Sau nhiều ngày miệt mài tìm kiếm, đến trưa 28/11, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng trong trận lũ quét chưa từng có ở khu vực Hòn Chúa - Mũi Thuyền đêm 22/11. Nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên, còn những ai từng băng rừng đến hiện trường thì càng thấu cảm cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn bất trắc của dân nhặt chai và tình đồng bào trong hoạn nạn.
Lực lượng cứu hộ kéo cây đổ, tìm xác nạn nhân - Ảnh: P.TRÀ
CHÉN CƠM ĐỔI BẰNG MẠNG SỐNG
Từ khu dân cư thôn Lạc Đạo (Sơn Thành Tây, Tây Hòa), để đến núi Hòn Chúa và suối Mũi Thuyền, những người thạo đi rừng phải mất từ 2 đến 3 giờ. Có một con đường mòn dấu chân sơn tràng dẫn đến khu vực này, càng đi sâu vào rừng càng cheo leo hiểm trở, có đoạn phải nhích từng chút một để vượt qua dốc cao dựng đứng. Lại thêm hơn chục dòng suối lớn nhỏ cắt ngang, có nơi nước ngập đến bụng, ào ạt chảy. Nếu không có sợi dây thừng chắc chắn được ai đó giăng sẵn từ bờ bên này sang bờ bên kia, có lẽ ít người dám mạo hiểm vượt qua dòng suối chảy xiết này. Đây chính là con đường mà 4 người nhặt chai xấu số đã đi qua hơn một tuần trước để đến Hòn Chúa - Mũi Thuyền. Và khi được đưa về thì họ chỉ còn là những thi thể.
Không biết tự bao giờ, dân ở đồng bằng và ven biển dùng chai (mủ đã khô của cây chò trên núi) để hàn kín thân những chiếc thúng chai cùng những chiếc thuyền nan nhỏ, ngăn không cho nước vào bên trong. Vậy là một số nông dân ở vùng núi, vùng bán sơn địa tranh thủ lúc nông nhàn luồn rừng nhặt chai kiếm tiền trang trải cuộc sống. Một ký chai được bán cho thương lái với giá từ 10.000 đến 20.000 đồng, tùy loại. Để nhặt được chai thì phải luồn sâu vào rừng, có lẽ vì vậy mà ít ai đi nhặt một mình. Người này đi, rủ thêm người khác đi cho có bạn.
Bà Phạm Thị Cúc, mẹ nạn nhân Phạm Ngọc Nghĩa ở Sơn Thành Đông, kể: “Nó đi lượm chai chừng một năm nay. Lượm có thì sáng đi tối về, không thì ở lại trong rừng một hai đêm”. Theo lời bà Cúc, sau chuyến băng rừng, anh Nghĩa kiếm được từ 100.000 đến 200.000 đồng trang trải cuộc sống, lo cho 2 đứa con ăn học trong khi thu nhập từ ruộng đồng quá chật vật.
Đồng tiền kiếm được từ rừng sâu núi thẳm không hề dễ dàng. Chén cơm của dân nhặt chai đắng chát mồ hôi và nước mắt!
Xót xa hơn cả là gia đình nạn nhân Bùi Công Khải ở thôn Tịnh Thọ (Sơn Thành Tây). Nhà không có ruộng, vợ chồng anh quanh năm làm thuê làm mướn nuôi cha mẹ già yếu, bệnh tật và nuôi 2 đứa con thơ dại (đứa lớn học lớp 2, đứa nhỏ mới 2 tuổi). Anh Khải chưa từng đi nhặt chai, cho đến cái ngày định mệnh 21/11. Chị Trần Thị Bích Loan, vợ anh, nhớ lại: “5 giờ chiều 22/11, ảnh gọi điện về, hỏi con có khỏe không. Tôi nói đứa nhỏ còn bệnh, đang sốt. Ảnh nói nước trong này lớn lắm, anh em đang ngồi chờ nước rút. Ngày mai ảnh sẽ tìm cách về nhà. Đến 9 giờ đêm, ảnh gọi điện về lần nữa. Tôi hỏi ngày mai có về không, ảnh nói ngày mai có khó khăn gì ảnh cũng tìm cách về”.
Chị Loan cứ ngỡ chậm lắm là chiều 23/11, chồng chị sẽ có mặt ở nhà. Ai ngờ, đó là lần cuối cùng chị nói chuyện với chồng. Trận lũ quét kinh hoàng đêm 22/11 cuốn bật gốc những cây cổ thụ to đến 2 người ôm trên núi Hòn Chúa, hất những tảng đá to như cái nhà xuống suối Mũi Thuyền. Anh Khải và 3 người bạn đi nhặt chai qua đêm trong cái trại dựng bên bờ suối của một người quen (người này đã về nhà khi nhóm anh Khải lên núi). Sáng hôm sau, từ cái trại phía dưới, anh trai của Trương Quốc Công - 1 trong 3 người đi cùng anh Khải, chạy lên bờ suối Mũi Thuyền, kinh hoàng khi thấy cả khu vực rộng lớn đã bị vùi lấp bởi đất đá và những thân cây bật gốc.
Gia đình 4 nạn nhân rụng rời khi hay tin dữ. Cùng bà con xóm giềng, họ băng rừng vào Hòn Chúa - Mũi Thuyền tìm người thân. Nhận được tin báo của người dân, chính quyền địa phương lập tức huy động lực lượng gồm bộ đội, công an, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên vào khu vực trên tìm kiếm 4 người bị nạn.
Vượt suối chảy xiết để đến hiện trường - Ảnh: P.TRÀ
TÌNH LÀNG XÓM, NGHĨA ĐỒNG BÀO
Thoát chết nhờ may mắn Ông Nguyễn Văn Hùng ở Sơn Thành Đông là chủ cái trại mà 4 người nhặt chai xấu số đã tá túc và bị lũ quét chôn vùi trong đêm 22/11. Thoát chết và tham gia tìm kiếm những người bị nạn, ông Hùng kể: “Tôi dựng trại và sống một mình ở Hòn Chúa - Mũi Thuyền được 2 năm. Hôm 4 người họ lên đây thì tôi đi về làng mua thức ăn. Bữa sau họ gọi điện, nhờ tôi mua dùm thuốc sốt rét mang lên cho họ. Hôm 22/11, tôi định đem thuốc lên nhưng nước lớn nên không đi được. Sáng 23/11, tôi lên, mới hay có trận lũ quét kinh hoàng này”.
Trưa 24/11, sau 3 tiếng rưỡi băng rừng lội suối, chúng tôi có mặt tại hiện trường vụ lũ quét, chứng kiến cả trăm người hì hục đào đất đá tìm xác nạn nhân cuối cùng là Lương Ngọc Tính (sinh năm 1979, ở Sơn Thành Tây). Trận lũ chưa từng có ở địa phương này đã làm thay đổi hoàn toàn một khu vực rộng lớn dài cả cây số, rộng khoảng 50m bởi ngổn ngang đất đá và thân cây đổ.
Quá trưa, thấm mệt và đói, những người cứu hộ tạm dừng tay, lót dạ bằng những gói mì ăn liền sống hoặc bánh mì không nhân. Rồi họ tiếp tục tìm kiếm người bị nạn. Rất nhiều người dù không phải họ hàng thân thích với người mất tích nhưng vẫn miệt mài tìm kiếm bằng cả tấm lòng.
Để di chuyển những thân cây cổ thụ to bằng 2 người ôm, lực lượng cứu hộ buộc dây thừng vào cây rồi hàng chục người hò nhau kéo. Họ xếp thành hàng dài, dùng mũ bảo hộ lao động múc nước từ suối Mũi Thuyền, chuyền nhau tưới vào nơi có nhiều cây đổ để trôi bớt đất đá, sau đó dùng cưa máy cắt thân cây và đào bới tìm nạn nhân. Công việc vô cùng nặng nhọc bởi khi đó, ngoài cưa máy, phương tiện còn lại rất thô sơ, trong khi khối lượng đất đá, cây đổ thì quá lớn.
