Thứ Bảy, 23/11/2024 21:18 CH
Mê và yêu ong, ong cho mật ngọt
Thứ Bảy, 22/02/2014 14:00 CH

Đó là câu chuyện về ông Nguyễn Hữu Vinh ở khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh, Đông Hòa. Năm nay 59 tuổi, ông Vinh đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi ong lấy mật.

 

ong140222.jpg

Ông Nguyễn Hữu Vinh say sưa nói về nghề nuôi ong - Ảnh: V.NGUYỄN

NUÔI THỬ THÀNH THẬT

 

Những năm đầu thập niên 80, ông Vinh từng nghiên cứu và đi tiên phong canh tác thành công nhiều giống cây ăn trái, rau màu trên mảnh vườn nhà mình. Ưa trồng trọt, nhưng chuyện chăn nuôi thì ông Vinh lại không hứng thú nhiều. Vậy mà, “duyên nợ” với con ong đã khiến ông chỉ một lần chứng kiến cảnh người ta nuôi ong lấy mật là lập tức… đam mê. Thế là ông hạ quyết tâm phải học, làm bằng được!

 

Mọi sự bắt đầu vào năm 1988, khi ông Vinh tình cờ gặp ông Hai Khâm, một cán bộ cùng quê đã về hưu. Từng sống, làm việc nhiều năm tại các nông trường vùng trung du trong thời gian tập kết, ông Hai Khâm đã học được nghề nuôi ong mật trên đất Bắc và mang về Nam áp dụng. Kỹ thuật đóng thùng, làm cầu ong, thùng quay mật; kỹ thuật bắt và thuần dưỡng ong hoang… ông Hai Khâm đều nắm khá chắc. Điều kiện tự nhiên ở quê với môi trường sinh thái tốt, nguồn ong hoang dã dồi dào giúp ông Hai Khâm khởi đầu việc nuôi ong mật quy mô gia đình khá thuận lợi. Là người cởi mở, không dấu nghề nên khi thấy ông Vinh (lúc này còn trẻ) say mê với con ong, có nguyện vọng tìm hiểu kỹ thuật nuôi, ông Hai Khâm đã tận tình chỉ bảo. Nắm được quy trình kỹ thật cơ bản ban đầu, ông Vinh bắt tay vào đóng thùng, bắt ong nuôi thử. Và chỉ trong thời gian ngắn, từ nuôi thử thành nuôi thật khi số lượng đàn ong của ông gầy được từ 1 đàn tăng lên 5 đàn, chỉ sau 1 năm.

 

Có được thành công bước đầu, ông Vinh vừa tích cực tìm bắt, thuần dưỡng thêm ong hoang vừa mày mò tìm các tài liệu hướng dẫn nuôi ong lấy mật để nghiên cứu thêm. Tri thức quả lợi hại: tay nghề nuôi ong của ông ngày càng được “nâng cấp” cùng với đó số lượng đàn ong ông sở hữu cũng ngày càng tăng. Từ 1 đàn lên 5 đàn, rồi 10 đàn sau 3 năm nuôi. Ở thời kỳ “đỉnh” của nghề này ông Vinh sở hữu gần 50 đàn ong. Một con số đáng nể!.

 

CẤT CÔNG TẠO THU NHẬP

 

Nuôi ong lấy mật quy mô gia đình khác nhiều với kiểu nuôi ong lấy mật quy mô công nghiệp. Nuôi ong theo hướng công nghiệp người ta thường sử dụng giống ong nhập ngoại (cho sản lượng mật cao). Nhược điểm của loại ong này là kiếm ăn không giỏi, chống chịu bệnh tật và các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết kém. Ong được nuôi tập trung, được chạy bãi (giống như vịt chạy đồng) để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên vào mùa khai thác mật. Thời điểm trái vụ, nguồn thức ăn ngoài tự nhiên khan hiếm, chủ nuôi phải cho ong ăn thêm. Bệnh tật, phải can thiệp bằng thuốc men, hóa chất.

 

ong-140222.jpg

Ông Vinh theo dõi đàn ong - Ảnh: V.NGUYỄN

Còn nuôi ong lấy mật quy mô gia đình theo kiểu truyền thống như ông Vinh thì gần như trái ngược hoàn toàn. Nguồn giống là ong hoang dã nội địa. Địa bàn nuôi phân tán. Ví dụ, với 50 đàn ong, ông Vinh phải phân ra, gửi nhà người quen ở địa phương cách xa nhau. Tiếng phân tán nhưng lại là phân tán cố định; đàn nào yên vị ở đâu thì gần như thường trực, cắm chốt ở đó; chỉ bất đắc dĩ khi có sự cố mới di chuyển. Cách nuôi này gần giống 90% với kiểu sống của ong hoang dã trong tự nhiên; bởi ngoài việc ở… cái chuồng do người thiết kế thì các phần việc còn lại để tồn tại đàn ong đều phải “tự thân vận động”. Thi thoảng có sự cố hoặc bệnh tật, chủ nuôi cũng chỉ xử lý bằng các phương pháp thủ công, không can thiệp thuốc men, hóa chất. Và cũng không hỗ trợ thức ăn thêm - kể cả vào mùa mưa bão, khan hiếm thức ăn! Ông Vinh bảo: So với ong ngoại nhập, ong nội là “thổ dân bản địa”, quen môi trường nên ít bệnh tật; lại kiếm ăn giỏi, siêng năng nên cơ may tồn tại qua những thời kỳ khắc nghiệt trong năm luôn rất cao.

 

Nghe ông kể chi tiết hơn mới biết, hóa ra việc nuôi ong cũng không phải dễ mà được ăn… mật ngọt. Nghề nuôi ong, theo ông Vinh, nói nôm na là chiếm dễ giữ khó. Cái khó nhất của nghề này không phải là bắt, thuần dưỡng để sở hữu một đàn ong mà là giữ cho đàn ong ấy tồn tại và phát triển. Muốn làm được, làm tốt điều này phải nắm rõ tập tính của loài ong, phải biết các quy trình kỹ thuật xử lý từng tình huống cụ thể, phải thường xuyên gần gũi, quan sát kỹ lưỡng hoạt động của từng đàn ong. Đôi khi, còn phải đủ nhạy cảm để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố… Ông Vinh nói gọn: “Muốn nuôi ong thành công phải thực sự đồng hành cùng ong!”.

 

Khi hỏi về lợi nhuận do nuôi ong mang lại, ông Vinh cho biết: Cứ mỗi đàn ong đủ chuẩn, trung bình một mùa khai thác mật (từ tháng Giêng đến tháng 8) thu được khoảng 5 lít mật. Giá mật hiện nay trên thị trường 400.000 đồng/lít, như vậy bình quân mỗi năm ông Vinh thu được 2 triệu đồng/đàn ong; bao nhiêu đàn cứ vậy mà nhân lên. Mấy năm gần đây, do nhiều yếu tố bất lợi, số lượng đàn ong của ông Vinh đã giảm nhiều. Hiện tại, ông chỉ còn 14 đàn, trong đó 12 đàn đủ chuẩn để lấy mật. Với số lượng đàn ong này ông chỉ nuôi trong vườn nhà và gửi vài ba nơi, không phải hàng chục nơi như thời “đông quân”! Ấy vậy nhưng nguồn thu tay trái này của ông vẫn tròm trèm 24 triệu đồng/năm, tức 2 triệu đồng/tháng. So với mức thu nhập hiện nay của người nông dân thì nguồn thu này không nhỏ!.

 

QUYẾT TÂM NHÂN ĐÀN

 

Tại sao số lượng đàn ong của ông lại “tụt dốc” dữ vậy?, tôi hỏi. “Do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do tôi bận nhiều việc đột xuất, không đủ thời gian theo dõi, quản lý sinh hoạt của các đàn ong nên tỉ lệ hao hụt, thất thoát do ong chia đàn, do thiên địch và cả do… trộm cắp tăng lên. Thứ hai, do nguồn ong hoang dã bắt được trong tự nhiên để bổ sung ngày càng hiếm. Thời mới khởi nghiệp, mỗi năm, bình quân tôi bắt được khoảng 5 đến 10 đàn ong hoang. Bây giờ thì chuyện đó chỉ còn… trong mơ. 3 năm trở lại đây hầu như không bắt thêm được đàn nào…”, ông Vinh nói vẻ ngậm ngùi. Vậy không có giải pháp nào thay thế cho việc bắt ong hoang dã sao? “Có chớ! Tôi đang nỗ lực tăng lại số đàn ong bằng giải pháp nhân đàn, chia đàn. Nhưng việc này cần phải có thời gian và cũng cần cả sự hy sinh lợi nhuận!”, ông Vinh cười. Nghe ông giải thích kỹ hơn tôi mới hiểu với những đàn ong sử dụng vào mục đích nhân - chia đàn thì mùa này ta không được khai thác mật; phải dành “lương thực” để chúng có đủ cái ăn mà tập trung sinh nở, nuôi ong non, nhanh chóng phục hồi “quân số” chuẩn bị cho mùa mật sau…

 

Cũng câu chuyện đồng hành cùng ong, tìm hiểu sâu hơn, tôi còn biết thêm một chi tiết khá bất ngờ và thú vị. Ấy là nói đến nghề nuôi ong lấy mật kiểu truyền thống quy mô hộ gia đình trên địa bàn huyện Đông Hòa, ông Vinh không phải là người duy nhất, nhưng đồng hành cùng ong đến gần 30 năm và hiệu quả, thành công thì ông là người duy nhất! Khi được hỏi bí quyết thành công, ông Vinh cười: “Bí quyết thì không có, giỏi hơn người khác càng không. Nhưng có lẽ do tôi… yêu lũ ong nhiều hơn những người nuôi khác! Khi anh thật lòng yêu thương, gần gũi ai thì sẽ đồng hành cùng họ được thôi…”.

 

VĂN NGUYỄN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một thoáng Melaka
Thứ Bảy, 15/02/2014 14:00 CH
Xanh, sạch Singapore
Thứ Bảy, 08/02/2014 14:30 CH
Hơn 35 năm nghề xà ích
Thứ Hai, 03/02/2014 11:00 SA
Tết giữa rừng Dốc Mõ
Chủ Nhật, 02/02/2014 11:00 SA
Đầu xuân gặp gỡ các anh hùng
Thứ Sáu, 31/01/2014 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek