trường.
Trong 7 bị cáo đứng trước vành móng ngựa, có 6 bị cáo học đến lớp 9, 1 bị cáo mới học đến lớp 7. Các bị cáo không biết rằng hành vi hiếp dâm trẻ em, nhiều người tham gia thực hiện hành vi đồi bại với 1 người, phạm tội nhiều lần thì sẽ chịu hình phạt rất nặng. Cha mẹ các bị cáo cũng không biết điều đó. Thế nên khi đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng truy tố các bị can: N.V. T, T.N.C, T.L.V, T.N.Q, P.V.G về tội hiếp dâm trẻ em theo điểm b, khoản 3, Điều 112 Bộ luật Hình sự, truy tố các bị can T.N.H, P.Đ.T về tội hiếp dâm trẻ em theo các điểm b, c khoản 3 Điều 112, với khung hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, thì bị cáo và cha mẹ họ choáng váng. Những bà mẹ bật khóc.
Vất vả nhất là gia đình bị cáo P.V.G, người duy nhất trong số 7 bị cáo không bị tạm giam. Cha mẹ làm nông, tần tảo nuôi các con; riêng G bị hư thận, phải chạy thận nhân tạo từ nhỏ. Mẹ G cho biết: “Mỗi tháng nó phải chạy thận từ 2 đến 3 lần”. Số tiền chạy thận hằng tháng lên đến cả triệu bạc, là nỗi lo canh cánh trong lòng cha mẹ G. Giờ đây con trai lại phạm tội. “Con dại cái mang”, họ không biết làm gì hơn là xin gia đình người bị hại tha thứ và chạy vạy, cùng gia đình các bị cáo khác góp tiền bồi thường tổn thất về tinh thần cho người bị hại.
Nhiều ông cha bà mẹ bị cuốn vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn và không còn thời gian để mắt đến con cái. Khi họ nhận ra chuyện cơm áo gạo tiền rất quan trọng, nhưng vẫn không quan trọng bằng việc chăm lo dạy dỗ những đứa con, thì đã muộn màng…
YÊN LAN