Vậy mà bằng phương pháp hết sức “thủ công” đó, họ đã tìm được 3 nạn nhân: Trương Quốc Công (sinh năm 1980), Bùi Công Khải (sinh năm 1983) ở Sơn Thành Tây và Phạm Ngọc Nghĩa (sinh năm 1982), ở Sơn Thành Đông. Anh Nguyễn Thành Công ở Sơn Thành Đông, người tham gia lực lượng cứu hộ, kể lại: “Khoảng 3 giờ chiều 23/11, đang tìm kiếm, tôi nhìn thấy một thi thể trong đống đất đá. Đó là xác anh Công. Đưa xác anh Công ra, tôi lấy tay moi đất một lát thì đụng phải lưng người. Đó là xác anh Khải. Đưa xác anh Khải ra, chúng tôi nhìn thấy một cái màn. Lần theo cái màn thì tìm được xác anh Nghĩa. Tìm được rồi nhưng phải chờ dân làng đem cưa vô cưa cây đổ thì mới đưa được xác ra. Lúc đó khoảng 6 giờ chiều”.
Những người tìm kiếm đã băng qua 20km đường rừng lầy lội trơn trượt trong cơn mưa tầm tã, thay phiên nhau đưa xác 3 nạn nhân về trong đêm hôm đó.
Ông Phan Công Thắng, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND xã Sơn Thành Tây, cho biết: “Ngay sau khi tai nạn xảy ra, chính quyền hỗ trợ mỗi gia đình 1 triệu đồng; các đoàn thể cũng đi vận động bà con đóng góp, giúp đỡ”. Chị Nguyễn Thị Hải Yến, cán bộ Hội Phụ nữ xã Sơn Thành Tây, nói: “Ngay chiều hôm đó, BCH Hội Phụ nữ xã đến chợ Sơn Thành quyên góp được 3,6 triệu đồng hỗ trợ gia đình các nạn nhân”. Chùa Quảng Yên ở Sơn Thành Đông đã hỗ trợ gia đình anh Bùi Công Khải hơn 3 triệu đồng, 25kg gạo và chiếc quan tài để gia đình nghèo này lo hậu sự…
Những ngày sau đó, lực lượng cứu hộ lại băng rừng đến Hòn Chúa - Mũi Thuyền, hì hục đào đất đá, tìm kiếm từ sáng đến chiều nhưng không có kết quả. Ông Trần Kim Ly ở thôn Lạc Đạo, người đã đưa chúng tôi vào khu vực trên, cho biết: Huyện Tây Hòa huy động mỗi xã 10 đoàn viên thanh niên phối hợp với bộ đội, công an, dân quân và thanh niên xung kích tại địa phương tìm kiếm nạn nhân cuối cùng của vụ lũ quét. Không chỉ huy động thêm người, lực lượng cứu hộ được trang bị thêm 3 cưa lốc và 2 balan sắt để san đất đá, tìm kiếm thi thể nạn nhân.
Ngày 27/11, trận mưa lớn khiến việc tìm kiếm bị gián đoạn. Nhưng trận mưa đó đã làm trôi lớp bùn đất, một phần thi thể nạn nhân Lương Ngọc Tính lộ ra và được phát hiện vào trưa 28/11, cách nơi tìm thấy 3 nạn nhân trước khoảng 15m. “Tìm được rồi nhưng phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới đưa được thi thể lên” - ông Ly cho biết.
Sẽ rất lâu người ta mới có thể quên được tai nạn thương tâm do lũ quét tại Hòn Chúa - Mũi Thuyền. Và ngay cả khi nỗi đau đã nguôi ngoai, gia đình các nạn nhân vẫn sẽ luôn trân trọng những gì mà lực lượng cứu hộ đã làm trong 5 ngày ròng rã giữa hoang vu rừng núi, cũng như sự giúp đỡ về vật chất của người dân địa phương.
Hỗ trợ 7 triệu đồng cho gia đình có nạn nhân bị lũ quét vùi lấp
Ngày 29/11, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Trần Trọng Kỳ cho biết, chính quyền và các hội, đoàn thể đã hỗ trợ mỗi gia đình có nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ sạt lở núi do lũ quét ở khu vực Hòn Chúa - Mũi Thuyền (thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây) 7 triệu đồng. Trong đó, UBND huyện hỗ trợ 5 triệu đồng, Hội Chữ thập đỏ huyện 1 triệu đồng, UBND xã Sơn Thành Tây 1 triệu đồng. Hiện các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đang tiếp tục kêu gọi các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quyên góp giúp đỡ gia đình các nạn nhân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Được biết, gia cảnh của 4 nạn nhân bị thiệt mạng hết sức khó khăn, rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng.
PHƯƠNG NAM
PHƯƠNG TRÀ