Đương kim vô địch Trung Quốc Super League 2020, CLB Giang Tô vừa thông báo dừng hoạt động vô thời hạn. Thông tin này khiến người hâm mộ bóng đá châu Á và thế giới cảm thấy sốc và không nghĩ rằng một thế lực của bóng đá Trung Quốc lại nói lời chia tay bóng đá một cách chóng vánh như vậy. Nhưng sự việc này chỉ như “giọt nước tràn ly”, bởi nền bóng đá Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây luôn tồn tại nhiều vấn đề.
Thể thao Trung Quốc thống trị thế giới ở các môn thể thao thuộc hệ thống Olympic. Nhưng với bóng đá, Trung Quốc lại chưa bao giờ thỏa mãn ý định vượt ra bên ngoài châu lục. Trong lịch sử, họ chỉ một lần dự World Cup 2002 và trong những năm gần đây, tình hình còn xấu đi, khi liên tục bị loại ở các giải châu Á, với các cấp đội tuyển khác nhau. Cần phải nói thêm, để đẩy nhanh tham vọng của mình, những người làm bóng đá Trung Quốc sẵn sàng thực hiện các biện pháp mạnh “lấy tiền để rút ngắn trình độ”, khi kêu gọi các doanh nghiệp lớn, công ty mạnh hỗ trợ cho bóng đá bằng các bản hợp đồng với các ngôi sao thế giới...
Nhưng cách làm này sớm chỉ ra lỗ hổng, khi mà các CLB quá phụ thuộc vào doanh nghiệp, chưa thể dùng “bóng đá nuôi bóng đá”, trong khi thành tích của các đội tuyển Trung Quốc trong thời gian qua là rất kém.
Cuối năm 2020, khi Trung Quốc Super League vừa oằn mình chống chọi với dịch COVID-19, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc ra quy định bỏ tên tập đoàn, công ty khỏi tên CLB. Đội nào vi phạm sẽ bị trừ điểm, thậm chí đánh tụt hạng. Theo lý giải của các quan chức bóng đá Trung Quốc, điều này sẽ giúp các CLB hướng đến nội lực hơn, chú trọng đến công tác đào tạo trẻ hơn là chiêu mộ các ngôi sao bóng đá thế giới. Nhưng cũng chính quyết định này khiến cho CLB Giang Tô tuyên bố dừng hoạt động khi họ không còn tên gọi Tô Ninh Giang Tô.
Mạnh tay buộc những CLB hàng đầu, như Giang Tô, Quảng Châu... ngừng ném tiền vào các vụ chuyển nhượng bom tấn, nhưng Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc chưa có cách nào giúp các thành viên của họ gây dựng nguồn thu bền vững từ bóng đá. Đây là sự mâu thuẫn khiến cho bóng đá Trung Quốc tiếp tục lún sâu vào cuộc khủng hoảng và đến thời điểm hiện nay, không còn nhiều người tin rằng Trung Quốc sẽ sớm dự World Cup như mong muốn của đất nước đông dân nhất thế giới, thậm chí ở các giải đấu châu lục, Trung Quốc chưa bao giờ được sánh ngang với Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran…
Đầu tư bóng đá khác với đầu tư một đội tuyển bơi lội, thể dục dụng cụ, bơi, cầu lông, bóng bàn hay điền kinh, mà Trung Quốc đã chạm ngưỡng thế giới. Có vẻ như càng cải tổ, càng muốn thành tích ở đấu trường thế giới, những người làm bóng đá Trung Quốc càng đi ngược với xu thế chung của bóng đá hiện đại của các nước châu Âu hoặc Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhiều người hâm mộ bóng đá Trung Quốc ngán ngẩm cho bóng đá nước này trong bối cảnh hiện nay.
NGÔ NHẬT