III
Đây là nơi rèn luyện M (1), thành người kỹ sư tâm hồn
(Nhật ký ghi ngày 20/11/1964)
Vào một sáng đầu thu, từ Bình Dương, nhà báo Kiến Giang gọi ra: “Thầy ơi! Đã tìm ra tác giả Nhật ký thế hệ Hồ Chí Minh rồi! Nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên ở ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang!” - Một niềm tự hào, một tiếng reo vui đầy căng lồng ngực của một nhà báo trẻ đã hoàn thành sứ mạng về sự tri ân của thế hệ trẻ của mình đối với tiền nhân. Còn tôi lại sững sờ chỉ nói được lên một lời:
- Xin cảm ơn! Cảm ơn tất cả!
Đoàn chúng tôi gồm một số anh chị em Trường Giáo dục Tháng Tám năm xưa: Cô giáo Thiên Hương, cô giáo Phi Vân, thầy Dương Quốc Đạt ở TP Hồ Chí Minh. Cô Thu Vân ở Bình Dương... và tôi, người thầy giáo cuối cùng của khóa học còn lại từ Phú Yên - miền Nam Trung Bộ vượt hàng ngàn cây số vào tận ấp Bà Bèo để viếng hương hồn đồng đội, liệt sĩ, cô giáo Lê Thị Thiên kịp cùng ngày cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm trọng thể lần thứ 30 Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2012.
Bầu trời Nam Bộ xanh cao lồng lộng không một gợn mây, vượt những cánh đồng bát ngát lúa đang con gái, xe lớn, xe nhỏ, xe của huyện ủy, ủy ban, xe của phòng giáo dục, xe của Báo Bình Dương đều phải chuyển sang tấp nập xe Honda của bà con dân làng len lỏi theo bờ kênh kháng chiến nhấp nhô bập bềnh những ao bèo mênh mông, hướng về một ngôi nhà cuối đường đơn sơ đang nghi ngút khói hương - Ngôi nhà xưa của cô giáo, liệt sĩ Lê Thị Thiên.
Một buổi tưởng niệm liệt sĩ không hoành tráng lễ nghi mà giản dị ấm cúng sâu lắng những tấm lòng dân dã của mấy thế hệ ở một khu căn cứ cách mạng nổi tiếng vùng Cai Lậy. Trên bàn thờ chen kín những bó hoa huệ trắng tinh, hoa sen Đồng Tháp thắm hồng thơm phức, cả hoa bông trang mộc mạc quê nhà... chiếc ảnh liệt sĩ được phóng to từ Báo Bình Dương mang về, cô du kích vẫn nụ cười tươi hiền hòa như chan hòa trò chuyện cùng bà con, cô bác, thầy, bạn gần xa.
Tôi bất giác nhớ lại buổi lễ nhà giáo - lúc bây giờ còn gọi là Ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo (FISE) - lần đầu tiên được tổ chức ở miền Nam, Sóc Thiếc, đại ngàn chiến khu Dương Minh Châu. 125 anh chị em chúng tôi quây quần kể chuyện về nhà trường XHCN, về chuyện nhà giáo miền Bắc, về viễn cảnh tương lai của nhà trường ở miền Nam giải phóng. Chúng tôi biểu diễn những tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn thật là vui nhộn. Các cô giáo sinh bé nhất Hương Huyền, Lệ Chi, Thu Trinh, Thu Thiên (2)... cứ ngồi xích gần lại để nghe, để xem cho rõ... không ngờ tối hôm ấy, cô giáo sinh nhỏ đã ghi nhật ký: Ngày 20/11/1964 là ngày lễ Nhà giáo yêu nước M, nghe kể chuyện nghề giáo. Mình cần học tập nhiều hơn nữa, trau dồi bản thân để trở thành một người giáo viên toàn diện, yêu nghề, yêu trẻ đúng mực... Đây là nơi rèn luyện M, thành người kỹ sư tâm hồn...
Ước mơ trở thành nhà giáo được nhen nhóm “Từ ngày Thiên rời mái trường trở thành địa phương tham gia cách mạng. Vừa dạy học vừa tham gia các công tác kháng chiến”, hôm nay đang trở thành sự thật.
Tuy thời gian học tập ở Trường Sư phạm Tháng Tám quá ngắn ngủi, chưa đầy 9 tháng trong hoàn cảnh vô cùng gian lao, thiếu thốn, nhưng thầy trò, bạn bè chúng tôi đã sống những ngày giờ tốt đẹp, đã trao cho nhau những kiến thức văn hóa, nghiệp vụ quý giá, đã bồi dưỡng, hình thành cho nhau những quan điểm cơ bản về thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, một lý tưởng, một khát khao cháy bỏng là phấn đấu trở thành một người chiến sĩ giải phóng, một thầy giáo cách mạng được hiến dâng tuổi trẻ cho quê hương, đất nước.
IV
“Tấm gương phấn đấu học tập, rèn luyện trở thành người giáo viên cách mạng”
Thiên ơi! Thiên có nhớ không? Còn thầy dần dần nhớ rõ ra. Trong nhóm gần 25 nữ giáo sinh, các chị Ái Tú, chị Lê Hằng, chị Thiên Hương, chị Phi Vân, chị Thu Vân... là đàn chị, các chị đã là sinh viên, nữ sinh các trường đại học, trung học Sài Gòn, là cán
bộ phong trào, là biệt động thành... còn các em Hương Huyền, Thu Trinh, Diễm Thanh và Thu Thiên là bé nhất, học lực mới vừa qua bậc tiểu học mà các em có quyết tâm chăm chỉ nỗ lực học tập và rèn luyện đạo đức cao lắm đã theo kịp các chị.
