Thầy giáo Cao Văn A hiện dạy thể dục tại Trường THCS Phạm Văn Đồng, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa. Cách đây gần 20 năm, trong một dịp hè lên huyện miền núi Sông Hinh, thầy A học được bài thuốc chữa viêm họng hạt của ông bạn người Ê Đê. Rồi cũng lửng đi…
Thầy giáo Cao Văn A - Ảnh: N.PHI
CHỮA BỆNH CHO VỢ
Vợ thầy A cũng là giáo viên, cô dạy văn. Cách đây 5 năm, cô bị viêm họng cấp, sau chuyển sang mãn tính. Đi khám, bác sĩ kết luận viêm họng hạt. Dạy trên lớp với tiết đôi, sang tiết thứ hai cô nói không nổi nữa, người bủn rủn, sốt, chân muốn khụy xuống,... Mỗi lần uống thuốc Tây, đỡ được vài hôm rồi tái lại nặng hơn. Đi đốt điện rồi vẫn tái phát.
Bí quá, thầy A ráng nhớ lại bài thuốc học được năm xưa. Chỉ là những cây lá mọc xung quanh nơi ở, thầy chặt đem về rửa sạch, phơi khô, băm nhỏ, sấy, nấu nước cho vợ uống. Vợ thầy uống đến mười hôm vẫn chưa khỏi nhưng thuốc ấy làm ngủ ngon, ăn được, lên cân. Uống thuốc kiên trì cả tháng, bỗng ngày kia cô dạy xong hai tiết, vẫn thấy khỏe y như hồi mới ra trường vậy.
Rất nhiều giáo viên viêm họng mãn tính, một thứ bệnh nghề nghiệp. Thầy A chỉ bài thuốc cho đồng nghiệp uống và họ cũng khỏi. Có người khỏi bệnh, viết thư cảm ơn trên blog. Nhân đó, thầy A giới thiệu bài thuốc này trên một trang mạng tại địa chỉ: http://yume.vn/caovana/article/benh-viem-hong-hat-man-tinh-co-the-chua-khoi-hoan-toan.35D50D67.html.
Hiện tại, nguy cơ mắc bệnh viêm họng hạt luôn cao, do thời tiết bất thường, do các chất thải độc hại từ môi trường,… Thầy A nói: “Thay vì bịt mặt mũi kín mít khi ra đường, hằng ngày nên hái rau má, đào rễ tranh, lá mơ (cả dây), lá đinh lăng,… rửa sạch, phơi khô, sao vàng, nấu nước uống”.
Giấy khen của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - Ảnh: N.PHI
BỖNG DƯNG CÓ TIẾNG
Nhiều người viêm họng hạt không chữa khỏi bằng Tây y ở các nơi, cả ở nước ngoài, điện về hỏi thầy A bài thuốc. Đa phần người bệnh làm công chức, họ không có thời gian, lại ở thành phố nên tìm đâu ra cây thuốc. Họ đặt thầy A bán thuốc cho họ. Vợ chồng thầy nhận thông tin thấy lúng túng, bỡ ngỡ.
Từ bài thuốc nam ban đầu, thầy A nghiên cứu thêm, nay lên đến 19 loại cây, lá, củ, rễ nên dần dần bài thuốc đã phổ dụng và hiệu quả hơn. Có thứ cây thuốc hơi khó tìm, để tận dụng thuốc, thay vì băm cây thuốc từng khúc thầy đặt máy (do học trò là kỹ sư cơ khí thiết kế dùm) xay nhỏ nên nước thuốc sắc ra đậm đặc hơn. Trước khi gửi thuốc đến người bệnh ở xa, ngoài chỉ dẫn cách sắc thuốc, bao giờ thầy cũng kèm lời khuyên: “Cần phải kiên trì uống thuốc!”, bởi một liều uống đến một tháng không ngưng ngày nào. Nhiều người viêm họng hạt đã “lậm” phải uống mấy tháng mới thuyên giảm. Trong quá trình uống thuốc, bệnh viêm họng dần khỏi thì các chức năng sinh lý khác cũng được cải thiện rõ rệt.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người viết thư cảm ơn, sẵn phương tiện blog, facebook họ đã giới thiệu cho nhiều người biết. Có người còn viết thư “tiến cử” thầy A đến chương trình “Thương hiệu nghề truyền thống - Báu vật gia truyền Việt Nam”. Tháng 12/2012, Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng “Thương hiệu nghề truyền thống Việt Nam” cho tay nghề thuốc nam của thầy Cao Văn A. Thầy A là một trong 105 cá nhân được vinh danh trong cuốn Kỷ yếu tôn vinh những cá nhân đạt giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông và những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong toàn quốc...
NGUYỄN PHI – HÙNG PHIÊN