Chủ Nhật, 24/11/2024 00:23 SA
Mưu sinh trên đất nước vạn đảo
Thứ Bảy, 11/01/2014 14:05 CH

“Nghe nói bên đó làm ăn được, tôi vay mượn tiền qua bển buôn bán. Ai ngờ lại trắng tay, nhưng giữ được mạng sống cũng là may mắn lắm rồi” - bà Phạm Thị Ngọc Lưu Ly, một trong những người sang Philippines mưu sinh vừa trở về quê hương, thổ lộ.

 

Tacloban140111.jpg

TP Tacloban - nơi những người Phú Yên mưu sinh trước khi bị siêu bão quét qua - Ảnh: Internet

RA NƯỚC NGOÀI BÁN...HÀNG TRẢ GÓP

 

2 năm trước, chị Nguyễn Thị Thu Hương, con gái bà Ly, cùng chồng là Trần Quốc Duy ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) lên đường sang Philippines mưu sinh. Trước đó, một số người sống tại làng biển này đã đánh bạo sang Philippines mua bán và thấy rằng nơi đất khách quê người, tuy khác biệt ngôn ngữ, văn hóa song đồng tiền kiếm được lại có phần dễ dàng hơn. Người này nói với người kia. Và, chị Hương anh Duy quyết đi thử.

 

Cũng như nhiều người Việt đã sang Philippines trước đó, chị Hương anh Duy sống tại Tacloban - một thành phố lớn nằm trên đảo Leyte của đất nước vạn đảo. Họ mua quần áo, giày dép và cả chăn màn, gối… ở thành phố rồi mang về các chợ xa bán cho dân địa phương. Hình thức mua bán cũng rất quen thuộc, như ở Việt Nam: bán trả góp. Mỗi ngày, khách hàng trả từ 10 đến 20 peso, tùy theo giá của món hàng. Chịu khó đi thu tiền hàng ngày thì cũng kiếm được đồng lời để trang trải cuộc sống nơi xứ người và dành dụm cho những kế hoạch lâu dài ở quê hương.

 

“Nghe con gái nói bên này mua bán được nên tôi đi. Vốn thì vay mượn của bà con anh em rồi qua bên đó gầy thêm” - bà Ly kể.

 

Sang Philippines, bà Ly sống cùng vợ chồng con gái trong một ngôi nhà thuê với giá 3.000 peso/tháng (gần 1,5 triệu đồng VN) và tập tành bán hàng trả góp. Bà nhớ lại: “Hồi mới qua lạ nước lạ cái, tiếng nói của họ mình đâu có biết, nên ra dấu là chính. Rồi vừa mua bán, mình vừa tập nói tiếng của họ. Người Phi cũng hiền”.

 

Trong số những người Việt sang Philippines buôn bán nhỏ, cha con ông Nguyễn Duy Đức ở phường Phú Đông thuộc hàng kỳ cựu. Ông Đức (60 tuổi) và 2 con trai là Nguyễn Tiến Phát, Nguyễn Nhật Duy sang đây đã 13 năm nay. 3 cha con ông thuê nhà, sống cách trung tâm TP Tacloban chừng 20km, và cũng mua bán quần áo, giày dép trả góp.

 

Vợ chồng ông Trần Văn Mẫn, đồng hương với ông Đức, thì chọn Cepu, một đảo lớn cách Tacloban hơn 100km, làm nơi lập nghiệp. Họ sống ở đây đã 11 năm.

 

Ba-Luu-Ly140111.jpg

Trở về quê hương, bà Lưu Ly tìm niềm vui trong việc chăm đứa cháu ngoại chào đời tại Philippines - Ảnh: Y.LAN

TRẮNG TAY VÌ THIÊN TAI

 

Hay tin siêu bão Yolanda (tên quốc tế là Haiyan) sẽ càn quét qua miền Trung Philippines, gia đình bà Ly “thủ” sẵn chừng chục ký gạo. Cũng như người dân Philippines thường xuyên hứng chịu thiên tai, gia đình bà Ly đến từ miền Trung Việt Nam, nơi hầu như năm nào cũng oằn mình trong bão lũ, nên đã “tích lũy” khá nhiều kinh nghiệm. Thế nhưng những gì diễn ra sau đó đã vượt xa sức tưởng tượng của bà.

 

“Khi bão tới, chúng tôi đã đóng chặt cửa, gia đình tôi cùng 3, 4 người hàng xóm trốn bão trong nhà tắm - nơi có trần bê tông vững chắc. Tôi nhìn qua cửa gương và thấy gió giật đùng đùng, xoáy mù trời. Nhà bên này sập, nhà bên kia sập; tôn bay như lá rụng. Tôi chưa từng thấy cảnh tượng nào khủng khiếp như vậy. Cũng may là nơi chúng tôi ở cách biển 7, 8 cây số, nếu không thì chết hết rồi vì sau đó tôi nghe nói bão làm sóng biển dâng cao tới 5m nhấn chìm nhiều nhà cửa” - bà Ly kể, ánh mắt vẫn còn thảng thốt.

 

Cả nhóm “cố thủ” trong nhà tắm cho đến khi cơn bão đi qua. Ra khỏi nơi trú ẩn, họ bàng hoàng khi đập vào mắt là cảnh hoang tàn đổ nát ngoài sức tưởng tượng ở nơi từng rất sầm uất.

 

Trong phút chốc, những người tha phương mưu sinh trắng tay. Dè xẻn từng chút gạo, từng chút nước hiếm hoi còn lại (sau bão, hệ thống cung cấp nước tê liệt), gia đình bà Ly cầm cự với đói khát. Thế rồi thấy Tacloban chìm trong hỗn loạn, cướp bóc, gia đình bà sợ quá nên quyết định rời khỏi “thành phố chết”, vượt hơn 100km đến nhà người quen - nơi không bị tàn phá nặng nề như Tacloban. “Hàng nghìn người chết vì nhà sập, sóng cuốn, mình giữ được mạng sống là may mắn lắm rồi” - bà Ly nói.

 

2 đứa con ông Đức cũng gặp may, khi bị sóng cuốn trôi song đã bám được vào một cây dừa và sống sót. Thế nhưng những ký ức kinh hoàng về cơn bão hủy diệt mang tên Yolanda sẽ còn ám ảnh họ trong nhiều tháng năm.

 

TÌNH ĐỒNG BÀO

 

Sau khi cơn bão kinh hoàng càn quét qua miền Trung đất nước vạn đảo, từ Cepu, vợ chồng ông Trần Văn Mẫn rất lo lắng cho tính mạng những người đồng hương ở Tacloban. Ông Mẫn gọi điện cho họ nhưng không liên lạc được. Xem truyền hình, thấy thành phố cảng sầm uất trên đảo Leyte trở nên tan hoang sau thảm họa, vợ chồng ông Mẫn nghĩ rằng những người đồng hương có thể đã bỏ mạng trên đất khách quê người.

 

Theo lời bà Lương Thị Phấn, vợ ông Mẫn, đến ngày thứ tư kể từ khi cơn ác mộng mang tên Yolanda càn quét qua miền Trung Philippines, tàu thủy từ Cepu mới đến được Tacloban. Dù vé rất khan hiếm nhưng 2 người cháu bà Phấn cũng xoay xở được 2 vé, đáp chuyến tàu đầu tiên đến Tacloban tìm đồng hương. Đến chuyến tàu thứ hai, đích thân ông Mẫn đi Tacloban, với hy vọng mong manh tìm những đồng hương còn sống sót. Sau đó, cùng với đoàn cứu trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, gia đình bà Phấn tiếp tục hành trình tìm kiếm đồng hương và đưa họ về nhà mình ở Cepu. Rồi ông Mẫn bà Phấn huy động một số người Việt đang sống tại Cepu đến, cùng nhau giúp đỡ đồng bào đã trắng tay do bão bằng cách cho họ tá túc tại nhà mình. Riêng vợ chồng ông Mẫn bà Phấn cưu mang 8 người trong suốt thời gian họ “lánh nạn” ở Cepu.

 

Ông bà xưa vẫn nói, trong hoạn nạn mới rõ lòng nhau. Bà Phấn, ông Mẫn chỉ là những người tha hương lập nghiệp. Thế nhưng trước cảnh trắng tay của những người cùng quê, họ đã không quản khó khăn vất vả tìm đến tận nơi để giúp đỡ, và giúp bằng cả tấm lòng!

 

“Chúng tôi được Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines hỗ trợ mì ăn liền, thuốc men rồi theo họ xuống Cepu và tá túc ở đó trong một tháng” - bà Ly cho biết.

 

Sau đó, được Đại sứ quán giúp đỡ về thủ tục và chi phí, 31 trong số gần 50 người Việt ở tâm bão trở về quê hương. Họ được Đại sứ quán tài trợ vé máy bay, vé xe đưa về tận quê nhà nên rất cảm kích. Xuống sân bay Tân Sơn Nhất, họ được Tổ chức Di trú quốc tế hỗ trợ mỗi người 1.000 USD.

 

Thoát chết trở về, một số người đàn ông cho biết sẽ bám biển mưu sinh, không sang Philippines nữa. Bà Ly thì bảo: “Qua tết, tôi sẽ nấu chè bán trước nhà rồi tính tiếp”. Niềm vui của bà Ly là chăm đứa cháu ngoại chào đời tại Philippines cuối năm 2012 - đứa bé may mắn sống sót cùng gia đình sau thảm họa.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Muôn nẻo chuyện cưới
Thứ Tư, 01/01/2014 15:00 CH
Khúc cua… bò gù
Thứ Bảy, 21/12/2013 07:30 SA
Tình đồng bào trong hoạn nạn
Thứ Bảy, 30/11/2013 08:37 SA
Những món ngon ngày mưa
Thứ Bảy, 23/11/2013 09:34 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek