Hôm qua đi chợ, tôi bắt gặp những mẹt trám đầu mùa bày bán. Trám còn xanh non, cắn một miếng nhỏ thấy vị chát đậm trong khoang miệng. Biết là trám chưa già, ăn sẽ không có được cái vị ngậy bùi nhưng vì nhớ quá mà vẫn mua về. Trám non, luộc lên mềm mũm nhưng vẫn thấy ngon cơm. Bởi lúc cắn miếng trám trong miệng là ta nhớ đến mùi vị của ký ức ùa về. Món cá kho của mẹ những năm tháng ấu thơ được đun bằng bếp củi, nồi gang, kẹo đắng, vài nắm trám đập dập nhựa văng tung tóe. Cơm thời khó nhưng nhờ có miếng cá kho của mẹ mà chẳng bao giờ thấy mình nghèo. Trong miếng cơm đưa lên miệng có vị của đồng đất quê nhà, có mùi khói rơm, có sự bùi ngùi của nhọc nhằn nắng mưa bạc phếch. Cái vị chát luôn còn lại cuối cùng trong cổ họng. Mà cũng không hẳn là vị chát. Nó có thêm vị ngọt bùi rất lạ. Giống như cuộc đời này vậy, khi đi qua cay đắng luôn còn đọng lại chút ngọt bùi.
Con gái tôi vừa tròn sáu tuổi, rất thích mảnh vườn nhỏ bên hông nhà. Nó thật ra là một thẻo đất thừa sát bên bờ mương, gia đình tôi tận dụng trồng vài luống rau nhỏ và mấy gốc cây ăn trái. Con gái thích cây mít thái, thường xin bố vặt vài quả mít non đực (dái mít) mang về dúi vào tay mẹ. Con nói: “Dái mít chát xít. Nhưng nuốt nước miếng xong lại thấy có vị ngọt. Nên ăn một miếng, bỏ xuống rồi lại cầm lên ăn, mẹ nhỉ?”. Không hiểu sao mỗi khi phải đi đâu đó xa nhà vài ngày tôi thường nhớ đến dáng hình bé nhỏ của con cầm trong tay dái mít non rồi xòe ra như một điều kỳ diệu. Trên đôi mắt con lấp lánh niềm hạnh phúc. Tôi từng dùng một phần ba quãng đời đi tìm hạnh phúc trong những thứ xa xôi. Đâu có ngờ đến một độ tuổi nào đó sẽ nghiệm ra hạnh phúc chỉ đơn giản là được cùng nhau ngồi bên hiên nhà chấm trái mít non trong chén muối được trộn bằng công thức “yêu thương”.
Tôi từng gặp nhiều cặp vợ chồng, họ hạnh phúc một cách giản đơn, bình thường nhất. Như hàng xóm nhà tôi, ngày nào không cự cãi nhau vài câu là không chịu được. Tưởng không hợp nhau ấy thế mà, ngày chị vợ mang bầu thì sau giờ tan ca về nhà anh chồng thường moi trong tui áo công nhân ra nắm nhót xanh cho vợ. Chị vợ dù bận bịu việc gì cũng bỏ đó chìa hai tay ra nhận, giây phút ấy chắc là quên hẳn cơn nghén mệt đến xanh xao mặt mũi. Chùi tạm vảy nhót lên quần, chẳng cần phải muối mắm gì, chị vợ bỏ vào miệng ăn ngon lẻm. “Chua chua chát chát mà ngon”. Chị bảo thế khi chìa ra trước mặt tôi nắm nhót mời ăn. Anh chồng tranh thủ bổ củi, phơi giúp vợ chậu quần áo, hoặc chà bớt khoảng sân rêu sợ vợ đi trượt chân thì khổ. Có những buổi chiều đứng bên này ngó sang bên ấy, thấy vợ chồng hàng xóm ngồi soạn đồ sơ sinh, đóng lại cái xe tập đi ai đó mới cho, tính chuyện bắt thêm mấy con gà nhốt sẵn chuẩn bị bồi bổ cho bà đẻ. Rồi họ ngồi tính xem khoảng đất trống còn lại trong vườn sẽ trồng vào đó cây gì? Một cây nhót hay là cây khế ngọt? Tính xem sau này đứa trẻ ra đời phải thu xếp công việc ra sao? Anh chồng nói sẽ gắng kiếm tiền xây hàng rào tử tế trước khi cu cậu biết đi. “Đường nhiều xe cộ sểnh ra là ân hận cả đời”. Rồi họ tính xa hơn, lúc cu cậu ba tuổi sẽ sửa lại cái nhà. Cu cậu sáu tuổi chắc đã đã đủ tiền mở một cửa hàng nho nhỏ bán tạp hóa cho dân lao động trong vùng. Họ rểnh rảng nói cười, khi người ta hạnh phúc thì mọi thứ trở nên thật tự nhiên, chẳng cần giấu giếm.
Tôi đã đi qua những cung bậc cảm xúc của đời người. Để rồi nhận ra có ngày mưa mới thấy yêu ngày nắng. Có thất bại mới quý trọng thành công. Có cơ hàn mới nâng niu những ngày tươi sáng. Cũng như phải nếm đủ vị mặn chát, đắng cay mới thấy được dư vị của ngọt ngào. Gặp gỡ ai cũng là cơ duyên. Phàm ở đời, trải qua bất cứ chuyện gì cũng đều là cần thiết. Vị chát không chỉ nằm trên đầu lưỡi hay trong khoang miệng của mỗi người. Vị chát còn nằm trong những trái tim tha thiết được yêu thương…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG