Ngôi nhà tình thương chưa kịp trát vôi vữa, trơ một màu xám giờ trở nên u tối. Người mẹ trong ngôi nhà ấy sau nhiều năm bị tâm thần phân liệt, trở nên dở người. Ngày u ám nhất với gia đình này ập đến khi anh Phùng Tấn Thanh, trụ cột của gia đình bị tai nạn giao thông và trở thành tàn phế. 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học choáng váng, thẫn thờ… Đó là hoàn cảnh cùng cực của gia đình anh Phùng Tấn Thanh (SN 1969, ở xóm 1, thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, Tuy An).
Anh Phùng Tấn Thanh bị liệt nửa người, phải có người chăm sóc, vệ sinh, xoa bóp chân để mong cơ hội cứu chữa - Ảnh: T.QUỚI
BẾ TẮC
Cách đây 9 năm, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, sau khi sinh đứa con thứ ba thì đổ bệnh. Ban đầu chỉ là những hành vi bất bình thường, rồi bỗng dưng chị nói nhảm, cười, khóc một mình. Người nhà đưa chị đi khám bệnh mới biết chị bị tâm thần phân liệt. Anh Phùng Tấn Thanh vét hết của cải, ra sức làm thuê để đưa vợ đến các bệnh viện chuyên chữa tâm thần để điều trị. Tiền ít, bệnh thì nặng, anh Thanh đành đưa vợ về nhà chữa trị theo cách dân gian những mong “phước chủ may thầy”. 3 đứa con nheo nhóc, vợ bệnh tâm thần ngày càng nặng, của cải dành dụm lần lượt đội nón ra đi; thêm vào đó những món nợ cứ lớn dần, gia đình anh Thanh trở thành hộ nghèo có mã số.
Năm 2010, gia đình anh Thanh được xét hỗ trợ tiền xây nhà tình thương. Bà con hàng xóm lấy làm mừng cho gia đình bất hạnh này, kẻ ít người nhiều góp thêm tiền để giúp gia đình anh Thanh có chỗ che nắng, che mưa. Nhưng ngặt đến nỗi, đến nay chủ nhà cũng không đủ tiền để quét vôi cho đàng hoàng, đành để nhà trơ lớp xi măng xám.
Hộ nghèo thì được Nhà nước ưu tiên miễn giảm, hỗ trợ nhiều khoản phí, lệ phí, riêng gia đình anh Thanh có thêm khoản trợ cấp hàng tháng 270.000 đồng cho người bị bệnh tâm thần. Nhưng chừng ấy cũng không đủ để anh Thanh xoay xở giữa cuộc sống khó khăn nuôi vợ bệnh và 3 con đang tuổi ăn học.
Không thể để con nghỉ học hay thiếu ăn khi mình còn sức lực. Nghĩ vậy, anh Thanh lao vào làm thuê để có tiền trang trải. Tháng trước, anh quyết định gửi người vợ tâm thần cùng các con cho bà nội và hàng xóm để đi Kon Tum chặt mía thuê. Những năm trước, với công việc này, làm cật lực đến tết anh Thanh cũng kiếm được 15 đến 20 triệu đồng. Nhưng con số ấy giờ đây không thành hiện thực với anh Phùng Tấn Thanh, khi anh Thanh đi xe máy đến ruộng mía thì bị xe tải đụng, đè dập nửa người. Kết quả từ Bệnh viện Quân y 113 Quy Nhơn kết luận: vỡ khung chậu, dập bàng quang, hỗn loạn thần kinh giảm trương, liệt hai chi dưới… Theo lời khuyên của các bác sĩ ở đây, gia đình đã đưa anh Thanh vào TP Hồ Chí Minh chữa trị. Gia đình, hàng xóm một lần nữa quyên tiền… nhưng bác sĩ ở các bệnh viện: Chấn thương chỉnh hình, Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cũng đành chịu vì chấn thương ở khu vực quá hiểm, không thể phẫu thuật!
Trong khi người chủ xe gây tai nạn lại hững hờ đến vô tình. Từ sau tai nạn, người chủ xe đưa 3 lần tiền, tổng cộng 23 triệu đồng để anh Thanh trả viện phí ở Quy Nhơn, nhưng lần nào cũng không tự nguyện, mặc dù gia đình nạn nhân trình bày hoàn cảnh và cũng chẳng hề khiếu nại.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó chủ tịch UBND xã An Mỹ cho hay: “Hoàn cảnh anh Thanh quá thương tâm, từ khi anh bị nạn, UBND xã đã chỉ đạo Ban nhân dân thôn, các hội, đoàn thể vận động quyên góp giúp đỡ; xét ưu tiên các khoản hỗ trợ khác nếu có. Mong là có nhiều tấm lòng hảo tâm chia sẻ với gia đình anh, nhất là tương lai học tập của các cháu”.
Gian bếp nhà anh Thanh trống trơn, nguội lạnh - Ảnh: T.QUỚI
NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT CỦA 3 ĐỨA TRẺ
Hôm tôi đến nhà, con gái lớn Phùng Thị Mỹ Tầm (học sinh lớp 11D, Trường THPT Lê Thành Phương, An Mỹ, Tuy An) và em Phùng Văn Tịnh học lớp 6 đi cắt cỏ cho bò chưa về. Anh Phùng Tấn Dũng, em trai của anh Thanh vừa lo chăm cha bị tai biến, vừa lo cho anh hai tàn phế giữa đời. Bỗng từ nhà dưới vọng ra giọng cười ngặt nghẽo nhưng vô hồn. Một phụ nữ thất thểu bước lên do thấy có đông người nên “vui”. Chị gọi tôi là ông nội, rồi cười ha hả, sau đó lại tủm tỉm, rồi buồn rười rượi… Đó là chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, vợ của anh Thanh. Bà Nguyễn Thị Sẻ, mẹ ruột của anh Thanh thở dài bất lực: “Gia đình tôi liên tục gặp nạn đến bế tắc. Ông nhà tôi bị tai biến đã mấy năm nay, con dâu thì tâm thần, con trai giờ tàn phế. Vừa rồi, tôi nuôi con ở bệnh viện lại lên cơn đau ruột thừa, phải mổ…”.
Bà Phạm Thị Hiệp (73 tuổi), một người hàng xóm, hàng ngày vẫn mang đồ ăn thức uống, vận động chị em ở chợ quyên góp tiền rồi mang đến cho anh Thanh. Bà Hiệp nói: “Thiệt khổ cùng đường. Ngày cha nó (anh Thanh) bị nạn, mấy đứa nhỏ thất thần. Để có tiền chữa chạy, đứa con gái lớn dắt hai đứa em đi xin cùng làng, khắp chợ được 7 triệu đồng, bà con tự góp thêm 4 triệu đồng nữa để đưa cha nó đi Sài Gòn”.
Dù ở tuổi mới lớn, nhưng từ lâu Tầm đã phải thay mẹ chăm em, nuôi mẹ bị bệnh. Từ ngày cha bị tai nạn, không có tiền và thời gian lo cho cha mẹ cùng hai đứa em, Tầm đôi lúc phải nghỉ học. Thương tình, cô bác lối xóm người cho cân gạo người cho mớ cá, ít thịt, nấu cho cả nhà ăn qua bữa. Em Tầm nghẹn ngào: “Những ngày hết tiền, đứt bữa, con đến xin nhờ bà con hàng xóm hoặc đạp xe đến chùa Thiên Long gần đó để xin gạo về nấu cơm, xin bó rau muống luộc cho ba, mẹ và hai em, còn con ăn thứ gì cũng được. Con mong có điều thần kỳ như trong truyện cổ tích để ba mẹ con khỏe lại, chúng con được tiếp tục đến trường”. Cô Trần Thị Trúc Muội, giáo viên chủ nhiệm lớp 11D cho biết: “Em Tầm là học sinh hiền ngoan, chăm chỉ nhưng do gia đình quá khó khăn, không biết rồi đây tương lai của em sẽ ra sao. Các thầy cô giáo trong trường, bạn học cũng đã quyên góp một số tiền giúp đỡ gia đình em Tầm. Tuy nhiên, đó chỉ là tạm thời”.
Nợ nần đang từng ngày chồng chất sau khi anh Thanh bị tai nạn. Mong các nhà hảo tâm gần xa giúp đỡ để gia đình khốn khó này qua cơn ngặt nghèo và các con của anh Thanh được tiếp tục đến trường. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Phùng Tấn Thanh, xóm 1 thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An, Phú Yên. Số tài khoản: 4602205089413 Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chi nhánh Phú Yên.
THẾ NHƠN