Thứ Bảy, 23/11/2024 22:14 CH
Tết giữa rừng Dốc Mõ
Chủ Nhật, 02/02/2014 11:00 SA

Nhà cách mạng tiền bối Lê Văn Hiền - một người con ưu tú của quê hương Phú Yên đã từng kinh qua các cương vị Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quyền Bí thư Khu ủy khu 6, Quyền Chính ủy Quân khu 6… là đại biểu chính thức dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951) ở chiến khu Việt Bắc, lần thứ III (1960) ở Hà Nội và lần thứ IV, V, VI sau hòa bình, là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV, V.

“Tết giữa rừng Dốc Mõ” là một đoạn hồi ký đầy cảm xúc của ông nhớ về những ngày đầu xuân 1946.

hien140128.jpg

Đồng chí Lê Văn Hiền - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận (ảnh chụp năm 1951)

Chúng tôi đi theo đường núi - phía Dốc Mõ - để bảo đảm an toàn. Đường trở ra xa vời vợi, núi non, đồi trảng trập trùng. Lần đầu tiên tôi hòa mình trong đoàn người - cả cán bộ và mấy anh bộ đội - cứ cắt rừng, men núi mà đi tới. Chưa ai có thể nói chắc: Mấy ngày sẽ tới nơi. Cũng không ai dám nói là sẽ an toàn tuyệt đối, không xảy ra “sự cố” gì ở dọc đường. Có người địa phương dẫn đường, cứ đi đã, đến đâu tính đến đó, bây giờ có lo trước cũng không được.

Mặc một chiếc quần soóc, áo sơ mi vải - cái “mốt” của thời kỳ ấy - vai đeo cái túi nhỏ, tôi hăng hái cùng đoàn người bước từng bước trong núi rừng âm u. Cả đoàn, không ai có lương thực dự trữ. Tôi cũng vậy, gạo không một lon buộc ngang lưng. Thật là lãng mạn hết chỗ nói. Ấy thế mà vui, mà tin, sự may mắn có thể đang chờ ở phía trước. Đường rừng quanh co, khúc khuỷu, thỉnh thoảng lại gặp suối và tiếng chim hót thì không đếm được, đủ các giọng, các bè. Tuổi trẻ vốn vô tư, có nghĩ cái gì “quan trọng” cũng chỉ là thoáng qua, nên thú thật, tôi thanh thản bước, không có “vấn đề” gì quá bận lòng.

Đoàn chúng tôi vừa đi vừa phát cây, mở đường. Đói và mệt, nhưng phải đi tới. Vắt khá nhiều, chúng bám vào chân rúc vô nách, hút máu no căng. Nhiều anh - trong đó có tôi - không có mền. Đêm lót ổ lá khô nằm, đốt một đống lửa cho ấm và cũng để “hun” muỗi. Mấy ngày đầu, chúng tôi gặp may được đồng bào cho cơm vắt, bánh tráng; nên anh nào cũng ăn căng bụng. Nhưng không phải ngày nào cũng gặp may. Những ngày không có cơm, chúng tôi lượm quả rừng, lấy củ thơm (gốc dứa) ăn tạm. Đêm nằm, có anh rất mệt sau một ngày đi đường, nhưng vẫn vỗ bụng hát nghêu ngao. Nghe tiếng hát, chúng tôi bảo nhau: “trong cảnh này, đói bụng cũng khổ, mà thiếu tiếng hát cũng khổ”.

Một hôm, vào giữa trưa chúng tôi tới Suối Dầu. Anh Nguyễn Văn Minh đói lả, bước không vững, trượt chân, ngã xuống suối. Tôi hoảng quá, nhảy đại xuống suối, kéo được anh Minh lên. Tôi mang “hành lý” cho anh, chống gậy mà lấn bước. Đoàn chúng tôi ăn tết ở dọc đường. Nói đúng hơn là chúng tôi ăn tết trong một cánh rừng thuộc hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Đó là một cái tết suông: không bánh, không thịt, không pháo, không cả thuốc lá. Chỉ có hoa rừng, nước suối, trái ngọt và vị đắng của cây, củ thơm… Dù sao, vẫn được an toàn giữa rừng đại ngàn, xung quanh là núi đồi che chở.

Khi đống lửa được đốt lên, củi khô nổ lép bép, tôi nằm nhớ nhà da diết. Không màn, không võng, nằm co trong ổ lá khô, nhắm mắt lại mà tưởng tượng. Ba ngày tết, nhà tôi tuy nghèo, vẫn có đòn bánh, nồi thịt và cả nhà quây quần đầm ấm. Làng xóm bây giờ chắc cũng vui, bà con gặp mặt, chúc nhau những lời tốt đẹp nhất. Riêng tôi nằm đây, xa nhà, xa quê hương, xa bà con họ hàng. Nhưng “cuộc đời chiến sĩ” phải trải qua gian nan mới có thể trưởng thành.

Tôi nhìn xung quanh, mấy anh bộ đội đang nằm đó. Mặt trận vỡ, lạc đơn vị, các anh đang tìm đường trở về với đồng đội, tiếp tục cầm súng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Quen nhau trên một chặng đường, lại là một chặng đường gian khổ, đói và khát, mệt nhọc và hiểm nguy, nên dễ thân nhau, gần gũi nhau, tin cậy nhau. Các anh là những người xa nhà, xa quê, chắc lòng dạ cũng như tôi. Và tôi cũng không “dự kiến” được điều này: chỉ mấy năm sau, trên cương vị chính trị viên Tỉnh đội Ninh Thuận, tôi trở thành đồng đội thân thiết của các anh.

Tôi lại nghĩ về anh Nguyễn Văn Minh, phái viên của Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ nặng nề là đi kiểm tra các mặt trận thuộc chiến trường Nam Trung Bộ; tuổi anh lớn hơn tôi, lại chưa quen địa bàn ở đây, nên có phần vất vả. Chuyến đi của anh bị “tắc” lại ở Vạn Ninh, khi quay về không có xe đón, anh phải trèo núi, luồn rừng, vượt suối, băng đồi, chắc là anh quá mệt, lại đói nữa. Nhiều bữa chỉ ăn hoa quả, củ rừng thay cơm. Người ta nói chiến sĩ ra trận nhiều lúc gánh không hết khó khăn nơi đôi vai. Tôi nghiệm thấy đúng. Nói chung đã vào nơi bom đạn thì hiểm nguy không thể lường. Mà chiến trường miền Trung - nhất là vùng cực nam thì gian khổ, thử thách - có thể gian khổ hơn các chiến trường khác. Điều này là do những yếu tố khách quan chi phối, chứ không thể ngồi một chỗ mà tưởng tượng viễn vông được.

Tết Bính Tuất năm ấy, mùa xuân đầu tiên kháng chiến năm ấy, có một đoàn trai trẻ, người bốn phương họp lại, thiếu thốn đủ thứ, ăn tết ở dọc đường. Phải chăng đây là hạnh phúc dành cho tuổi trẻ, mà một đời người dễ đã mấy khi được “hưởng thụ”. Với tôi, đây là một kỷ niệm khó quên, khó phai mờ.

Hồi ký của LÊ VĂN HIỀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đầu xuân gặp gỡ các anh hùng
Thứ Sáu, 31/01/2014 11:00 SA
Tiếng gọi làng quê
Thứ Bảy, 25/01/2014 14:00 CH
Người Phú Yên trên đảo Phú Quý
Thứ Bảy, 18/01/2014 07:26 SA
Mưu sinh trên đất nước vạn đảo
Thứ Bảy, 11/01/2014 14:05 CH
Muôn nẻo chuyện cưới
Thứ Tư, 01/01/2014 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek