Thứ Bảy, 23/11/2024 23:45 CH
Đầu xuân gặp gỡ các anh hùng
Thứ Sáu, 31/01/2014 11:00 SA

Trong chiến đấu, khi đối mặt với kẻ thù xâm lược họ sẵn sàng giành lấy cái chết, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. May mắn sống sót, trở về với đời thường trên mình còn lắm vết thương, họ là những người ông, người cha, là những công dân, cựu chiến binh… mẫu mực, xứng danh là Bộ đội Cụ Hồ, lính Tướng Giáp.

 

dau-xuan-gap-go-1.jpg

Anh hùng Hồ Đắc Thạnh cùng các cháu ngoại.

ANH HÙNG TÀU KHÔNG SỐ

 

“Năm mươi năm một chặng đường”, đó là quãng thời gian mà Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng Tàu 41 Đoàn tàu Không số - đơn vị 2 lần được tuyên dương Anh hùng LLVT, hiện là Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi khu phố Chu Văn An (phường 5, TP Tuy Hòa) tham gia cách mạng và cũng là tựa đề của cuốn sách mà ông đã tặng tôi trước thềm năm mới này. Trong ngôi nhà có khoảng sân rộng với nhiều cây cảnh, rất hợp với người cao niên; vẫn đôi mắt sáng, mái tóc bạc màu thời gian, nụ cười hiền, giọng hào sảng còn phảng phất của một thời “ăn sóng nói gió”, ông thổ lộ: “Năm 16 tuổi mình cầm súng đi chiến đấu. Thời chống Pháp mình là lính bộ binh (Tiểu đoàn 375, Tỉnh đội Phú Yên), thời chống Mỹ là lính hải quân. Dù là lính bộ hay lính thủy cũng là Bộ đội Cụ Hồ, lính Tướng Giáp. Dĩ vãng chiến tranh đè nặng trên vai suốt một thời trai trẻ, nhưng mình không bao giờ hối tiếc, bởi phần đời đáng sống nhất đã sống rồi”.

 

Hơn 50 năm tham gia cách mạng, làm Bộ đội Cụ Hồ, lính Tướng Giáp, tên tuổi của ông gắn liền với những chuyến tàu Không số, với huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển. Từng trực tiếp chỉ huy vận chuyển hàng chục chuyến hàng chở vũ khí, thuốc men, lương thực… vào Nam, sự sống và cái chết chỉ cách nhau như đường tơ kẽ tóc, nhưng ấn tượng sâu đậm nhất trong ông là những lần đưa hàng vào bến Vũng Rô. Ông kể: Chuyến đầu tiên tàu cập bến Vũng Rô vào ngày 29/11/1964. Chuyến thứ 2 vào ngày 25/12/1964, ngoài vũ khí cùng 4 cán bộ chi viện, tàu còn mang theo 3 tấn gạo ngon cho đơn vị bến. Ngay khi vừa về đến Hải Phòng, Tàu 41 lại được lệnh đi chuyến thứ 3 để vào đến Vũng Rô đúng giao thừa Ất Tỵ 1965, nhằm tranh thủ sơ hở của địch. “Tôi nói với anh em thủy thủ sẽ đón tết ở Vũng Rô. Khi kiểm tra công tác chuẩn bị, đến khoang hàng hai, tôi gặp một hòm gỗ đậy kín không có trong danh mục xuất kho, bên ngoài có hàng chữ đậm nét “Quà đón Xuân, vui Tết”. Thì ra, anh em chuẩn bị cả bánh tét, kẹo, bánh, trà, thuốc lá, có cả bia và một cành đào Nhật Tân sum suê hoa lá bằng số tiền dành dụm được” - Anh hùng Hồ Đắc Thạnh kể lại. Cũng trong cái tết rất đặc biệt ấy, đã diễn ra một sự kiện ghi dấu trong đời ông và những người lính biển Tàu 41, mà mỗi khi nhớ về những chuyến tàu Không số, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh đều bùi ngùi xúc động. Đó là hình ảnh một nữ chiến sĩ bốc một nắm đất đưa cho ông và nói: “Em xin gửi các anh nắm đất Vũng Rô, mảnh đất chịu nhiều gian khổ, giặc càn đi quét lại nhiều lần vẫn kiên trung, bất khuất”. Nắm đất ấy được lưu giữ mãi đến ngày nay trong Nhà truyền thống của Lữ đoàn 125 Hải quân. Người nữ chiến sĩ đó là bà Nguyễn Thị Tảng, người Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa), hiện ở An Dân (Tuy An).

 

dau-xuan-gap-go-2.jpg

Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thành Cượng và cháu nội Lê Việt Cường - Ảnh: XUÂN HIẾU

Sau khi về hưu, trở về với đời thường, ngoài thời gian dành cho gia đình, các cháu ngoại và chăm sóc cây cảnh, toàn bộ thời gian còn lại Thuyền trưởng Tàu 41 Hồ Đắc Thạnh dành hết cho hoạt động của Hội Người cao tuổi. Ngoài giữ “chức” Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi khu phố đã hơn 10 năm, ông còn là Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn 375 và Trưởng ban liên lạc họ Hồ ở Phú Yên. Nhờ có ông làm “thuyền trưởng” mà những người cao tuổi trong khu phố luôn được cập nhật thông tin thời sự, được về nguồn thăm các di tích lịch sử, vùng căn cứ cách mạng năm xưa, biết được Nhà thờ Bác Hồ, Hội trường Mùa Xuân, Bến Vũng Rô… và được động viên, thăm viếng khi trái gió trở trời… Chi hội do ông làm Chi hội trưởng mọi thứ đều hơn hẳn chi hội bạn cùng điều kiện, nhiều lần được khen thưởng, biểu dương. Một điều khiến ông mãi canh cánh trong lòng, đó là cho đến nay vẫn chưa xác định được phần mộ của hai người đồng đội đã anh dũng hy sinh khi vận chuyển vũ khí vào Đức Phổ (Quảng Ngãi). Đó là: Thuyền phó Tàu 41 Dương Văn Lộc, quê Núi Thành (Quảng Nam) người vừa được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và Thủy thủ trưởng Trần Nhợ, quê Phù Cát (Bình Định). Anh hùng Hồ Đắc Thạnh bày tỏ lòng mình: “Hôm nay cuộc sống dẫu còn khó khăn, nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được quên những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường hoặc hy sinh một phần xương máu để đổi lấy ngày hôm nay. Hãy sống xứng đáng với họ!”

 

ANH HÙNG ÐẶC CÔNG

 

Ngày 8/1/1954 khi vừa tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc chàng thanh niên Lê Thành Cượng (quê Phú Lâm, Tuy Hòa) lên đường nhập ngũ … Trải qua nhiều đơn vị, tham gia hàng chục trận đánh trên khắp các chiến trường Quân khu 5, đến năm 1967, thời điểm chiến tranh ác liệt nhất ở miền Nam ông là bộ đội Đặc công  409 Quân khu 5.

 

dau-xuan-gap-go-3.jpg

Anh hùng Hồ Đắc Thạnh chăm sóc vườn hoa.

Trong hàng chục trận đánh vào sinh ra tử từ 1967 -1975, như trận đánh sân bay Chu Lai (Quảng Nam), cứ điểm An Lão (Bình Định), sân bay Aria (Kon Tum)… mỗi lần ra trận là mỗi lần thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhưng trong ông, nhớ nhất là trận đánh đồn Xã Đốc. Đây là trận đánh do ông trực tiếp chỉ huy. Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thành Cượng kể: Căn cứ đồn Xã Đốc nằm ở một vùng núi hiểm trở bên dòng sông Tranh, phía tây nam huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). Giữa năm 1970 Mỹ đổ quân lập đồn kiên cố, làm cánh tay nối dài cho căn cứ Chu Lai, gây nhiều khó khăn và bất lợi cho ta. Như “cái gai trong mắt”, theo sự chỉ đạo và mệnh lệnh của cấp trên, Tiểu đoàn Đặc công 409 đã lên kế hoạch và hạ quyết tâm phải “nhổ” cho bằng được cái gai này.

 

Sau 8 tháng chuẩn bị, đêm 27/3/1971, Tiểu đoàn Đặc công 409 với 91 tay súng, gồm AK, B40, B41 và thủ pháo lựu đạn, do ông trực tiếp chỉ huy, chia làm nhiều mũi bí mật tập kích đồn Xã Đốc. Trước đó, Biệt kích Mỹ tung ra thăm dò và đến gần vị trí tập kết của ta nhưng với tài ngụy trang của Đặc công 409 nên chúng không phát hiện ra gì.

