Chủ Nhật, 24/11/2024 00:05 SA
Người Phú Yên trên đảo Phú Quý
Thứ Bảy, 18/01/2014 07:26 SA

Trong những ngày cùng đoàn công tác của Trung đoàn Ra đa 451 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) lưu lại huyện Phú Quý (Bình Thuận), chúng tôi ghé thăm gia đình anh Nguyễn Thanh Long, một người Phú Yên đến đảo này lập nghiệp gần 20 năm.

a-Long.jpg

Gần 20 năm qua, nghề sửa đồng hồ đã giúp anh Long mưu sinh nơi đất khách

MƯU SINH NƠI ĐẤT KHÁCH

Theo anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh (Phú Quý) thì người Phú Yên rất chất phác, thật thà. Là hàng xóm lâu năm, anh Thắng chưa thấy ai mâu thuẫn với anh Long bao giờ. Mỗi khi có dịp, anh Long đều tận tình giúp đỡ mọi người nên ai ai cũng quý mến.

Anh Nguyễn Thanh Long và chị Phạm Thị Bích Sâm cùng ở thôn Tân Phước, xã Xuân Sơn Bắc (Đồng Xuân). Nên duyên chồng vợ từ năm 1990, mấy năm sau, họ lần lượt đón 2 đứa con ra đời. Bên cạnh niềm vui là nỗi lo cơm áo gạo tiền, khi kế mưu sinh của cả gia đình chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng; hoa lợi thu được hàng năm không đáng là bao. Học được nghề sửa đồng hồ nhưng ở quê không có “đất dụng võ” nên vào năm 1996, qua lời giới thiệu của một người thân đang sinh sống ở Bình Thuận, anh Long ra đảo Phú Quý lập nghiệp. “Khi đó, đảo còn hoang sơ chứ chưa phát triển như bây giờ. Đường đi toàn cát lún, cả đảo chỉ lác đác vài chiếc xe máy; xe đạp hầu như không có. Một khu vực khoảng 10 hộ dân xài chung một máy phát điện chạy 4 giờ/ngày, thời gian còn lại làm việc gì cũng hoàn toàn thủ công. Những ngày đầu ra đảo, mọi thứ đều lạ lẫm, khác hẳn với ở quê. Nhìn đâu cũng thấy mênh mông sóng nước, nhiều lúc buồn, tôi chỉ muốn bỏ về với vợ con, sống cực khổ một chút nhưng được gần gia đình. Thế nhưng, nghĩ đến cảnh con trai mình lớn lên phải vất vả như ba mẹ nó, tôi lại không đành lòng.

Một thân một mình nơi đất khách, thời gian đầu, tôi xin tá túc ở nhà một người quen trên chuyến tàu cùng ra đảo. Sau, tôi thuê chỗ đặt bàn sửa đồng hồ và bắt đầu cuộc mưu sinh” - anh Long kể.

Cuộc sống khó khăn nhưng cái gì anh Long cũng phải thuê mướn, từ chỗ làm, chỗ ở đến bữa ăn hàng ngày cũng phải thuê người nấu rồi trả tiền tháng; một năm làm việc quần quật, vậy mà chẳng dư dả được là bao. Không những thế, anh còn phải gom góp tiền, mỗi năm 2 bận để về quê thăm vợ con. Theo anh Long, ngày đó, phương tiện đi lại khó khăn, muốn về đất liền, anh phải lênh đênh trên biển hơn 8 giờ đồng hồ. Những chiếc tàu cá vỏ gỗ cứ chao qua nghiêng lại khiến anh nôn thốc nôn tháo vì say sóng. Về đến Phan Thiết (Bình Thuận), anh còn phải ngồi xe đò thêm 8 giờ nữa mới tới Phú Yên. Nhiều khi phương tiện trục trặc, khởi hành từ sớm nhưng đến một, hai giờ sáng hôm sau, anh Long mới gõ được cửa nhà. Anh cho biết: “Chồng đi xa, vợ tôi một tay quán xuyến hết mọi việc trong gia đình, từ làm ruộng, nuôi bò đến chăm lo cho con ăn học. Nhìn vợ tảo tần, da rám nắng, đôi tay chai sạn vì suốt ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, tôi thấm thía nỗi vất vả, nhọc nhằn khi chồng một nơi, vợ con một nẻo. Từ đó, tôi càng nỗ lực làm việc để có ngày gia đình được sum họp”.

GIAN NAN THỬ SỨC

Quyết tâm là thế, nhưng phải hơn 10 năm sau, mong ước của anh Long mới thành hiện thực. Năm 2009, anh đưa vợ và 2 con trai ra đảo Phú Quý sinh sống. Chị Phạm Thị Bích Sâm, vợ anh, chia sẻ: “Tôi ở quê, quanh năm sống với ruộng vườn đã quen rồi nhưng nghĩ cảnh gia đình mỗi người một nẻo rất bất tiện nên khi anh có ý định đưa cả nhà ra đảo sinh sống, tôi ủng hộ ngay. Ban đầu, tôi chỉ quanh quẩn trong nhà vì “bất đồng ngôn ngữ”; mình nói giọng “nẫu” người ta nghe không hiểu, người ta nói giọng Phú Quý, mình ngẫm cũng chẳng ra. Thời gian sau, tôi tập thích nghi với cuộc sống và con người ở đảo, mọi việc cứ thế quen dần. Không có ruộng, tôi làm thuê mấy việc lặt vặt rồi nghĩ kế buôn bán kiếm tiền phụ chồng nuôi con”.

Hiện gia đình anh Long sống ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh (Phú Quý). Mỗi buổi sáng, chị Sâm nhận khoảng 20kg bún rồi bày bán trước nhà, anh Long thì nhận sửa đồng hồ cho bà con trên đảo. Anh Long cho biết: Vật giá ở Phú Quý không đắt đỏ, cuộc sống cũng bình yên, ổn định, không phải bon chen nhiều. Trước đây, khi còn sống một mình, mặc dù phải thuê chỗ làm, chỗ ở, thuê người nấu ăn nhưng do tằn tiện, chắt mót nên tôi còn dư chút tiền gửi về cho vợ nuôi con. Nay gia đình ra đây, chúng tôi phải thuê nhà nguyên căn, tiền điện, nước và nhiều chi phí khác phát sinh nên cuộc sống hơi chật vật; thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chỉ đủ trang trải sinh hoạt phí của 4 người trong nhà.

Theo anh Long, mấy năm qua, kinh tế huyện đảo Phú Quý trên đà phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá. Vì vậy, so với việc phải “đầu tắt mặt tối” ở quê thì quá trình lập nghiệp ở đây dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hiện điều kiện sống ở đảo Phú Quý vẫn còn một số khó khăn đối với cả dân bản xứ và những người đến đây mưu sinh. Đầu tiên là vấn đề vận chuyển, lưu thông từ đất liền ra đảo. Nếu như trước kia, người dân phải vượt biển trên những tàu cá vỏ gỗ, đối mặt với nhiều hiểm nguy thì nay, mặc dù tàu khách đã có nhiều cải tiến nhưng hoạt động không ổn định, nhất là vào những ngày biển động. Có những đợt thời tiết không thuận lợi, sóng to gió lớn gần một tháng, tàu thuyền không thể ra vô đảo nên lương thực, thực phẩm gần như cạn kiệt. Lúc đó, rau, củ, quả là thứ khan hiếm, giá rau muống lên đến 18.000 đồng/kg, ớt xiêm 500 đồng/trái nhưng cũng không có để mua. Do việc đi lại khó khăn nên việc chăm sóc y tế cho người dân sống trên đảo vẫn chưa đảm bảo, nếu bất ngờ mắc bệnh hiểm nghèo mà không được chuyển vào đất liền kịp thời dễ nguy hiểm đến tính mạng. Anh Long còn cho hay: “Ở Phú Quý, muốn xây được căn nhà đàng hoàng phải là gia đình khá giả chứ người có mức thu nhập trung bình thì nếu có đất cũng không xây nổi. Nguyên nhân là quãng đường vận chuyển gạch, đá, xi măng… từ đất liền ra đảo, rồi từ cảng đến chân công trình gặp nhiều khó khăn khiến giá vật liệu xây dựng “đội” lên gấp 3, 4 lần, người bình thường không kham nổi”. Vì vậy, anh Long đành chấp nhận ở nhà thuê gần 20 năm qua.