Ngày 22/6/1964, Thiên viết: “Khi bước chân lên đường học tập, cần phải cố gắng nhiều và phải cẩn thận với bổn phận con gái để xứng đáng là đứa con yêu của ba má, người em của các chị, đứa con ưu tú của cách mạng, của Đảng”.
Thu Thiên tươi tắn mà trầm tĩnh, sống chan hòa, cởi mở mà chừng mực, giữ gìn phận gái, luôn nghiêm khắc với bản thân mà khoan dung rộng lượng với trang lứa nên nhỏ mà được anh chị, bạn bè yêu nể. Vì Thiên nghĩ rằng người con ưu tú của cách mạng và đứa con yêu của ba má là một - Ham học hỏi và không thỏa mãn với những gì mình đạt được là tính tốt của Thiên.
Ngày 30/11/1964, Thiên ghi: Học tập xong phần giáo dục học (môn của thầy giảng dạy) và làm bài kiểm tra. Thiên cứ mãi băn khoăn vì kết quả chưa cao. Bài đạt điểm 4(3) là điểm khá đấy chứ. Thiên tự “nhận thấy phần lý luận còn yếu” phải “tập trung tư tưởng cao độ, vô tư mà học tập”. Thầy còn nhớ một hôm nào đấy Thiên cùng Hương Huyền hơi chút rụt rè, ngập ngừng hỏi thầy: “Thế nào là phương pháp tư tưởng khoa học” - Thầy cười vui và trả lời đúng bài: Là sự thống hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử vận dụng vào nhận thức thực tiễn và hành động thực hiện đường lối cách mạng đi đến quyết tâm chiến thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai... Bây giờ được đọc Nhật ký của Thiên thấy sự giải thích của Thầy sao mà nhạt quá. Ngày 20/11/1964, Thiên đã ghi rằng: “Học để nắm vững trí thức khoa học đúng. Có văn hóa làm cơ sở để nâng cao chất lượng công tác,... phải tập trung tư tưởng cao độ, đào sâu suy nghĩ, lật ngược lật xuôi vấn đề...”. Học làm người giáo viên là phải gắn liền lý thuyết với thực hành, phải gắn liền nhiệm vụ học tập với công cuộc kháng chiến. “Chiến sĩ giải phóng quân giết được nhiều giặc, người giáo viên trên mặt trận văn hóa phải nỗ lực học tập nhiều hơn nữa” (20/12/1964).
Thiên có nhớ không? Sau những cơn gầm rú của máy bay Mỹ, những trận bom pháo của kẻ thù, thầy trò ta cũng có những giây phút yên ắng để tâm hồn dạt dào với những áng hùng văn “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ văn” hay tưởng tượng khí thế hào hùng vĩ đại của cảnh Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn độc lập ở Ba Đình lịch sử”, lại có lúc thấy trò ta không cầm được xúc động khi nghiên cứu tiểu thuyết “Tắt đèn” đến cảnh chị Dậu bán con và ổ chó cho nhà Nghị Quế. Có lẽ là do sự gợi cảm của tác phẩm và sự liên cảm đến số phận của người thân, bà con cô bác đang sống cảnh lầm than, khốn khổ ở vùng Mỹ ngụy.
Bài học sư phạm của chúng ta có sức lay động sâu xa bởi những dòng tin chiến thắng ở Vạn Tường, Bình Giã. Cái chết lẫm liệt của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi là trang giáo khoa kỳ diệu nung đúc tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc, dám hy sinh cho Tổ quốc.
Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào Nam, chuyển từ chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ. Những trận thắng Mỹ đầu tiên ở núi Thành, Bầu Bàng làm nức lòng thầy trò chúng ta. Trái gùi, trái viết ở chiến khu đã đến màu chín tới, thầy trò ta chưa kịp thưởng thức hương vị của hoa trái đại ngàn thì tiếng súng chiến trường xa đã giục giã lên đường. Em Thiên, em đã viết về buổi lễ kết thúc khóa học cũng là buổi xuất quân như sau: “Ngày 27/2/1965, lễ bế giảng với khí thế tưng bừng, nhộn nhịp, bao phấn khởi qua những lời của đại diện TB (Tiểu ban GD TWC) đại biểu Đảng, Trung ương Mặt trận. M, mãi mãi ghi sâu. Số kiến thức đó chỉ mới là bước đầu, luôn trau dồi nghiệp vụ, trình độ chính trị, văn hóa. Chính trị là thống thoái, nghiệp vụ là trung tâm, văn hóa là cơ sở - phải là học trò nhỏ của quần chúng. Tin tưởng hoàn toàn và bồi dưỡng văn hóa cho họ. Tin tưởng phấn khởi khi về địa phương công tác”.
Có lẽ những dòng nhật ký của Thiên là sự đúc kết cô đọng nhất về phương châm, nội dung, yêu cầu và kết quả của Trường Sư phạm giáo dục Tháng Tám - Ngôi đường đã góp phần hình thành nhân cách của các nhà giáo cách mạng miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Thầy trò chúng tôi chia tay nhau trong khí thế ra quân hào hùng và cũng không giấu giếm những giọt lệ lưu luyến thân thương...
(Còn nữa)
-----------------------
(1) M, Nhật ký viết tắt chữ M, tức là chữ Mình.
(2) Ta chú ý ở trang đầu nhật ký, tên tác giả bị xóa mà vẫn còn thấy rõ 2 chữ T. Đó là Thu Thiên - tên tác giả lúc còn đi học ở quê.
(3) Theo thang điểm Liên Xô, điểm 4 là điểm khá, điểm 5 là điểm giỏi.
Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú: NGUYỄN XUÂN ĐÀM
(Nguyên giáo viên Trường Giáo dục Tháng Tám –
Trung ương Cục Miền Nam 1964-1965)