Chủ Nhật, 24/11/2024 04:27 SA
Cô giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên, tác giả “Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh”
Thứ Bảy, 26/10/2013 11:00 SA

I

 

Cuộc trùng phùng trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngành Giáo dục Cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam từ ngày 11 đến ngày 12/10/2012 do Bộ Giáo dục và đào tạo, Công đoàn Giáo dục, Hội Cựu giáo chức và Ban liên lạc truyền thông của Tiểu ban Giáo dục TWC miền Nam tổ chức đã để lại trong chúng tôi, những thầy giáo, cán bộ giáo dục miền Nam, những nhà giáo đi B những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Được chứng kiến lễ khánh thành bia ghi dấu nơi thành lập Tiểu ban GD TWC miền Nam 50 năm về trước, được thắp nén hương kính viếng 611 hương hồn các thầy cô giáo mà tên tuổi của họ được khắc ghi trên Đài tưởng niệm của liệt sĩ giáo dục miền Nam ở Đồi 82, Tây Ninh, nhưng chúng tôi vẫn nặng lòng ngậm mùi thương nhớ biết bao bạn bè, đồng chí đang còn nằm lại trong điệp trùng sơn khê, nơi góc biển chân trời của non sông đất nước!

 

thay-dam131026.jpg

Thầy Đàm và đồng đội trước bàn thờ của chị Thiên trong ngày 2/11/2012

Hôm ấy, Tòa báo tỉnh Bình Dương đã đưa đến các đại biểu một “Kỷ vật từ trong lòng đất” - một cuốn nhật ký có tựa đề “Thế hệ Hồ Chí Minh” đã nằm sâu trong lòng đất ở xóm Đèn, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương từ 48 năm qua mà tòa báo vừa phát hiện. Nhưng tiếc thay tên tác giả của nhật ký lại do chính tác giả cố ý xóa mờ, và cũng không một địa chỉ gia đình, quê hương. Hàng ngàn đại biểu trong lễ hội, cả nhà báo, nhà giáo chúng tôi trào dâng niềm xúc động và nóng lòng làm sao tìm cho được tác giả để quyển nhật ký quý giá sớm được về với cha mẹ, gia đình và quê hương của liệt sĩ.

 

II

 

“Bạn đi son sắt một lời thề”

 

Tôi bàng hoàng và cố nén lòng để đọc đi đọc lại nhiều lần từng dòng trên 33 trang nhật ký được ghi từ tháng 12/1962 đến ngày 20/10/1966 - cái ngày mà cuốn nhật ký vĩnh viễn khép lại, và ngắm nhìn 6 tấm hình: Hình ảnh Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường, hình một cô du kích trẻ măng trong chiếc áo bà ba giản dị, nụ cười rạng rỡ với đôi mắt đen tròn dưới vành mũ tai bèo mềm mại, ảnh một cô gái mặc áo dài ngồi dưới gốc dừa, và ảnh một cô bé gái mặc áo đầm... Tất cả các thời điểm, nội dung sinh hoạt, học tập và công tác được ghi lại trong “Nhật ký” đúng như một cuốn phim tài liệu lịch sử quay lại quá trình hình thành và hoạt động của Trường Giáo dục Tháng Tám thuộc Tiểu ban Giáo dục TWC - ngôi trường sư phạm đầu tiên của ngành Giáo dục miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ mà tôi có may mắn góp phần.

 

Tôi là đứa con miền Nam được tập kết ra Bắc học tập. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1959, làm Hiệu trưởng trường Sư phạm Trung cấp Hà Tĩnh từ 1960 đến 1963. Theo tiếng gọi thiêng liêng của quê hương, tôi lên đường đi B. Sau 5 tháng 10 ngày vượt Trường Sơn, tháng 4/1964 tôi về đến Tiểu ban Giáo dục TWC miền Nam (TBGDR).

