“Nhà giàn trong mây canh một hướng Tây Nam/ Khi nước triều dâng nằm ngang mặt sóng/ Ngồi chờ trăng lên chung lá thư tình/ Biển sóng hát ca mơ về quê nhà…”. Câu hát ấy cứ ngân nga trong suốt hành trình cùng chúng tôi cưỡi sóng biển tới nhà giàn DK1. Cái tên “nhà giàn” nghe sao như lạ, như quen, nhưng thật da diết, mời gọi...
Nhà giàn DK1/10
HỒI HỘP, CHỜ MONG
Tiếng còi tàu hú lên 3 hồi liên tiếp như muốn gửi lời chào đất liền yêu dấu rồi từ từ rẽ sóng vươn xa. Ngồi cạnh tôi là cô bạn phóng viên trẻ Duệ Dinh (Báo Thái Nguyên). Mặc cho con tàu chao đảo, lắc lư theo nhịp nghiêng của biển, cô vẫn cố nhoài người nhìn ra cửa sổ để trải nghiệm cái mênh mang, hun hút của đại dương. “Biển động, sóng xô mạn tàu ghê quá anh ơi! Không biết trên nhà giàn các anh bộ đội sống thế nào anh nhỉ?”-câu hỏi của nữ nhà báo cũng là tâm trạng chung của mấy chục hành khách đang hồi hộp tìm kiếm câu trả lời. Tiếng sóng vẫn vỗ ầm ào, bọt tung trắng xóa. Đại úy Nguyễn Anh Tuấn, Chính trị viên tàu HQ 636 (Vùng 2 Hải quân), mỉm cười: “Các anh, chị đừng sốt ruột! Chịu khó vượt sóng vài ngày nữa, lên tới nhà giàn khắc rõ”…
Sau mấy ngày ngất ngây cùng sóng biển, chúng tôi đã nhìn thấy “nhà giàn trong mây”. Giữa muôn trùng đại dương, nhà giàn thật nhỏ bé, chỉ như một dấu chấm trên tờ giấy khổng lồ màu xanh biếc. “Sóng to thế này làm sao lên được nhà giàn hả anh? Nhưng dù thế nào các anh cũng phải cố gắng tìm cách cho em lên được nhà giàn đấy nhé! Ao ước mãi lần này em mới được đi”-Phóng viên Mỹ Hương (Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh) tỏ vẻ lo lắng. Thượng úy Nguyễn Đình Tiến, Thuyền trưởng trấn an: “Tàu sẽ neo đậu cách nhà giàn chừng 100m. Nếu sóng chỉ khoảng cấp 4, cấp 5, chúng tôi sẽ dùng ca-nô đưa các anh, chị lên nhà giàn. Nhưng mọi người phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đu dây khi cần thiết”. “Đu dây là sao hả đồng chí?”-nhà báo Bùi Văn Doanh (Báo Văn hóa) ngạc nhiên. Thủy thủ Nguyễn Văn Cường giải thích: “Tới chân nhà giàn sóng đập rất dữ, ca-nô không thể vào sát chân cột được vì sợ mất an toàn. Cho nên, anh em trên nhà giàn đã chuẩn bị sẵn bộ dây chuyên dụng thả xuống ca-nô, rồi dùng sức kéo từng người lên đó”.
LẠC QUAN VÀ MẾN KHÁCH
Con tàu đến gần hơn chút nữa, chúng tôi nhận ra những cán bộ, chiến sĩ đứng quanh nhà giàn đang vẫy cờ, vẫy tay chào đón. Như quên hết mọi mệt nhọc trong suốt hành trình, tất cả hành khách ùa ra boong tàu. Anh Vũ Đức Long, cán bộ Tỉnh đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, bắc loa tay nói lớn: “Chào các anh bộ đội. Gia đình nhà giàn có mạnh khỏe không?”. Tiếng sóng biển làm âm thanh vỡ vụn. Nhìn lên nhà giàn, chỉ thấy những cánh tay vẫy gọi, mừng vui tha thiết.
Tàu đã neo đậu ở khoảng cách an toàn. Cả nhà giàn DK1/10 đang đứng đợi chúng tôi trong niềm vui háo hức. Chiếc ca-nô nhỏ dềnh lên, thụp xuống đưa từng nhóm khách tới chân nhà giàn. Đi cùng chuyến với tôi, nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Đài PTTH Quảng Ninh, cứ giơ máy ảnh bấm liên hồi mặc cho sóng nước bắn lên tung tóe. Anh bảo: “Khoảnh khắc và góc chụp như thế này hiếm có lắm! Anh em đón mình như đón người thân vậy. Thế mới biết, anh em khát khao tình cảm đất liền đến nhường nào!”. Vâng, đồng đội của tôi là thế! Quanh năm họ làm bạn cùng sóng biển. Mọi thông tin, liên hệ, giao tiếp với bên ngoài chỉ gói gọn qua chiếc điện thoại di động.
Trong nhà giàn, mọi tiện nghi, vật dụng được bố trí như một ngôi nhà nhỏ nhắn, xinh xinh. Từ nơi ăn, ngủ, tiếp khách đều rất gọn gàng, ngăn nắp toát lên vẻ ấm cúng, thân thương. Gương mặt những người lính biển lộ rõ nét mừng vui. Trung tá Bùi Xuân Hoạt, Chính trị viên nhà giàn DK1/10, hồ hởi: “Chẳng mấy khi có đoàn công tác từ đất liền ra thăm, hôm nay gia đình nhà giàn xin chiêu đãi đoàn toàn đặc sản biển”. Đặc sản mà anh Hoạt nói là đủ loại cá tươi, cá khô do anh em câu được. Ngay cả nước mắm cũng do các anh tự chưng cất để ăn dần. Có thể nói, trừ gạo ra còn lại các món ăn của lính nhà giàn gần như là tự cung, tự cấp.
Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn là thế nhưng họ vẫn rất lạc quan, yêu đời, giàu lòng mến khách. Bữa tiệc sang nhất của nhà giàn chính là những lời ca tiếng hát tự nhiên, say sưa, đầm ấm. Từ chỉ huy cho đến chiến sĩ, ai cũng hát và hát rất hay về biển, về tình yêu quê hương đất nước: “Sóng gió mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó/ Chông chênh mà chông chênh, lính nhà giàn chẳng sợ bão giông/ Nắng gió mặc nắng gió, lính nhà giàn thề không ngại khó/ Mưa giông mà mưa giông, lính nhà giàn vẫn thắm hoa hồng”. Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Bá Cường bộc bạch: “Những lúc rảnh rỗi, nhớ quê nhà, niềm vui duy nhất và cũng là món ăn tinh thần quý nhất với chúng tôi là lời ca, tiếng hát. Ai thuộc bài nào thì hát bài đó, rồi tập cho nhau cùng hát về biển trời Tổ quốc. Miết rồi quen thôi”. “Vậy mà hay hơn cả “giọng ca vàng” của Báo Thái Nguyên kia đấy!”-Duệ Dinh cười, thán phục.
CHỖ DỰA CỦA NGƯ DÂN
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ vùng biển phía Tây Nam Tổ quốc, bộ đội nhà giàn còn là chỗ dựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm bám biển. Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10, cho biết: “Sự có mặt của ngư dân với những hoạt động thường ngày cũng chính là bằng chứng khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Bởi vậy, mặc dù anh em chúng tôi phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt, từng cọng rau nhưng khi ngư dân cần, chúng tôi vẫn sẵn sàng chia sẻ cho bà con. Mỗi tháng cũng phải có tới vài ba lần tàu cá ghé vào nhờ giúp đỡ. Ấy là chưa kể những trường hợp phát tín hiệu sự cố khẩn cấp là cả nhà giàn lại tất bật cứu người”.
Nghe anh kể, tôi bỗng nhớ lại, cuối tháng 6 vừa qua, nhà giàn DK1/10 đã cứu sống ngư dân Nguyễn Văn Dũng, 40 tuổi, thuộc tỉnh Bạc Liêu trong tình trạng hôn mê. Do sơ suất khi đang ướp cá, anh Dũng bị nắp thùng cá đập vào đầu, ngã xuống hầm tàu, chấn thương toàn thân. Nhận được tín hiệu cấp cứu, Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn đã cùng quân y và các chiến sĩ khẩn trương đưa nạn nhân lên nhà giàn tiến hành sơ cứu, băng bó, cầm máu, tiêm thuốc trợ tim…, 30 phút sau nạn nhân hồi tỉnh, các anh lại cấp thêm thuốc, đưa xuống tàu trở về đất liền điều trị. Những việc làm nghĩa tình như thế với người lính canh biển rất đỗi bình thường. Còn nhớ, 10 năm trước, đầu tháng 12 năm 2003, nhà giàn DK1/9 cũng đã cứu sống 3 ngư dân Quảng Ngãi bị trôi dạt 3 ngày liền trên biển. Sau khi đưa họ lên nhà giàn cấp cứu, các anh đã tận tình chăm sóc, nhường phần ăn, quần áo, nước ngọt nuôi dưỡng họ suốt 1 tuần rồi liên lạc với địa phương đưa họ trở về quê an toàn. Cuối năm 2009, nhà giàn DK1/7 cũng hỗ trợ cứu sống 2 ngư dân gặp nạn trên tàu cá Quảng Nam, giúp đỡ bà con khi gặp sóng gió bất thường…
Những việc làm đó góp phần tô đẹp mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân, hình thành thế trận vững chắc, kiên cường giữ biển. Đúng như lời của ngư dân Nguyễn Văn Dũng sau khi được “cải tử hoàn sinh”: “Mỗi khi gặp nạn trên biển, chúng tôi luôn được bộ đội nhà giàn tận tình cưu mang, giúp đỡ. Dù cuộc sống của các anh cũng rất thiếu thốn. Có các anh, chúng tôi thêm vững tâm bám biển”.
GIỮ BIỂN BẰNG TRÁI TIM
Cách đây không lâu, tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Đăng Hùng, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/18 tại TP Vũng Tàu. Anh đã đọc cho tôi nghe mấy vần thơ mộc mạc để nói về cái nghiệp của mình: “Rồi từ đó những người con của biển/ Lại tới đây lấy sóng làm nhà/ Cho hạt cát cũng mang hồn Tổ quốc/ Tổ quốc ở nơi này có tên gọi DK...”. Hôm nay, chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của người chiến sĩ nhà giàn, tôi càng thêm hiểu họ giữ biển bằng cả trái tim. Tổ quốc với họ thật cụ thể, bình dị như chính sự an toàn, vẹn nguyên của nhà giàn DK1. Anh Thạch Văn Bình, Phó bí thư Tỉnh đoàn Trà Vinh, tâm sự: “Có ra nhà giàn mới thấy, dù quá bé nhỏ giữa đại dương bao la nhưng bộ đội thực sự là những con người quả cảm. Các anh luôn phải đương đầu với sóng to gió lớn và bao hiểm nguy rình rập nhưng vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ sự yên bình cho Tổ quốc. Họ thật xứng đáng được tôn vinh”.
Chính từ tình yêu biển đảo, yêu Tổ quốc quê hương mà những con người như Trung tá Bùi Xuân Hoạt, Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn, Thiếu tá Nguyễn Đăng Hùng… đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, bao bão tố phong ba và sự khắc nghiệt của biển để gắn bó với nhà giàn gần hai chục năm nay. Sự có mặt của họ ở nhà giàn như những cột mốc chủ quyền sống trên biển…
Mặt trời đội biển ngoi lên. Một ngày mới bắt đầu. Con tàu đưa chúng tôi trở lại đất liền, xa nhà giàn nhỏ bé giữa trùng khơi. Phóng viên Mỹ Hương, mắt đỏ hoe, thút thít: “Quanh năm làm bạn cùng biển cả để bảo vệ Tổ quốc, các anh bộ đội nhà giàn vẫn lạc quan, yêu đời làm sao. Sự hy sinh của các anh cho quê hương, đất nước lặng thầm nhưng thật lớn lao”.
HOÀNG THÀNH (QĐND)