chi-Sam.jpg

Với 20kg bún bán ra mỗi ngày, chị Sâm kiếm được khoảng 40.000 đồng tiền lời, đủ để trang trải bữa chợ

HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG

Nhiều năm sống ở Phú Quý, vợ chồng Nguyễn Thanh Long gặp không ít người Phú Yên ra đảo làm ăn, nhất là những người ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa). Đa số họ làm nghề xây dựng, buôn bán, nay đây mai đó chứ không lập nghiệp ổn định như anh Long. “Sống xa quê, chỉ cần nghe, thấy bất cứ điều gì liên quan đến quê hương thì cảm giác thân thuộc lại trỗi dậy. Ban đầu, khi thấy có một số người lạ đến khu này, chúng tôi ngần ngại, không dám nói chuyện. Sau, nghe họ nói giọng “nẫu” giống mình nên vội đến làm quen, tay bắt mặt mừng. Câu chuyện quê nhà kéo những người con xa xứ xích lại gần nhau hơn” - anh Long tâm sự.

Cứ 2 năm một lần, cả gia đình anh Long lại tranh thủ về thôn Tân Phước, xã Xuân Sơn Bắc để thăm nhà, thăm ông bà, cha mẹ. Mỗi lần về lại đảo, hành trang anh chị mang theo, ngoài một ít quà quê còn có hạt giống nhiều loại rau, dưa để trồng và cải thiện bữa ăn gia đình. Chị Sâm cho biết: Ngày nay, cuộc sống ở đảo hầu như không thiếu gì, chỉ thiếu rau. Khí hậu, thổ nhưỡng ở Phú Quý không thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp, nước ngọt cũng không dư dả nên dù người dân nơi đây trồng được một số loại rau củ vẫn không đủ cung cấp cho cả đảo. Năm ngoái về quê, tôi thấy rau sống đủ loại mà ham. Tết đầy đủ bánh trái, thịt thà nhưng vẫn ưng món rau hơn cả. Trở lại đảo, chúng tôi đem theo giống rau, dưa rồi làm đất, lên luống trồng sau nhà nhưng không phát triển được như ý.

Đi cùng chị Sâm và 2 cháu ra đảo Phú Quý năm 2009 còn có anh Phạm Hùng Chương, em ruột của chị. Tại đây, anh Chương may mắn gặp được “một nửa” của đời mình và kết duyên với cô gái đảo tên Trẩm. Đến nay, vợ chồng anh Chương đã có nhà cửa ổn định, có 1 đứa con trai để bế bồng và chuẩn bị đón đứa tiếp theo. Riêng anh Long, dù xa Phú Yên đã lâu nhưng vẫn giữ căn nhà ở xã Xuân Sơn Bắc, hàng ngày nhờ ông bà ngoại ở gần đó trông nom. Anh cho biết: UBND xã Tam Thanh nhiều lần bảo tôi nếu thích lập nghiệp ở đảo, họ sẽ tạo điều kiện nhưng tôi không muốn thay đổi hộ khẩu. Sống nửa đời người trên đảo Phú Quý, tôi lưu luyến khi xa nơi này nhưng “lá rụng về cội”, mai này, tôi nhất định sẽ về quê an hưởng tuổi già. Đồng tình với chồng, chị Sâm cũng nhẹ nhàng chia sẻ: “Sống đâu quen đó nhưng quê nhà vẫn hơn”.

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mưu sinh trên đất nước vạn đảo
Thứ Bảy, 11/01/2014 14:05 CH
Muôn nẻo chuyện cưới
Thứ Tư, 01/01/2014 15:00 CH
Khúc cua… bò gù
Thứ Bảy, 21/12/2013 07:30 SA
Tình đồng bào trong hoạn nạn
Thứ Bảy, 30/11/2013 08:37 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek