Sau những năm tháng đương đầu với giông tố trên biển Đông, anh Nguyễn Văn Dũng trở về quê hương với cái chân suýt bị cưa bỏ, trọng lượng cơ thể chỉ còn 36kg. Người thương binh ấy đã sống như Robinson trong một cái chòi xếp bằng đá ở bãi Tiên (TP Nha Trang, Khánh Hòa), ngày ngày tập đi bằng nạng gỗ, tìm lại phản xạ cho đôi tay, đôi chân. Từ cái chòi đá, anh xây dựng nên Lữ quán Thiên Phước, trở thành chủ một doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho cộng đồng.
Anh Nguyễn Văn Dũng - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
CHẾT HỤT
Sau một thời gian làm nhiệm vụ ở cụm đảo Sinh Tồn và tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền, anh lính thông tin Nguyễn Văn Dũng cùng đồng đội trở về đơn vị ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Đầu tháng 3/1988, đang bị viêm họng, anh được lệnh ra đảo Gạc Ma. Nghe người lính thông tin báo cáo nhận nhiệm vụ với giọng khàn đặc, thủ trưởng thấy không ổn, bèn điều một người lính thông tin khác tên là Phan Tấn Dư ra đảo. Ba ngày sau, đơn vị nhận được tin: 64 người lính hải quân đã hy sinh tại đảo Gạc Ma, trong trận chiến ngày 14/3/1988, trong đó có anh Phan Tấn Dư. Anh Dũng ngậm ngùi: “Tôi nghĩ anh Dư chết thay mình”.
Một thời gian sau khi đồng đội hy sinh, anh Dũng nhận lệnh ra đảo và đạn của kẻ địch đã xuyên vào cơ thể anh. Hôn mê gần nửa tháng trời, đến khi tỉnh lại, anh kinh ngạc khi biết rằng mình đang ở Viện Quân y 175, TP Hồ Chí Minh.
Mất đến 6 tháng điều trị, anh Dũng mới bình phục. Trở về, anh được đơn vị phân công ra đảo Nam Yết và bám trụ ở đây trong 18 tháng. Trên đảo có cột ăng-ten do chế độ cũ để lại, cao gần 10m. Ngày nọ, khi anh đang vắt vẻo trên cột ăng-ten để sửa chữa thì nó đổ sập do phần đế đã mục. Rơi từ trên cao xuống, vỡ xương chậu, gãy chân, anh Dũng được bác sĩ quân y sơ cứu rồi chờ cho tới khi có tàu từ đất liền ra đảo để trở lại Viện Quân y 175.
Bị nhiễm trùng nặng, anh Dũng suýt phải cưa chân. Nhờ lòng tốt của một bác sĩ quân y tên Thanh vừa từ Campuchia trở về, anh được ông ấy đưa ra Hà Nội, điều trị tại Bệnh viện 103. Giữ được chân cho anh Dũng song những người thầy thuốc không thể lạc quan về tương lai của người thương binh này. Họ nghĩ rằng rồi đây, trong suốt quãng đời còn lại của mình, anh Dũng sẽ phải dựa vào người khác mà sống.
“PHÉP MÀU”
Xuất ngũ, anh Nguyễn Văn Dũng trở về Vĩnh Hòa (TP Nha Trang, Khánh Hòa) với cơ thể chỉ nặng chừng 36kg, tay chân gần như mất hết phản xạ. Tỉ lệ thương tật lên đến 61%, anh đi đứng cực kỳ khó khăn. Quyết không trở thành gánh nặng cho mẹ già, anh chọn một nơi vắng vẻ để tập đi bằng nạng gỗ và tìm lại phản xạ cho đôi tay, đôi chân. Đó là bãi Tiên ở Vĩnh Hòa. Nơi này có rất nhiều đá và anh Dũng bê đá để luyện tập đôi tay. Anh xếp đá thành một cái chòi và sống trong chòi. Gần chòi có một con suối, cung cấp cho anh nước ngọt. Điện không có thì anh dùng đuốc. Đồng đội, bạn bè đến chơi, bảo chỗ này lý tưởng để mở một cái quán nhỏ dành cho những người muốn tạm quên phố xá ồn ào. Thấy bạn nói có lý, dù không một đồng vốn trong tay nhưng anh thương binh Nguyễn Văn Dũng vẫn nung nấu ý định kinh doanh.
Năm 1993, một lữ quán được dựng lên tại Bãi Tiên, anh Dũng lấy tên là Thiên Phước. Cảm phục người thương binh hiền lành chịu khó, những ngư dân hay ghé lại nơi này bán chịu hải sản cho anh. Đồng đội, bạn bè rủ nhau đến ủng hộ anh, sau đó thì dân trong phố tìm đến ngôi quán nhỏ lúc nào cũng có hải sản tươi ngon, giá cả lại rất bình dân. Sau khi TP Nha Trang mở con đường Phạm Văn Đồng đi qua Bãi Tiên, việc kinh doanh ở Lữ quán Thiên Phước càng thuận lợi.
Có vốn, anh Dũng xây dựng nhà hàng, xây cả một đoạn kè chắn sóng, làm cầu phao và mua canô. Năm 2004, với 1,5 tỉ đồng, anh thành lập DNTN Văn Dũng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thể thao giải trí trên biển. Mấy năm sau, vốn đầu tư được nâng lên 5 tỉ đồng. Doanh nghiệp của anh giải quyết việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ, trong đó có 6 người là con của cựu chiến binh, 2 người không nơi nương tựa, 1 người tàn tật. Phùng Xuân Thu, một thanh niên từng trải qua trận sốt bại liệt và bị tật ở chân, cử nhân Công nghệ thông tin, đang là người quản lý Lữ quán Thiên Phước. Xuân Thu chia sẻ: “Tôi thấy chú Dũng có gì đó hơn hẳn những người bình thường. Tôi rất khâm phục chú - một thương binh đi lên từ hai bàn tay trắng”.
Từng đương đầu sóng dữ trên biển Đông, từng đứng giữa lằn ranh sinh tử nên doanh nhân Nguyễn Văn Dũng rất tích cực hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và các hoạt động xã hội từ thiện với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. “Đồng đội tôi có những người không bao giờ trở về; tôi còn sống được đã là may mắn. Tôi nghĩ giúp được gì thì giúp cho những người có hoàn cảnh giống mình” - anh thổ lộ.
Từ hai bàn tay trắng gầy dựng lên cơ ngơi trị giá hàng tỉ đồng và có nhiều đóng góp cho cộng đồng, anh Nguyễn Văn Dũng trở thành một trong những tấm gương thương binh vượt khó làm giàu, được trao Cúp vàng dành cho doanh nhân - cựu chiến binh xuất sắc trên mặt trận kinh tế thời mở cửa và đã 5 lần được chọn để báo cáo điển hình trong cả nước.
Lữ quán Thiên Phước nhìn từ biển - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
TÌM GIA ĐÌNH ĐỒNG ĐỘI BẰNG… CARD VISIT
Chưa bao giờ quên đồng đội trong những năm tháng canh giữ đảo đầy gian khổ khốc liệt, đặc biệt là liệt sĩ Phan Tấn Dư nên khi cuộc sống đã ổn định, anh Dũng ra Phú Yên tìm gia đình liệt sĩ này. Do không biết địa chỉ cụ thể trong khi vùng nông thôn của Phú Yên thì rộng lớn nên dù anh đã đi năm lần bảy lượt nhưng vẫn hoài công.
Anh thương binh sinh năm 1966 này bèn nghĩ ra một cách: ghi thông tin lên card visit và trao cho bất kỳ người dân xứ “Nẫu” nào mà anh gặp. Bữa nọ, một người đàn ông tên Lý bước vào Lữ quán Thiên Phước. Anh Dũng nghe giọng nói Phú Yên liền đến làm quen, hỏi thăm và gởi card visit có dòng chữ ở phía sau: “Tôi muốn tìm gia đình Phan Tấn Dư ở Tuy Hòa, hy sinh ở Trường Sa”. Thật bất ngờ, người đàn ông đó nói: “Tôi biết ở xã Hòa Phong có người hy sinh tại Trường Sa”.
Vừa khấp khởi mừng vừa hồi hộp, anh Dũng thu xếp công việc, về Hòa Phong (Tây Hòa). Khi anh tìm đến nhà liệt sĩ Phan Tấn Dư và xin thắp nén nhang, mẹ liệt sĩ - trong nỗi đau không gì bù đắp được - cứ ngỡ anh là đứa con trai mà mình cạn nước mắt khóc thương đã từ cõi chết trở về. Khi biết đây là đồng đội của con, đã nhiều lần lặn lội về Phú Yên tìm gia đình con, mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư xem anh Dũng như con ruột, và anh cũng xem bà như người mẹ thứ hai của mình. Từ đó đến nay, hàng năm, vào ngày giỗ liệt sĩ Phan Tấn Dư, Tết Nguyên đán và ngày họp mặt cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên (14/3), anh Dũng đều về thắp hương cho liệt sĩ Phan Tấn Dư, thăm mẹ, tặng quà và an ủi mẹ. Ngày họp mặt cựu chiến binh Trường Sa năm nay, anh Dũng huy động và tặng 4 sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng) cho 4 gia đình liệt sĩ hy sinh vào ngày 14/3/1988, trong đó có gia đình liệt sĩ Phan Tấn Dư. Đó tấm lòng của người lính thông tin trở về từ muôn trùng sóng dữ đối với những đồng đội đã ngã xuống trên đảo Gạc Ma, đã hòa máu đỏ vào đại dương bao la để bảo vệ phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Anh thương binh - doanh nhân Nguyễn Văn Dũng mong có một lần được trở lại Trường Sa, thả một vòng hoa cho những đồng đội đã mãi mãi nằm trong lòng biển cả…
PHƯƠNG TRÀ