 

Lúc bấy giờ, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam trên đà thắng lợi, phát triển mạnh mẽ. Vùng giải phóng được mở rộng, cần nhiều trường lớp để đáp ứng yêu cầu học tập của con em nhân dân. Cuộc đấu tranh chống Mỹ ngụy trên mặt trận văn hóa giáo dục cũng được phát triển trong các vùng ven, vùng đô thị cần phải có một đội ngũ cán bộ giáo dục và giáo viên đông đảo, được đào tạo tốt để đáp ứng nhiệm vụ mới, Ban Tuyên huấn TWC miền Nam mà trực tiếp là đồng chí Năm Quang (Trần Bạch Đằng) trực tiếp chỉ đạo quyết định mở Trường Giáo dục Tháng Tám. (Trường mở vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm 1963 nên đặt tên là Trường Giáo dục Tháng Tám).

 

Trường tồn tại được 2 khóa, khóa I - năm 1963, khóa II từ tháng 7/1964 đến tháng 3/1965. Tôi được giao trách nhiệm thực hiện khóa II (khóa I vừa kết thúc vào tháng 2/1964). Do đó từ việc thảo công văn triệu tập học viên, lo chuẩn bị căn cứ, hậu cần, đến việc xây dựng nội dung chương trình các môn học văn hóa, nghiệp vụ, các hoạt động ngoại khóa, phân phối thời gian biểu, tôi đều được tham gia. Tất cả những điều ấy đều được “nhật ký” ghi lại một cách chính xác. Tôi lại bất ngờ hơn nữa là ký hiệu hòm thư của đơn vị cũng được ghi rõ: HT 1217B/B25. Trong chiến tranh hòm thư là bí số, là mật mã để giữ được thông tin liên lạc, để người cùng đơn vị nhận ra nhau. Và đến hôm nay, thầy trò, đồng học chúng tôi đã tìm được nhau! Nhưng lòng của chúng tôi lại nặng trĩu, băn khoăn biết bao khi mình đăm đắm soi nhìn vào những tấm hình được ấp ủ trong cuốn nhật ký mà không biết ấy là ai. Những tấm hình thì không nói, chỉ thản nhiên mỉm cười. Còn chúng tôi thì ray rứt không biết cô nữ du kích ấy có phải là tác giả, tên gì, ở đâu, có phải là học trò của mình không, bạn đồng học của mình không? Cô nữ du kích, 48 năm nằm trong lòng đất mẹ thì trẻ măng tuổi 20. Còn chúng tôi đã bước qua tuổi “cổ lai hy”! Ôi! Cái khắc nghiệt của thời gian và cuộc chiến! Tôi cung cấp những thông tin chính xác, cả những khắc khoải của mình và cùng tham gia vào cuộc hành trình.

 

Với tinh thần trách nhiệm cao và trên hết là lòng ngưỡng mộ, sự tri ân và cảm thương sâu sắc của Ban lãnh đạo và các nhà báo Báo Bình Dương đã cùng với bao nghĩa cử, bao tấm lòng của đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp, các thầy giáo, cô giáo cùng thế hệ ở khắp các chiến trường miền Đông, chiến khu Đ, chiến khu Dương Minh Châu, miền Tây, miền Trung Nam Bộ đã không quản gian truân vất vả trên 2 tháng trời trong cuộc hành trình đi tìm tung tích người liệt sĩ, chủ nhân của cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, có lúc lóe sáng, có lúc tưởng chừ bế tắc, như chuyện đáy biển mò kim...

 

Nhưng rồi, như một cơ may, một huyền thoại có tâm linh dẫn dắt, một sáng mùa thu năm 2012, một cuộc trở về thần kỳ đã vỡ òa niềm xúc động và đầy tự hào ở ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - anh Lê Thành Vân bàng hoàng nâng tấm ảnh người liệt sĩ, người dì ruột kính yêu của mình mà ngỡ ngàng như trong giấc mơ xưa nay chưa từng biết. Cụ Mai Văn Nghiêm 80 tuổi run run nói: “Dì Sáu Thiên của con đấy! Nó chớ ai”. Hồi ấy, tháng 2/1962, tôi làm cán bộ của xã, tổ chức đưa 5 thanh niên ấp Bà Bèo đi bộ đội chi viện cho miền Đông. Thiên là nhỏ nhất, mới bước vào tuổi 17. Nó ốm hơn trong ảnh, nhưng nhất quyết hăng hái xung phong. Nó nhanh nhẹn, xinh gái lắm, tội nghiệp!”. Bà con xóm giềng quây quanh di ảnh người nữ liệt sĩ kể chuyện về tuổi thơ, về ký ức, về nỗi nhớ, niềm thương của người cùng lứa tuổi, các cháu nhỏ thì há hốc nghe những chuyện cổ tích của ông bà...

 

Nâng niu tấm hình của bạn trên tay, cô giáo Nguyễn Thị Sáu, 66 tuổi nguyên Hiệu trưởng một trường PTTH ở Cai Lậy bồi hồi kể lại những năm tháng của tuổi bạn bè thuở ấu thơ: Thiên, nó đẹp lắm. Nó có cái răng khểnh bên phải. Tôi dụ nó “cưa đi” bịt vàng vào cho đẹp hơn. Nó cự nự, bẽn lẽn, cười duyên. Nhìn thấy ba má mình bị bọn địch đánh đập tra tấn dã man vì đào hầm nuôi dấu Việt Cộng, nó rủ tôi cùng thề lớn lên đi bộ đội diệt giặc, trả thù. Và nó cùng anh Tính đi thật. Thiên nó ốm yếu, mảnh khảnh, tôi thương lắm. Tôi thút thít, cầm tay nói với nó: “Thôi mày ở nhà, tham gia du kích xã cũng được, lên miền Đông xa lắm!”. Chúng tôi ở đồng bằng chỉ nghe trên ấy toàn là rừng núi và đất đỏ, chỉ thích câu hát “Miền Đông gian lao và anh dũng” thật oai hùng và hấp dẫn... Thiên nó dứt khoát nói đúng một câu: “Thôi mày ở lại mạnh giỏi”. Thế mà biền biệt mãi hôm nay mới gặp lại. “Thiên ơi - Sáu đây nè - bạn đi son sắt một lời thề”!

 

Vợ chồng anh Vân nâng cao giấy báo tử như khấn vái. Giấy báo tử ghi rõ: Đồng chí Lê Thị Thiên. Sinh năm 1945 tại ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nhập ngũ ngày 8/2/1962, hy sinh ngày 10/10/1966. Đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng ba và truy tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhì...

 

Trong căn nhà cũ của ông bà, khói hương nghi ngút, anh Lê Thành Văn bùi ngùi: Dì Sáu ơi! ông bà ngoại chờ dì và cậu Tính mãi. Ngày nào ông bà cũng mong ngóng tin dì, cậu. Giá như dì về sớm hơn vài năm thì ông bà được an ủi và ra đi thanh thản!”.

 

Thế là cuộc hành trình nặng nghĩa tình để đi tìm tác giả cuốn “Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh” đã đi đến đích! Di vật thiêng liêng và linh hồn cao khiết của liệt sĩ - cô giáo Lê Thị Thiên hôm nay đã về được với gia đình, quê hương thân yêu trong niềm xúc động trào dâng và tự hào khôn xiết! Chắc nơi suối vàng cô giáo cũng nở nụ cười mãn nguyện!.

 

(Còn nữa)

 

Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú: NGUYỄN XUÂN ĐÀM

(Nguyên giáo viên Trường Giáo dục Tháng Tám –

Trung ương Cục Miền Nam 1964-1965)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Góp nhặt ở Trường Sa
Thứ Bảy, 26/10/2013 07:57 SA
Ngỡ ngàng nghề săn rắn lục
Thứ Bảy, 28/09/2013 09:09 SA
Ông giáo… họng hạt
Thứ Bảy, 21/09/2013 16:00 CH
Du lịch “bụi” ở Hạ Long
Thứ Bảy, 14/09/2013 08:15 SA
Đến với lính nhà giàn
Thứ Bảy, 07/09/2013 08:40 SA
Bài cuối: Giải pháp nào để giữ rừng?
Thứ Bảy, 31/08/2013 08:57 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek