Hằng năm, cứ vào áp xuân, ấy là… mùa cưới! Ðối với nhiều gia đình Việt Nam, đám cưới luôn là dịp hệ trọng, phải tốn nhiều tâm sức, tiền bạc, đôi khi phải chuẩn bị hàng tháng trời. Và có muôn trùng câu chuyện đằng sau lễ cưới…
Trong một đám cưới tổ chức tại nhà (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: T.H.PHIÊN
XÔN XAO MÙA CƯỚI
Ông bác họ tôi ngồi thở dốc: “Tao vừa chạy mượn một triệu đồng để mừng 5 cái đám cưới, một đám hai trăm. Lại vừa nhận thêm 3 “trát” nữa đây! Không đi không được, chỗ họ hàng, ơn nghĩa cả…”. Tôi tự nhủ, “mức sàn” ở vùng quê Phú Hòa là 200.000 đồng/khách, còn thấp chán so với nhiều nơi. Thế nhưng chợt nhìn quanh, ở làng quê này mà kiếm cho được đôi trăm ngàn đồng, đâu phải chuyện dễ. Gia đình ông có mảnh ruộng đủ gạo ăn cho cả hộ 7 người, là may rồi; có thêm chiếc cộ bò chở thuê, tằn tiện để nuôi con ăn học. Lấy đâu ra tiền mừng cưới, mới non tháng đã đi đứt trên 1 triệu đồng!?
Tôi đã dự nhiều tiệc cưới, thấy đồ ăn thức uống hết sức ngon lành và ê hề. Các đĩa gỏi, cá, mực, tôm, thịt… được chọn lọc kỹ nguyên liệu, nấu nướng khéo; bia bọt thì “dô, dô!” tới tấp; bụng đã căng cứng nhưng đồ ăn vẫn được bưng lên, nhẩm đếm đã chục món… Có bàn khách cứ thế mà “tình thương mến thương”, ngồi tì tì, nhiều vị “mềm” lắm rồi vẫn chưa muốn rời “chiến địa”. Vậy mà gia chủ lại lấy thế làm vui, phải “hoành tráng” mới tỏ mặt xóm làng!
Mỗi nơi đều có tập tục riêng. Ở vùng quê, khó gì thì khó nhưng đám cưới là chuyện trọng, nên ai cũng cố làm cho rôm rả. Đám cưới ở quê mà không ăn uống đầy đủ đàng hoàng, bà con “nói” ghê lắm! Cái hay của đám cưới ở quê là bà con lối xóm giúp nhau; thực phẩm tại chỗ nên giá cũng “mềm”. Song tiền quà cưới thì không nhiều nhặn gì. Bởi vậy, nhiều nhà nợ ngập đầu khi tổ chức cưới xong…
Ở Tuy Hòa, việc tổ chức đám cưới ở nhà hàng đã trở nên quen thuộc. Có thể nhắm mắt điểm ngay, Tuy Hòa lúc này đã có trên 20 nhà hàng khách sạn chuyên phục vụ tiệc cưới. Tùy vào sự sang trọng, phong cách phục vụ và đặt món của khách hàng, giá thức ăn mỗi bàn tiệc (10 người) hiện xê dịch từ 2 đến trên 5 triệu đồng (chưa kể “nước”); có nghĩa là mỗi suất ăn ở tiệc cưới nhà hàng tại Tuy Hòa lúc này có giá từ 200.000 đến trên 500.000 đồng. (Đi dự tiệc cưới thì phải “hiểu biết” để “sàn” phong bì không được thấp hơn suất ăn, uống). Thù lao cho MC dẫn chương trình, đội múa mở màn, nhạc công và chi phí quay phim, chụp ảnh… có thể được tính riêng hoặc gộp chung vào giá đồ ăn thức uống, tùy vào sự thỏa thuận giữa khách đặt và nhà hàng.
Biểu diễn văn nghệ tại một lễ cưới tổ chức ở TP Tuy Hòa - Ảnh: T.H.PHIÊN
CHUYỆN CÔNG KHAI…
Tại nhiều vùng quê Nam Trung Bộ, nghi lễ cưới vẫn còn khá chặt chẽ “đầy đủ bộ lệ”. Còn tiệc cưới nơi nhà hàng thì đã trở thành “công nghệ”. “Bây giờ đời sống khá lên nên ngoài việc yêu cầu thực đơn “ăn được”, khách đặt tiệc còn rất quan tâm đến hình thức tổ chức tiệc cưới theo hướng ngày càng sang trọng, hiện đại và… rực rỡ! Cũng có người thích đơn giản nhưng phần lớn lại khoái việc cờ lọng, đón rước… rườm rà. Chúng tôi đáp ứng tất, có điều cũng chưa du nhập hoặc nghĩ ra thêm kịch bản tiệc cưới… phong phú hơn” - chủ một nhà hàng tiệc cưới bày tỏ.
Chị Trần Thư Hiển (TP Tuy Hòa) gọi các “nghi thức” trong tiệc cưới ở nhà hàng là “cờ, đèn, kèn, trống, màu mè kiểu… cải lương. Ban đầu xem thấy cũng lạ lạ. Nhưng rồi “một bài hát miết”, đôi khi phô trương tốn kém mà “chả giống giáp gì”, chẳng có sự đổi mới sáng tạo chi cả”. Chị Hiển nói thêm: “MC trong nhiều đám cưới nhà hàng cứ một kiểu “nhai” suốt, nghe phát nhàm. Nhiều MC còn chen những câu thơ ướt át, đôi khi còn “biên tập, thêm mắm thêm muối” thơ người khác, chẳng trúng trật gì, nghe mắc cỡ muốn chết!”.
Ông Trần Hoài Thiên (TP Tuy Hòa) thì lắc đầu với các nam nữ “giành ca” trong tiệc cưới: “Nhiều người đi dự cưới, nếu không lên sân khấu hát, chắc về ngủ không xong. Đồng ý là đám cưới phải có hát hò mới vui nhưng không ai chịu nổi cái cảnh uống say, mặt đỏ phừng phừng, “hét” loạn xạ hết công suất, hết bài này lại “xin thêm” bài khác”.
Ở các vùng nông thôn, chuyện “hát đám” lại càng sôi nổi dữ. Bởi lúc này, làng quê đang “nóng, ghiền” việc thuê dàn nhạc sống về hát tại nhà. Đám cưới là dịp quá thuận lợi để “phô diễn tài năng” ca hát luôn hừng hực từ đầu làng đến cuối xóm. “Mấy năm nay, dân quê xứ Nẫu rất mê hát nhạc sống. Đây được coi như là một hình thức văn nghệ đỉnh cao, phổ biến lắm. Thành ra, mấy điểm cho thuê dàn nhạc - nhạc công như tụi em sống được; mùa cưới và tết thì chạy sô oải luôn! Tùy độ phong phú của nhạc cụ, phương tiện và có MC hay không mà giá thuê xê dịch từ 100.000 đến 200.000 đồng/giờ. Nhóm tụi em có thêm máy chiếu chữ, để ai không thuộc bài cũng hát được, nên giá luôn phải từ 200.000 đồng/giờ trở lên”, anh Hoàng - một nhạc công guitar, nói.
CHUYỆN… BÍ MẬT
Theo một chủ nhà hàng ở TP Tuy Hòa, chi phí tổ chức một tiệc cưới có 300 khách từ 70 đến 120 triệu đồng. Thường thì phong bì mừng cưới của khách tròn trèm để trả các chi phí, nếu có dôi ra hoặc thâm cũng chỉ chút đỉnh. Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó mà khách đến tiệc cưới quá ít so với lượng thiệp mời, bàn tiệc thừa nhiều, thì sự thâm lạm cho gia chủ không phải là ít…
Còn nhớ cách đây mươi năm, ở Tuy Hòa, “mức sàn” phong bì mỗi người đi dự đám cưới chỉ là 100.000 đồng, có nghĩa là mỗi suất ăn được gia chủ đặt hàng ở mức từ 60.000 đến 85.000 đồng. Theo đà trượt giá, mỗi phong bì đã được nâng lên 150.000, rồi 200.000 và nay “sàn” phong bì đã nâng lên 300.000 đồng. Đó là “sàn” ở các nhà hàng bậc trung; nếu nhà hàng đẳng cấp hơn thì “sàn” phải dày thêm! Ông bạn tôi ở Nha Trang nói: “Phong bì mừng cưới ở đây là bốn trăm nhé, trong Sài Gòn thì lên bảy trăm rồi…”.
Không hề “thành văn” chuyện giá trị quà mừng, bởi việc hiếu hỉ luôn là điều tế nhị! Thế nhưng vẫn có một mức quy ước, ít ai đến dự tiệc cưới mà đem theo phong bì thấp hơn “mức sàn”. Và “đi ăn đám cưới” cũng là dịp để… bình phẩm, chê bai! Bởi vậy, việc ký kết - thực thi quá trình diễn ra một tiệc cưới luôn được gia chủ và nhà hàng theo dõi sát sao, nhất là phải phù hợp với gu thưởng thức từng vùng, bởi dễ bị “quy chụp”…
“Có những nhà hàng vốn nấu ăn rất ngon nhưng đã trở nên “chểnh mảng, quá tải” khi vào mùa cưới. Ngoài việc gây “nghi ngờ” về chất lượng thực phẩm, “điệp khúc” về cách thức chế biến món ăn đã làm nhiều người ngán ngẩm khi nhận… thiệp mời. Cái sự “bấy nhiêu đó” làm cho món ăn trở nên kém hấp dẫn đối với thực khách. Không ít lần xong tiệc cưới, tui phải về nhà “bồi bổ” thêm gói mì tôm hoặc chén cơm nguội” - ông Trần Tường Minh (phường 3, Tuy Hòa) tiết lộ.
Thế nhưng chuyện ăn trong tiệc cưới vẫn là hàng thứ yếu. Ông Hồ Thượng Hồng, một người “có máu mặt” trong giới kiến trúc - xây dựng miền Trung, nói với tôi: “Ai nói đi đám cưới mà không “suy tư” chuyện phong bì là nói dóc! Trong một đám “ân nghĩa” ở Sài Gòn, nhìn qua nhìn lại, người ta đi toàn tiền đô. Tôi phải lủi ra ngoài rút hơn 1 triệu đồng để đổi 100USD bỏ vào bì cho nó… mỏng!”.
TUẤN HÙNG PHIÊN