 

Vòng vây càng lúc càng thêm siết chặt. Các mũi tiến công “nín thở” chờ đến giờ G. Đúng 0 giờ 45 phút ngày hôm sau, lệnh công đồn được phát ra - súng nổ vang. Lập tức bộc phá, tiểu liên AK và hỏa lực B40, B41 của ta liên tục dội vào cứ điểm đồn Xã Đốc. Các chiến sĩ đặc công thần tốc đánh phủ đầu giặc Mỹ, nhanh chóng hạ từng mục tiêu. Vì bị động, bất ngờ bọn lính Mỹ giữ đồn không kịp trở tay, hỗn loạn như ong vỡ tổ và hoàn toàn tê liệt trước đòn tấn công như vũ bão của bộ đội ta. Trong vòng chưa đầy 30 phút, Đặc công 409 đã xóa sổ toàn bộ các mục tiêu. Trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, thắng lợi tuyệt đối, quân ta không có thương vong. Sau khi làm chủ trận địa, ta chủ động rút quân về hậu cứ an toàn, để lại trên mỏm đồi yên ngựa đồn Xã Đốc 350 xác lính Mỹ, thuộc Tiểu đoàn 1 Lữ đoàn 196 Sư đoàn American, đồng thời phá hủy nhiều loại vũ khí tối tân.

 

Chiến thắng oanh liệt đồn Xã Đốc đã diệt gọn một tiểu đoàn quân Mỹ. Đây cũng là trận tiêu diệt lính Mỹ nhiều nhất trên chiến trường Quân khu 5 và miền Nam Việt Nam nói chung; là cột mốc quan trọng tạo thế và lực cho huyện Trà My củng cố chính quyền cách mạng, tạo hành lang chiến lược quan trọng trong cuộc hành quân thần tốc của quân Giải phóng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

 

Sau ngày đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà, anh lính đặc công chỉ huy trận đánh đồn Xã Đốc năm nào trở thành Phó chính ủy Tổng trại 5 (Quân khu 5) đứng chân ở Sơn Hà (Sơn Hòa), rồi Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 5, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư 859, Chủ nhiệm Chính trị Sư 860 hai lần được ưu tiên cấp nhà ở thành phố nhưng ông đều từ chối. Về nghỉ hưu năm 1988 với quân hàm đại tá khi đang là Sư phó Chính trị 860, nhưng anh Bộ đội Cụ Hồ Lê Thành Cượng vẫn chưa thôi công tác. Được bầu làm Chủ tịch Mặt trận, tiếp đó là 2 nhiệm kỳ làm Bí thư Đảng ủy thị trấn Phú Lâm (huyện Tuy Hòa cũ), ông còn có trọng trách: nuôi vợ (nguyên là y tá Đặc công 409), nuôi con. Ngoài thuê hơn 1ha ruộng để trồng lúa, trồng thêm hoa màu ở soi ven sông Ba, ông còn sắm cả cộ bò để kéo. Nhờ đó mà ông đã xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang, nằm cạnh cây xăng ở khu phố 3, phường Phú Thạnh. Năm 2012, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân. “Những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Thành Cượng với LLVT Quân khu 5, là tấm gương sáng ngời để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ noi theo”- Thiếu tướng Nguyễn Long Cáng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 5 đã phát biểu tại lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho đại tá Lê Thành Cượng, ngày 1/9/2012 tại TP Đà Nẵng.

 

Tết này, Anh hùng Lê Thành Cượng bước sang tuổi 81. Do hàng chục lần bị bom đạn “ghé thăm”, thường xuyên đau nhức mỗi khi trái gió trở trời và hai lần bị tai biến, đôi chân đã yếu nên ngày ngày ông chỉ chống gậy đi trong nhà, nằm xem ti vi; thứ bảy, chủ nhật thì chuyện trò với con cháu. Công trạng đầy mình, được phong Anh hùng, nhưng khi hỏi về thành tích, chiến công, ông bảo đó là thành tích, chiến công của tập thể, của đơn vị. Hỏi về những kỷ vật trong chiến tranh, ông cũng bảo “nó là của đơn vị nên để lại hết cho đơn vị, khi rời quân ngũ mình không mang theo thứ gì về nhà, ngoài tình đồng chí, đồng đội”. Điều ông hạnh phúc nhất ngoài danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước đã dành cho ông và cũng là cho Đặc công 409, là tất cả 5 người con (2 trai, 3 gái) của ông đều đã nên bề gia thất; trong 9 đứa cháu, có 1 cháu đích tôn mới hơn 4 tháng tuổi.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tiếng gọi làng quê
Thứ Bảy, 25/01/2014 14:00 CH
Người Phú Yên trên đảo Phú Quý
Thứ Bảy, 18/01/2014 07:26 SA
Mưu sinh trên đất nước vạn đảo
Thứ Bảy, 11/01/2014 14:05 CH
Muôn nẻo chuyện cưới
Thứ Tư, 01/01/2014 15:00 CH
Khúc cua… bò gù
Thứ Bảy, 21/12/2013 07:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek